Kinh tế thế giới

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc "chùn bước" trước thuế quan Mỹ

Cẩm Anh 14/07/2025 11:09

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã mở rộng ra nước ngoài và đang có kế hoạch mở rộng ra nước ngoài, đang "chùn bước" trước thuế quan của Mỹ.

Ảnh màn hình 2025-07-13 lúc 17.46.54
Tàu chở hàng container đi qua một cảng tại Myanmar, nơi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đe dọa áp thuế 40%. Ảnh: EPA

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức trong vấn đề đầu tư, khi một số nhà máy ở nước ngoài của họ đang đứng trước nguy cơ bị áp mức thuế đối ứng lên tới 40% do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đối với 14 quốc gia.

Động thái này của ông Trump đã đưa Đông Nam Á, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc vào tầm ngắm của cuộc chiến thương mại do Washington dẫn đầu, đồng thời tác động tới chiến lược tái xuất hàng hóa của các nhà xuất khẩu Trung Quốc thông qua khu vực này.

Sự thiếu rõ ràng trong chính sách thuế quan của Mỹ đối với hoạt động tái xuất, khi thì đe dọa áp thuế cao, khi lại không có chi tiết cụ thể về việc thực thi, đang tạo ra sự bất định đối với các nhà đầu tư Trung Quốc muốn mở rộng ra nước ngoài.

Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, cả những công ty đã mở rộng ra nước ngoài và những công ty đang có kế hoạch mở rộng ra nước ngoài, buộc phải lựa chọn phương án an toàn.

Ông Huang, Giám đốc một công ty xuất khẩu thiết bị chiếu sáng tại tỉnh Chiết Giang, đã nhiều lần phải điều chỉnh kế hoạch mở nhà máy ở Campuchia do những thay đổi liên tục trong chính sách thuế quan của ông Trump trong vài tháng gần đây.

“Khách hàng thúc giục tôi mở cơ sở sản xuất ở Đông Nam Á, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc tôi phải chi gấp đôi, vừa duy trì nhà máy ở Trung Quốc, vừa đầu tư xây dựng một nhà máy mới,” SCMP trích dẫn lời chia sẻ của ông Huang trong một video đăng gần đây trên ứng dụng WeChat.

“Với chuỗi cung ứng địa phương còn non trẻ, sẽ mất ít nhất hai năm để có được khách hàng mới. Trên thực tế, chi phí gấp đôi nhưng chỉ có một nguồn thu", ông Huang nói thêm.

Sáu trong số mười quốc gia thành viên ASEAN bị ảnh hưởng, bao gồm Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Lào và Myanmar, với mức thuế quan dao động từ 25% đến 40%. Trong đó, Lào và Myanmar sẽ chịu mức thuế cao nhất là 40%, và chi phí gia tăng này sẽ khiến hình thức tái xuất hàng Trung Quốc qua hai quốc gia này gần như không còn hiệu quả.

Theo Morgan Stanley, sau nhiều năm căng thẳng thương mại leo thang và thay đổi chính sách, mức thuế trung bình hiện tại đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc được ước tính là 42%. UBS ước tính con số này là 43,5%.

Ảnh màn hình 2025-07-13 lúc 17.47.36
Tổng thống Trump công bố mức thuế quan mới với các quốc gia. Đồ hoạ: SCMP

“Chọn cách nào cũng thấy sai. Những doanh nghiệp đã dựng xây nhà máy rồi thì mất ngủ cả đêm”, ông Levi Tan, đại diện một công ty xuất khẩu thiết bị chiếu sáng khác ở tỉnh Quảng Đông chia sẻ.

Các chuyên gia trong ngành cảnh báo rằng, dù xu hướng “vươn ra toàn cầu” vẫn tiếp diễn, nhưng sự bất định ngày càng tăng quanh chính sách thuế quan của Mỹ sẽ nhanh chóng thu hẹp không gian chiến lược của các nhà xuất khẩu Trung Quốc.

Theo ông Lưu Khai Minh, một chuyên gia chuỗi cung ứng quen thuộc với các mô hình tái định tuyến, nếu không có triển vọng ổn định, thì mỗi khoản đầu tư đều là một canh bạc.

“Hiện tại, Campuchia chỉ có chuỗi công nghiệp tương đối hoàn chỉnh trong ngành may mặc, còn Lào và Myanmar chỉ có vài nhà máy rải rác. Khi bị đưa vào danh sách áp thuế cao, tái xuất qua Lào và Myanmar sẽ gần như không khả thi. Các nhà máy Trung Quốc đầu tư tại đó chắc chắn sẽ chịu thiệt hại nặng nề”, ông Lưu giải thích. “

Chuyên gia này cho rằng Đông Nam Á vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng của Trung Quốc, nhưng quá trình này đang khó khăn hơn rất nhiều so với dự tính ban đầu của các doanh nghiệp.

“Từ việc xây dựng năng lực sản xuất cho tới huy động vốn, mọi chi phí đều đang tăng. Chính sách đảo ngược liên tục của ông Trump khiến nhiều chủ doanh nghiệp cảm thấy làm gì cũng sai”, ông Lưu nói thêm

Ông Kevin Huang, một nhà xuất khẩu thiết bị phần cứng ở Quảng Đông, cũng bày tỏ lo ngại tương tự. Ông cho biết những thay đổi liên tục trong chính sách thuế của Mỹ đang làm gia tăng rủi ro trong ngắn hạn. “Một số doanh nghiệp trong ngành vừa mới hoàn tất việc xây dựng nhà máy thì đã phải đối mặt với nguy cơ mất dòng tiền,” ông nói.

Tuy vậy, một số nhà sản xuất ở Trung Quốc lại nhìn thấy điểm sáng bất ngờ trong tình thế này. “Nếu Đông Nam Á bị áp thuế quan cao, chúng tôi có thể sẽ giành được lợi thế tương đối. Nhiều mặt hàng ở Đông Nam Á có thể không sản xuất được”, ông Wang Shui, đại diện một công ty xuất khẩu sản phẩm cho thú cưng tại Quảng Đông, nhận định.

Dù vậy, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng thừa nhận rằng môi trường thương mại nói chung đang ngày càng trở nên bấp bênh. Dù là ở lại Trung Quốc hay mở rộng ra nước ngoài, các nhà sản xuất đều đang phải đối mặt với mức độ bất định chưa từng có. Với chính sách thuế quan của Mỹ thay đổi từng ngày, chẳng ai biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc "chùn bước" trước thuế quan Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO