Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển các dự án Con đường Tơ lụa kỹ thuật số trong khuôn khổ sáng kiến BRI khi các quốc gia đang đối mặt với với nợ ngày càng tăng và các ưu tiên thay đổi.
>> Nhìn lại 10 năm BRI: Trung Quốc có "bước đi" mới
Thay vì tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng như trước đây theo sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Trung Quốc đang đẩy mạnh các dự án Con đường tơ lụa kỹ thuật số (DSR) như một động lực kết nối toàn cầu hiện đã bước sang năm thứ 10.
Tại diễn đàn Sáng kiến Vành đai và Con đường năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc đến nền kinh tế kỹ thuật số là “khu vực biên giới” hợp tác. Các nhà phân tích cho rằng nỗ lực thúc đẩy kỹ thuật số của Trung Quốc là một phần trong nỗ lực củng cố vị thế là quốc gia dẫn đầu công nghệ toàn cầu, trong khi vẫn giữ cho kế hoạch Vành đai và Con đường trở nên hấp dẫn hơn.
Trung Quốc đã triển khai DSR năm 2015 với vai trò là nhánh công nghệ của Sáng kiến BRI nhằm thúc đẩy kết nối kỹ thuật số. Các nhà phân tích đành giá rằng, các dự án thuộc Con đường Tơ lụa kỹ thuật số bao trùm rộng rãi trên nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng mạng như 5G, thương mại điện tử và nền kinh tế kỹ thuật số cũng như quy hoạch đô thị.
Cho đến nay, theo Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc, 17 quốc gia đã ký các thỏa thuận cụ thể về DSR. Các nhà phân tích kỳ vọng con số đó sẽ tăng lên khi các tập đoàn lớn như Huawei và Alibaba đang một vai trò quan trọng trong sáng kiến số này. Ví dụ, Huawei đã nổi lên như nhà cung cấp chính cho bất kỳ sự phát triển công nghệ nào liên quan đến 5G ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
>>“Con đường tơ lụa” kỹ thuật số Kỳ I: Toan tính của Trung Quốc
Ông Lim Tai Wei, Phó giáo sư tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore, cho biết các dự án Con đường tơ lụa kỹ thuật số đang ngày càng trở nên quan trọng trong những năm gần đây vì cơ sở hạ tầng cơ bản của một số nền kinh tế mới nổi đang không đáp ứng được nhu cầu phát triển. “Các quốc gia đang khởi động cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 của riêng họ và mong muốn Bắc Kinh chia sẻ những công nghệ đó với họ”, ông Lim Tai Wei cho biết.
Theo ông Yu Hong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Đông Á của Đại học Quốc gia Singapore, các nước đang phát triển ngày càng nhận thấy giá trị mà công nghệ kỹ thuật số có thể mang lại cho tăng trưởng kinh tế. "Trong khi các dự án cơ sở hạ tầng vẫn sẽ là trọng tâm chính đối với một số quốc gia như Campuchia hay Lào, thì những quốc gia khác đã tìm cách khai thác khả năng công nghệ của Trung Quốc", ông Hong nhận định.
Chuyên gia này chỉ ra, các nước châu Phi đang chuyển hướng tập trung vào công nghệ từ Trung Quốc. Vào tháng 8, ông Wu Peng, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề châu Phi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết các quốc gia châu Phi đã yêu cầu Bắc Kinh xem xét chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực khác ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng.
Thông qua DSR, Bắc Kinh đã có thể xây dựng một đế chế công nghệ thách thức sự thống trị công nghệ của phương Tây. Mặc dù sáng kiến này có tiềm năng tăng cường kết nối kỹ thuật số ở các nền kinh tế đang phát triển ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng có ý kiến lo ngại rằng, DSR cũng cung cấp cho Bắc Kinh một công cụ mà họ có thể phục vụ cho các mục tiêu địa chính trị của quốc gia này.
Như ông Lim, chuyên gia thuộc Đại học Khoa học Xã hội Singapore nhận định: “Công nghệ là một dạng quyền lực mềm vì sự dẫn đầu về công nghệ của Trung Quốc có thể thu hút các nước khác tuân thủ theo những tiêu chuẩn của Bắc Kinh mà không cần ép buộc họ phải làm như vậy. Trong trường hợp này, Trung Quốc đang nỗ lực khai thác quyền lực mềm công nghệ.”
Bên cạnh đó, cho đến nay, các dự án DSR nhận được ít sự chú ý hơn và chưa được xem xét rộng rãi hoặc sâu sắc như BRI. Thậm chí rất khó để xác định các mục tiêu của DSR khi chỉ có một ít tài liệu chính thức được công khai với những điều khoản mơ hồ và đôi khi mâu thuẫn.
Một số tài liệu của chính phủ Trung Quốc định nghĩa DSR là những công nghệ kỹ thuật số giúp tăng cường kết nối hoặc giúp xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số và chủ yếu hướng tới đầu tư vào cơ sở hạ tầng mạng viễn thông... Nhưng các tuyên bố khác từ Bắc Kinh cho thấy, DSR cũng bao gồm việc phát triển các công nghệ cao như ứng dụng điện toán lượng tử hoặc trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu lớn.
Mặc dù vậy, khu vực Nam bán cầu sẽ tiếp tục là ưu tiên cho việc thúc đẩy các dự án DSR của Trung Quốc khi dòng đầu tư từ Bắc Kinh đang được hoan nghênh. Trung Quốc sẽ sử dụng hầu hết các nguồn lực ngoại giao và năng lượng của mình ở Nam bán cầu. Đó chắc chắn sẽ là chìa khóa cho DSR và BRI tiếp tục tiến về phía trước.
Có thể bạn quan tâm
Nhìn lại 10 năm BRI: Trung Quốc có "bước đi" mới
03:30, 14/10/2023
Sáng kiến Vành đai và Con đường (Kỳ II): Nguy cơ khủng hoảng nợ
01:00, 13/08/2022
Sáng kiến Vành đai và Con đường (Kỳ I): Rủi ro vay nợ Trung Quốc
12:00, 08/08/2022
Đối trọng mới của "Vành đai và Con đường"
05:30, 14/06/2021
G7 sắp xây dựng dự án thay thế Vành đai và Con đường của Trung Quốc?
11:00, 06/06/2021