Kinh tế thế giới

Nhìn lại con đường từ “đỉnh cao xuống vực sâu” của Intel

Trường Đặng 23/09/2024 03:28

Chỉ trong vòng 4 năm, Intel - tập đoàn từng thống trị ngành chip toàn cầu, giờ lại trở thành đối tượng để các đối thủ thâu tóm.

int-0667-0006-0001.jpg
Những ngày đầu của tập đoàn chip Intel (Ảnh: Intel)

Kể từ khi thành lập vào năm 1968, Intel đã trải qua một hành trình phát triển đầy thăng trầm, vươn mình từ một công ty khởi nghiệp nhỏ trở thành một gã khổng lồ trong ngành bán dẫn và công nghệ vi xử lý.

Hào quang của quá khứ

Intel ban đầu được thành lập bởi Robert Noyce và Gordon Moore, hai nhà tiên phong trong ngành bán dẫn. Khi đó, Intel tập trung vào việc sản xuất bộ nhớ bán dẫn, với sản phẩm đầu tiên là bộ nhớ SRAM.

3 năm sau, Intel trình làng bộ vi xử lý đầu tiên trên thế giới - chip Intel 4004 - đánh dấu một cột mốc mới trong hành trình của công ty. Việc chuyển từ sản xuất bộ nhớ sang phát triển vi xử lý đã trở thành nền tảng thành công cho Intel nhiều thập niên sau đó.

Suốt trong giai đoạn 1970 -1980, Intel cho ra mắt hàng loạt chip mới, như các mã 8080 và 8086, áp dụng trên các dòng máy tính thương mại đầu tiên. Điều này giúp công ty thiết lập vị thế vững chắc trong ngành công nghiệp máy tính cá nhân (PC) non trẻ.

Thỏa thuận hợp tác cung cấp chip cho máy tính IBM cũng là một thành công đáng nhớ của Intel. Ra mắt vào năm 1981, máy tính IBM PC sử dụng con chip Intel 8088 đã thiết lập một tiêu chuẩn mới cho ngành công nghiệp máy tính. Năm 1983, IBM PC đã chiếm tới 26% thị phần của thị trường máy tính cá nhân, đem về 500 triệu USD doanh thu trong năm 1982 và hàng tỷ USD cho các năm tiếp theo.

Kỷ nguyên Intel là trung tâm của ngành chip từ đó bắt đầu. Suốt trong thập niên 1990, công ty cho ra đời hàng loạt sản phẩm công nghệ cao được cải tiến liên tục, như kiến trúc 32-bit hay dòng Intel Pentium – biểu tượng của thương hiệu Intel cùng với hệ điều hành Microsoft.

Vào cuối thập niên 1990, Intel đã trở thành một trong những công ty lớn nhất thế giới. Năm 1997, doanh thu của Intel vượt qua 25 tỷ USD, và đến năm 1999, con số này tăng lên hơn 29 tỷ USD. Lợi nhuận ròng cũng đạt đỉnh vào cuối thập kỷ, khoảng 10,5 tỷ USD vào năm 1999.

pentium-g6400.jpg
Trong quá khứ, chip Pentium của Intel giúp công ty thống lĩnh thị trường vi xử lý máy tính để bàn

Giá cổ phiếu Intel cũng tăng trưởng ấn tượng. Trong thập niên 1990, cổ phiếu Intel đạt mức đỉnh vào thời kỳ bùng nổ dot-com năm 2000, với giá trị vốn hóa thị trường hơn 500 tỷ USD vào năm đó.

Tuy nhiên, bong bóng dotcom vỡ tung vào những năm đầu thế kỷ 21 bắt đầu tạo ra những thách thức cho Intel. Dòng vốn đầu tư tháo chạy, sự sụt giảm về nhu cầu khiến doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn này giảm mạnh.

Cũng từ đây, các đối thủ cạnh tranh đã dần nổi lên, như AMD hay Qualcomm. Năm 2003, AMD nổi lên với dòng chip Athlon 64, mang lại hiệu suất tốt hơn trong một số lĩnh vực và gây áp lực lớn lên thị phần của Intel. Dù vậy, dòng Intel Core ra mắt năm 2006 đã giúp Intel phục hồi thị phần và củng cố thế thượng phong. Chip Core (Core 2 Duo, Core i3, i5, i7) tỏ ra cực kỳ phù hợp với thị trường laptop mới nổi, không chỉ gia tăng hiệu suất mà còn tiết kiệm năng lượng. Năm 2009, doanh thu của Intel đạt khoảng 35,1 tỷ USD, bất chấp khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Cho tới nay, Intel vẫn là cái tên không thể thay thế trong mảng PC và máy chủ nhờ dòng chip Core liên tục được cải tiến. Các kiến trúc như Sandy Bridge (2011) và Haswell (2013) giúp công ty đạt doanh thu 54 tỷ USD vào năm 2011, với lợi nhuận ròng khoảng 12,9 tỷ USD.

CEO Pat Gelsinger của Intel vẫn đang loay hoay tái cơ cấu hoạt động của công ty (Ảnh: Business Insider)
CEO Pat Gelsinger vẫn đang loay hoay tái cơ cấu hoạt động của công ty (Ảnh: Business Insider)

Bước qua đỉnh cao là sườn dốc

Ý tưởng về việc nhà sản xuất chip di động Qualcomm mua lại Intel dường như là điều không tưởng cách đây không lâu, nhưng sự thật cho thấy sự trượt dốc khó tin của Intel. Thị trường công nghệ thay đổi và sự ra đời bất ngờ của AI được lý giải là nguyên nhân chính cho tình hình này.

"Trong 2-3 năm qua, sự chuyển đổi sang AI thực sự là chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài của Intel," Angelo Zino, nhà phân tích ngành kỳ cựu tại CFRA Research, nhận định và cho biết Intel đơn giản là không có khả năng phù hợp.

Sự ra đời của ChatGPT vào 2022 đã thổi bùng sự quan tâm của giới đầu tư vào AI tạo sinh. Sự bùng nổ này đã chuyển nhu cầu từ bộ xử lý trung tâm của Intel sang GPU từ Nvidia. Trong khi các công ty công nghệ tranh giành chip AI khan hiếm của Nvidia, nhiều bộ xử lý của Intel vẫn nằm trong kho.

CEO Intel Pat Gelsinger buộc phải cắt giảm chi phí để bảo toàn nỗ lực tái cơ cấu. Intel đã sa thải hàng nghìn nhân viên từ năm 2022 và cắt giảm cổ tức vào năm ngoái. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Tháng trước, Gelsinger cho biết sẽ sa thải 15.000 người, cắt giảm chi phí 10 tỷ USD vào năm tới và loại bỏ cổ tức.

"Sự bùng nổ AI mạnh hơn nhiều so với tôi dự đoán," Gelsinger nói vào thời điểm đó, gọi các khoản cắt giảm này là "điều khó khăn nhất tôi từng làm trong sự nghiệp của mình."

Không phải chỉ mãi tới AI, Intel bị cho đã bỏ lỡ cơ hội khổng lồ tại thị trường di động. Chậm thay đổi trong bối cảnh thị trường công nghệ chuyển dịch nhanh chóng, Intel bị Qualcomm và ARM vượt mặt ở thị trường chip di động nhờ thiết kế kiến trúc hiệu quả hơn cho các thiết bị như smartphone và tablet. Trong những năm 2010, dù Intel cố gắng chen chân với dòng chip Atom cho thiết bị di động, nhưng không đạt được thành công lớn như mong đợi.

Sự bão hòa của thị trường PC và chuyển hướng sang trung tâm dữ liệu tiếp tục là cú đánh mạnh vào vị thế của Intel. Giai đoạn từ 2010 đánh dấu thị trường PC dần bão hòa khiến Intel vội vã chuyển hướng tập trung vào các lĩnh vực mới như trung tâm dữ liệu (datacenter) và các giải pháp điện toán đám mây. Mảng này đã trở thành một trong những nguồn thu chính của công ty, với doanh thu từ trung tâm dữ liệu tăng lên mức 16 tỷ USD vào năm 2015 – một tín hiệu buồn khi mảng kinh doanh chip cốt lõi không còn nhiều cơ hội phục hồi nhanh chóng trong bối cảnh cơn sốt chip AI sẽ còn tiếp tục.

Kế hoạch tái cơ cấu của lãnh đạo Intel về việc tách riêng bộ phận thiết kế và sản xuất chip hé lộ một hướng đi mới - bước chân vào lĩnh vực gia công mà TSMC và Samsung đang thống trị. Chi ra hàng chục tỷ USD, mục tiêu của Gelsinger sẽ là đưa Intel trở thành công ty lớn thứ hai trong lĩnh vực này trên thế giới vào năm 2030. Nhưng có lẽ không nhiều người tự tin về điều này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhìn lại con đường từ “đỉnh cao xuống vực sâu” của Intel
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO