Tuần qua, dư luận vẫn chưa hết ồn ào xung quanh việc bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật Trần Thị Ngọc Thảo), TP hành chính (VP Tỉnh ủy Đắk Lắk) mượn tên, sử dụng bằng cấp của chị ruột để thăng tiến.
Để kịp thời thông tin đến các cơ quan báo chí, cán bộ, đảng viên và nhân dân về sự việc nêu trên. Ngày 4/10/2019, Văn phòng Tỉnh ủy đã tổ chức buổi gặp gỡ, thông tin nhanh một số nội dung liên quan đến việc rà soát, xử lý vi phạm đối với bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo).
Theo thông tin Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cung cấp bà Trần Thị Ngọc Ái Sa tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo (SN 1975); chưa học hết cấp 3 nhưng đã lấy bằng cấp 3 của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (SN 1973) là chị ruột để đi học Trung cấp, học liên thông lên Đại học và hiện nay đã học cao học.
Gần 20 năm “đóng giả” thân phận chị gái, chấp nhận già hơn 2 tuổi so với bản thân nhưng nhìn vào quá trình công tác, học tập, bà Sa không nhảy vọt ngay lên vị trí trưởng phòng mà vươn lên theo từng nấc thang. Từ nhân viên tại Xí nghiệp chế biến Cà phê, thuộc Công ty XNK 2-9 Đắk Lắk rồi Kế toán trưởng tại khách sạn Bạch Mã, thành phố Buôn Ma Thuột đến phụ trách kế toán rồi làm Kế toán trưởng tại Nhà khách tỉnh Đắk Lắk. Tiếp đó, từ tháng 5/2011 đến tháng 10/2019 công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, lần lượt giữ các chức vụ như nhân viên kế toán, Phó Trưởng phòng Quản trị và hiện nay là Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk. Bà Sa được kết nạp Đảng chính thức ngày 10/3/2014 tại Chi bộ Quản trị, Đảng bộ Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Ngay khi có đơn tố cáo, biết vụ việc bị lộ, bà Sa đã có đơn xin thôi việc và các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã vào cuộc thẩm tra, xác minh. Kết quả xử lý thì chưa rõ nhưng Tỉnh ủy Đắk Lắk khẳng định sẽ theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước và công khai, cung cấp cho các cơ quan thông tấn, báo chí. Dù sao hành vi gian dối bằng cấp, kê khai lý lịch không trung thực là không thể biện minh và không thể không xử lý và cũng cần xử lý nghiêm để có tính răn đe.
Tuy nhiên một số báo điện tử và tài khoản mạng xã hội facebook đã đăng tải, đưa tin, bài về vụ việc với những thông tin không chính xác, trích dẫn không đúng nội dung gây hiểu lầm; làm ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, xử lý và gây dư luận xấu trong xã hội. Nhiều trang mạng xã hội thậm chí còn khuếch trương sự việc, khoét sâu vào thân phận cá nhân, tổ chức tạo nên dư luận một chiều và trút bỏ sự giận dữ, căm ghét vào cả hệ thống chính trị.
Trách con voi chui lọt lỗ kim đã đành nhưng đáng trách nhất trong sự việc này, có lẽ là sự tắc trách của cơ quan quản lý còn mang nặng tính hình thức, chiếu lệ; công tác đề bạt cán bộ còn qua loa đại khái…Và không thể lấy một, hai vụ việc sai lầm từ công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ để khuếch trương, quy kết cho sai lầm của cả hệ thống chính trị về công tác cán bộ và phủ nhận sạch trơn.