Indonesia và Singapore hợp tác xây dựng cảng container quốc tế; Ấn Độ ghi nhận FDI tăng, Tăng trưởng Mỹ vượt Trung Quốc... là những tin đáng chú ý trong tuần này.
>>Nhịp sống thế giới từ ngày 9- 14/5
1. Indonesia và Singapore hợp tác xây dựng cảng container quốc tế
Khu công nghiệp (KCN) Kendal rộng 2.700 ha ở tỉnh Trung Java - liên doanh giữa Indonesia và Singapore - đang trong quá trình mở rộng với kế hoạch xây dựng một cảng container quốc tế. Theo đó, nghiên cứu khả thi về các địa điểm tiềm năng của khu cảng này đã được các công ty Singapore và Indonesia tiến hành, và một đề xuất đã được trình chính quyền trung ương ở Jakarta phê duyệt.
2. G7 thành lập Liên minh an ninh lương thực toàn cầu
Các Bộ trưởng Phát triển G7 đã quyết định thành lập Liên minh an ninh lương thực toàn cầu nhằm hỗ trợ thế giới chống lại cuộc khủng hoảng lương thực đang rình rập. G7 cam kết tuân thủ hệ thống đa phương dựa trên luật lệ, tăng cường hợp tác quốc tế, không bỏ sót ai lại phía sau.
3. Bangladesh có nguy cơ rơi vào khủng hoảng như Sri Lanka
Sri Lanka đã rơi vào tình trạng bất ổn kinh tế trong vài tháng qua. Theo đó, nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các mặt hàng thiết yếu và cạn kiệt xăng dầu, thuốc men và dự trữ ngoại hối trong bối cảnh khủng hoảng cán cân thanh toán trầm trọng. Nhiều người ở Bangladesh lo sợ rằng nước này có thể gặp phải tình huống tương tự, do thâm hụt thương mại và gánh nặng nợ nước ngoài ngày càng gia tăng.
4. Sri Lanka vỡ nợ
Các nhà hoạch định chính sách Sri Lanka đã tuyên bố với các chủ nợ rằng quốc gia này sẽ không thể thanh toán nợ cho đến khi các khoản nợ được tái cơ cấu. Theo đó, quốc gia này đã rơi vào tình trạng vỡ nợ trước hạn.
>>Nhịp sống thế giới từ ngày 2- 7/5
5. Thổ Nhĩ Kì phản đối Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO
Theo Tổng thống Tayyip Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã nói với đồng minh rằng nước này sẽ phủ quyết đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Ông Erdogan cáo buộc Phần Lan và Thụy Điển chứa chấp, tài trợ và cung cấp vũ khí cho các nhóm bị Ankara liệt vào danh sách “phần tử khủng bố”, đặc biệt là nhóm chiến binh đảng Công nhân Kurd (PKK) và Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG).
6. Số ca sốt ở Triều Tiên vượt mốc 2 triệu người
Triều Tiên công bố hơn 260.000 "ca sốt" ngày 20/5, nâng tổng số trường hợp sốt vượt mốc 2 triệu người sau 8 ngày nước này xác nhận đợt bùng phát virus đầu tiên. Đặc biệt, quốc gia này có thêm 2 ca tử vong được báo cáo tính tới 18h ngày 19/5, nâng tổng số ca tử vong lên 65.
7. Mỹ cung cấp khoản viện trợ quân sự mới cho Ukraine
Tổng thống Joe Biden đã phê duyệt thêm khoản viện trợ quân sự 100 triệu USD cho Ukraine vào hôm 19/5, nhằm giúp Kiev đẩy lùi chiến dịch quân sự của Moscow. Đây sẽ là lần thứ mười Tổng thống Biden sử dụng Quyền Rút vốn của Tổng thống (PDA) để hỗ trợ Ukraine. Khoản viện trợ lần này cho phép Tổng thống chuyển một lượng lớn vũ khí từ kho dự trữ vũ khí của Mỹ trong trường hợp khẩn cấp mà không cần Quốc hội phê chuẩn.
8. Tăng trưởng kinh tế của Mỹ lần đầu vượt Trung Quốc
Báo cáo hôm 18/5 của Bloomberg Economics dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 2% trong năm nay, trong khi con số tăng tưởng của Mỹ là 2,8%. Nền kinh tế Mỹ vẫn đang được thúc đẩy tăng trưởng bởi chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ và nhu cầu tuyển dụng cao, trong khi chính sách Zero Covid-19 của Trung Quốc đang làm giảm tác động của các biện pháp kích thích tài chính.
9. Lạm phát tại Canada xác lập mức cao kỷ lục mới trong 31 năm
Tỷ lệ lạm phát tại Canada trong tháng Tư vừa qua đã lập mức cao kỷ lục mới trong 31 năm qua. Cơ quan Thống kê Canada cho biết chỉ số giá tiêu dùng ở quốc gia Bắc Mỹ này đã tăng 6,8% trong tháng 4/2022, so với mức 6,7% của tháng trước đó.
10. Ấn Độ ghi nhận số liệu tích cực về thu hút FDI
Thông báo của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI - ngân hàng trung ương) cho biết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào quốc gia Nam Á này đang tăng lên hàng năm.
Có thể bạn quan tâm