Trong số hơn 20 nhà máy gạch tuynel đang hoạt động trên địa bàn Hà Tĩnh, chỉ có khoảng 7 nhà máy có nguồn nguyên liệu ổn định.
Số còn lại loay hoay tìm nguồn nguyên liệu thông qua hình thức tận thu...
Qua tìm hiểu, một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhà máy lâm cảnh “chết lâm sàng” là do thiếu nguồn đất sét nguyên liệu. Nhiều đơn vị buộc phải “hợp tác” với một số cá nhân có khả năng cung cấp đất sét thông qua phương thức cải tạo đồng ruộng, đào ao để thu mua nguyên liệu. Tình trạng này khiến cho chi phí sản xuất tăng cao, đồng thời tạo cơ hội cho các đầu nậu khai thác, thu mua đất sét.
Theo lộ trình phát triển vật liệu xây dựng của Chính phủ, sau năm 2015, tất cả các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước phải sử dụng 100% vật liệu không nung, các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng 50% vật liệu không nung. Đây được xem như một thử thách lớn đối với các nhà máy sản xuất gạch tuynel ở Hà Tĩnh nói riêng. Nếu không xây dựng được phương án chuyển đổi hợp lý, nhiều nhà máy sẽ đứng trước bờ vực phá sản.
Tuy nhiên theo tính toán của các nhà máy gạch tuynel, để xây dựng một nhà máy sản xuất gạch tuynel, các đơn vị đã phải chi ra từ 40 – 80 tỷ đồng, thậm chí những đơn vị quy mô lớn bỏ ra đến 250 tỷ đồng. Đây là thách thức rất lớn đối với các nhà máy gạch tuynel.
Tại văn bản số 186/UBND-XD, UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định đối với các nhà máy sản xuất gạch tuynel không có nguồn đất sét được cấp phép phải dừng hoạt động hoặc chuyển đổi sang công nghệ sản xuất khác theo đúng quy định. Đối với nguồn nguyên liệu cho các nhà máy gạch tuynel, giao UBND các huyện, thị, thành phố đề xuất bổ sung quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và phương án thu hồi khoáng sản dôi dư trong quá trình thi công các dự án trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo đúng quy định.
Có thể bạn quan tâm