Trung Quốc tăng cường nỗ lực thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh đàm phán thương mại với các đối tác lớn.
Trung Quốc đang đẩy mạnh các biện pháp thu hút đầu tư nước ngoài, khi các nhà hoạch định chính sách tìm cách bảo vệ vị thế của nước này trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh đàm phàn thương mại với những đối tác lớn.
Các ưu đãi thuế mới của Trung Quốc được công bố trong tuần này nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài tái đầu tư lợi nhuận tại Trung Quốc nhằm khôi phục niềm tin và phát đi tín hiệu cởi mở, khi đàm phán thương mại với Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ vẫn đang tiếp diễn.
Bộ Thương mại, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế Trung Quốc đã cùng nhau công bố các chính sách ưu đãi này vào thứ Hai vừa qua. Theo đó, các công ty nước ngoài lựa chọn tái đầu tư lợi nhuận thu được tại Trung Quốc sẽ được khấu trừ thuế trong nước tương đương 10% khoản tiền tái đầu tư. Phần tín dụng thuế chưa sử dụng có thể được chuyển tiếp đến hết năm 2028.
Các hình thức tái đầu tư hợp lệ bao gồm góp vốn vào doanh nghiệp trong nước, như thành lập pháp nhân mới hoặc mua lại cổ phần từ các bên không liên kết, ngoại trừ việc mua cổ phiếu đã niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể nộp đơn xin áp dụng chính sách ưu đãi này cho các khoản tái đầu tư đủ điều kiện đã thực hiện từ ngày 1/1/2025.
“Đây là một sự đối lập rõ ràng. Trong khi Mỹ đe dọa các đối tác thương mại bằng thuế quan, Trung Quốc lại đưa ra ưu đãi thuế để thu hút đầu tư nước ngoài,” ông Tôn Lập Kiện, giáo sư tài chính tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải nhận định.
“Một loạt chính sách mở cửa mà Trung Quốc thực hiện trong những năm gần đây, bao gồm cả miễn thị thực, đều nhằm khuyến khích thêm các doanh nghiệp nước ngoài tích hợp sâu hơn vào hệ thống kinh tế của Trung Quốc,” chuyên gia này nói thêm.
Việc chuyển lợi nhuận từ Trung Quốc về nước mẹ cần có sự chấp thuận của Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE) và cũng phải chịu thuế.
Đầu tư nước ngoài vẫn đóng vai trò quan trọng đối với Trung Quốc, mang lại việc làm, công nghệ và chuyên môn quản lý, đồng thời là mắt xích thiết yếu trong mối quan hệ kinh tế với các quốc gia đối tác thương mại chủ chốt.
Phát biểu tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Thiên Tân tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cam kết Bắc Kinh sẽ mở cửa rộng hơn với thế giới. “Chúng tôi sẽ tiếp tục hội nhập và kết nối sâu hơn với thị trường toàn cầu, đẩy mạnh hợp tác công nghiệp với các quốc gia khác và chủ động chia sẻ thành quả phát triển để mang lại lợi ích lớn hơn cho thế giới,” ông Lý Cường nhấn mạnh.
Những ưu đãi thu hút FDI của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh FDI vào quốc gia này liên tục sụt giảm. Trung Quốc ghi nhận dòng vốn FDI rút ròng lên tới 168 tỷ USD trong năm 2024, mức cao nhất kể từ khi dữ liệu được ghi nhận vào năm 1990, theo tính toán của Bloomberg. Từ tháng 1 đến tháng 5/2025, vốn FDI vào Trung Quốc đã giảm 13,2% so với cùng kỳ, xuống còn khoảng 358,2 tỷ nhân dân tệ, theo số liệu của chính phủ.