Phân tích - Bình luận

Thế khó của doanh nghiệp Trung Quốc

Trương Khắc Trà 11/07/2025 04:09

Nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc đã rơi vào thế khó trong việc lựa chọn địa điểm sản xuất sao cho tối ưu hóa chi phí về thuế quan.

Thuế quan Hoa Kỳ áp dụng với hàng hóa Trung Quốc vẫn cao hơn nhiều đối tác khác
Thuế quan Hoa Kỳ áp dụng với hàng hóa Trung Quốc vẫn cao hơn nhiều đối tác khác

Chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump đã gây sức ép rất lớn đến các doanh nghiệp Trung Quốc - với vai trò là những nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Huang Yongxing, ông chủ một công ty chuyên sản xuất thiết bị chiếu sáng có trụ sở tại tỉnh Chiết Giang - đã phải nhiều lần sửa đổi kế hoạch mở nhà máy tại Campuchia do lập trường thuế quan thương mại thay đổi của ông Trump trong những tháng gần đây.

Cụ thể, vào ngày 2/4, theo công bố từ Nhà Trắng, Campuchia chịu mức thuế đối ứng lên đến 49%, đến ngày 7/7 giảm xuống còn 36% và ân hạn đến ngày 1/8 sẽ có hiệu lực nếu quốc gia Đông Nam Á không đạt được thỏa thuận với đội ngũ đàm phán của ông Trump.

Trong khi đó, mức thuế dự kiến sau ngày 1/8 với một số nền kinh tế như: Lào từ 48% xuống còn 40%, Myanmar từ 44% dự kiến giảm còn 40%, Thái Lan và Indonesia vẫn giữ nguyên mức lần 36% và 32%, nếu đàm phán không tiến triển.

Theo Morgan Stanley, do ảnh hưởng của nhiều năm leo thang các hành động thương mại và thay đổi chính sách, mức thuế trung bình đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc ước tính là 42%. UBS đưa ra mức thuế là 43,5%.

Huang cho biết trong một video đăng trên WeChat: “Khách hàng thúc giục tôi thành lập cơ sở sản xuất ở đâu đó tại Đông Nam Á, nhưng điều đó có nghĩa là phải chi gấp đôi số tiền duy trì hoạt động của nhà máy tại Trung Quốc”.

Đây là nỗi lo chung với tất cả các doanh nghiệp khi chuỗi cung ứng sở tại chưa hoàn thiện, sẽ mất ít nhất hai năm để có được khách hàng mới. Trên thực tế, chi phí sẽ tăng gấp đôi, nhưng thu nhập không tăng. Vì vậy, rất nhiều công ty của Trung Quốc đang đầu tư tại nhiều quốc gia Đông Nam Á rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á bắt đầu từ cách đây 15 năm, vì nhiều lý do khác nhau, bao gồm các cân nhắc về địa chính trị, kinh tế cũng như thương mại, nhân khẩu học, lao động.

Một phần quan trọng của chuỗi cung ứng pin xe điện, tấm pin năng lượng mặt trời, may mặc, giày dép đã chuyển sang Indonesia, Malayasia, Campuchia do trữ lượng khoáng sản dồi dào, lao động giá rẻ và hệ thống chính sách thu hút FDI nhiều ưu đãi.

Ngoài ra còn có kế hoạch xây dựng các khu công nghiệp “xanh” cung cấp năng lượng bền vững cho các nhà đầu tư, từ thủy điện đến năng lượng mặt trời và sinh khối. Khu công nghiệp “xanh” do Adaro sở hữu tại Kalimantan là một trong những khu công nghiệp như vậy.

Hưởng thụ sự dịch chuyển, Đông Nam Á thực sự trở thành trung tâm sản xuất quy mô lớn. Thái Lan đã khẳng định vị thế là một trung tâm sản xuất ô tô xuất khẩu và Indonesia có cơ hội tương tự trong lĩnh vực xe điện nhờ nguồn nguyên liệu thô dồi dào cho pin xe điện.

Nhiều doanh nghiệp đau đầu với kế hoạch cho tương lai
Nhiều doanh nghiệp đau đầu với kế hoạch cho tương lai

Những rào cản thương mại từ Hoa Kỳ có thể tái định vị chuỗi cung ứng, nhưng đó là câu chuyện của tương lai, ngay bây giờ - với nhiều nhà sản xuất - việc lựa chọn địa điểm để tối ưu chi phí là bài toán rất khó.

Hiện tại, tổng mức thuế mà Hoa Kỳ áp dụng với hàng hóa Trung Quốc vẫn rất cao so với các đối tác khác. Do đó, các nhà phân tích và nhà sản xuất vẫn thận trọng, đặt câu hỏi liệu thỏa thuận thương mại có được duy trì hay không? Sẽ ra sao nếu hai quốc gia không đạt được các thỏa thuận toàn diện hơn?

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thế khó của doanh nghiệp Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO