Ứng dụng

Nỗ lực phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ

TRUNG THÀNH 24/07/2024 00:30

Với việc ứng dụng phát triển KHCN không chỉ đưa ra thị trường những sản phẩm mới chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường mà còn là động lực tạo ra tăng trưởng kinh tế địa phương.

Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp Quảng Ninh vẫn chưa tận dụng hết các chính sách ưu đãi để phát huy thế mạnh phát triển KHCN của mình.

Nỗ lực

Ngành KH&CN tỉnh đặt mục tiêu trong năm 2024 này sẽ hướng dẫn, hỗ trợ thành lập thêm 4 doanh nghiệp KHCN, nâng tổng số doanh nghiệp KHCN của tỉnh lên 29 doanh nghiệp.

Với phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp, trong tháng 6 vừa qua, Sở KH&CN cũng đã thành lập Nhóm Zalo “Doanh nghiệp KHCN” do đồng chí Giám đốc Sở làm Trưởng nhóm để kịp thời nắm bắt được nguyện vọng, nhu cầu của doanh nghiệp và chia sẻ những thông tin về cơ chế, chính sách ưu đãi để doanh nghiệp nắm bắt, tiếp cận.

Là một trong những doanh nghiệp đang được Sở KH&CN hướng dẫn để công nhận là doanh nghiệp KHCN, Công ty TNHH Ngọc Khánh VT đã chú trọng khai thác tốt kết quả của các nhiệm vụ KHCN vào nâng cao năng lực sản xuất của đơn vị. Theo bà Phạm Thị Nga - PGĐ Công ty: Việc áp dụng nghiên cứu khoa học vào sản xuất giúp doanh nghiệp làm chủ được thị trường, cung cấp những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người tiêu dùng.

Các sản phẩm của doanh nghiệp hiện có mặt ở thị trường trong nước và quốc tế với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Chúng tôi đang tích cực phối hợp với Sở KH&CN để hoàn tất các thủ tục liên quan để được công nhận là doanh nghiệp KHCN.

Ứng dụng công nghệ trong quản lý, giám sát vận hành nước của Công ty Quawaco
Ứng dụng công nghệ trong quản lý, giám sát vận hành nước của Công ty Quawaco (Ảnh Báo Quảng Ninh)

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã rất quan tâm đến công tác đồng hành, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp KHCN. Một số doanh nghiệp KHCN trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng và giá trị của các sản phẩm KHCN; chủ động đầu tư nghiên cứu để tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.

Nhiều doanh nghiệp được nhận Bằng khen của Chính phủ, của tỉnh, giải thưởng của các tổ chức có uy tín trong và ngoài nước… Nhờ đó, bước đầu hình thành hệ thống doanh nghiệp KHCN, thúc đẩy phát triển hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện mục tiêu năm 2024 thành lập thêm 4 doanh nghiệp KHCN, từ đầu năm đến nay, Sở KH&CN đã chủ trì, đồng chủ trì tổ chức 3 hội thảo để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có cơ hội trao đổi, học tập kinh nghiệm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế. Đồng thời hướng dẫn, giải đáp các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp KHCN về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ liên quan đến doanh nghiệp KHCN.

Thời gian tới, Sở tiếp tục hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KHCN, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm đẩy mạnh ứng dụng, thương mại hóa kết quả KHCN trong các doanh nghiệp; thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp KHCN dựa trên khai thác tài sản trí tuệ công nghệ mô hình kinh doanh mới gắn với chuyển đổi số trong doanh nghiệp; hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đăng ký chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ.

Cùng với đó là làm tốt công tác tham mưu rà soát, hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách, các quy định quản lý theo hướng đơn giản về thủ tục hành chính, phù hợp với quy định của Trung ương, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ KHCN. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp KHCN được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật; củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp KHCN; tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong hoạt động KHCN; thường xuyên tổ chức gặp mặt các tổ chức KHCN, doanh nghiệp KHCN trên địa bàn tỉnh để nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc...

Ngành KH&CN tỉnh đặt mục tiêu trong năm 2024 này sẽ hướng dẫn, hỗ trợ thành lập thêm 4 doanh nghiệp KHCN (Ảnh minh họa)
Ngành KH&CN tỉnh đặt mục tiêu trong năm 2024 này sẽ hướng dẫn, hỗ trợ thành lập thêm 4 doanh nghiệp KHCN (Ảnh minh họa)

Huy động hỗ trợ nguồn vốn cho khoa học công nghệ

Việc, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng có sự gắn kết với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, có sự thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Việc ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã trở thành một nội dung của quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, địa phương, đơn vị. Hoạt động khoa học và công nghệ được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, sáng tạo, linh hoạt và phù hợp với thực tiễn hơn. Chính vì thế, việc huy động nguồn lực cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được tỉnh Quảng Ninh quan tâm với phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.

Ngoài nguồn vốn chi thường xuyên ngân sách cấp tỉnh, Quảng Ninh cũng huy động các nguồn lực khác đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Điển hình là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) xây dựng Đề án chuyển đổi số của TKV giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với tổng kinh phí thực hiện là 1.206,08 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ là 544,08 tỷ đồng, các công ty con là 662 tỷ đồng. Trong 2023, các KCN, KKT của tỉnh đã thu hút được 13.417 tỷ đồng (tương đương khoảng 4,7 tỷ USD) vốn đầu tư ngoài ngân sách vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (trong đó nguồn vốn đầu tư nước ngoài đạt 3.100,3 triệu USD), gấp 2,26 lần mục tiêu thu hút đầu tư của toàn tỉnh giai đoạn 2020-2025.

Trong quý I năm 2024, các KCN, KKT của tỉnh đã thu hút được 9 dự án đầu tư mới (100% là dự án vốn đầu tư nước ngoài) và phê duyệt điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 2 lượt dự án (100% là dự án vốn đầu tư nước ngoài) thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trường Đại học Hạ Long đã chủ động đầu tư 1,739 tỷ đồng cho hoạt động khoa học và công nghệ từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị.

Cùng với đó, các doanh nghiệp viễn thông đang đầu tư phát triển hạ tầng băng thông rộng, chất lượng cao trên địa bàn toàn tỉnh; rà soát, cải tạo, nâng cấp và phát triển hạ tầng băng thông rộng hiện đại thay thế dần các trạm 2G, 3G đảm bảo an toàn, tốc độ cao, dung lượng lớn; triển khai xây dựng trạm BTS đối với các vị trí trạm đã được Sở Thông tin và Truyền thông phê duyệt nhằm phát triển hạ tầng viễn thông băng thông rộng, nâng cao diện tích phủ sóng di động, cáp quang trên địa bàn tỉnh bảo đảm hạ tầng.

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh ứng dụng KHCN chế biến các sản phẩm ruốc hàu, ruốc cá, ruốc tép, ruốc bề bề (Ảnh Báo Quảng Ninh)
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh ứng dụng KHCN chế biến các sản phẩm ruốc hàu, ruốc cá, ruốc tép, ruốc bề bề (Ảnh Báo Quảng Ninh)

Ngoài ra, nguồn vốn Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tỉnh năm 2023 là 45,887 tỷ đồng nhưng không có hồ sơ dự án trình Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tỉnh xem xét nguồn vốn hỗ trợ hoặc vay vốn. Một số doanh nghiệp tiếp tục trích lợi nhuận sau thuế để thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của đơn vị với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng, trong đó riêng TKV là trên 900 tỷ đồng (chiếm trên 90%) cho hoạt động nghiên cứu, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tại các đơn vị.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Việt Nam, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được khẳng định là một nội dung đột phá chiến lược để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt trước bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số đã trở thành một trong những xu hướng phát triển chủ yếu của thế giới.

Đối với các doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ là chìa khóa giúp phục hồi sản xuất bền vững, tăng sức cạnh tranh. Do đó, Quảng Ninh sẽ tiếp tục huy động các nguồn vốn hợp pháp để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là vận động các doanh nghiệp tăng cường đầu tư nghiên cứu, ứng dụng KH&CN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nỗ lực phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO