NHNN: 2023, các ngân hàng sẵn sàng hy sinh lợi nhuận để giảm lãi suất

LÊ MỸ 28/12/2022 05:05

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) Đào Minh Tú cho năm biết năm 2023, nhiệm vụ chính trị, mục tiêu ưu tiên lớn nhất của NHNN là kiểm soát lạm phát...

>>>TS Cấn Văn Lực: Áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất vẫn là thách thức ở 2023

Theo đó, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. Ảnh: SBV

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. Ảnh: SBV

Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Phát biểu tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2022, định hướng nhiệm vụ năm 2023, Phó Thống đốc Thường trực cũng cho biết, song song đó, NHNN sẽ triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, đẩy mạnh xử lý nợ xấu; tăng cường công tác thanh tra và nâng cao hiệu quả công tác giám sát an toàn vĩ mô và vi mô; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các TCTD...

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, bảo đảm thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững.

Thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động ngân hàng để áp dụng các mô hình kinh doanh mới và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tiện ích, an toàn đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng...

Đáng chú ý, Phó Thống đốc Thường trực nhấn mạnh, năm 2023, kinh tế thế giới dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế trong nướcthời gian tới đối mặt với thuận lợi và thách thức đan xen. Một trong những thách thức lớn nhất là lạm phát cao, các NHTW lớn trên giới như Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất chứ không chỉ dừng lại ở đó, do đó, áp lực tăng lãi suất rất cao. "Ngành ngân hàng, các NHTM sẵn sàng tiếp tục hy sinh lợi nhuận để giảm lãi suất, chia sẻ với doanh nghiệp, với nền kinh tế trong năm 2023", Phó Thống đốc NHNN khẳng định.

>>>Nguy cơ suy thoái năm 2023 khi lãi suất tiếp tục tăng

Năm 2022, theo tính toán của NHNN, đến ngày 21/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, tăng trưởng tín dụng đến 21/12 vẫn còn cách khá xa so với "room" cho cả năm sau khi đã được NHNN nới thêm 1,5-2% từ mức 14% theo "kịch bản" ban đầu.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, quyết định mở room tín dụng thêm 1,5-2% không phải chỉ do các doanh nghiệp kêu cần vốn mà do nhiều vấn đề như tỷ giá, lạm phát đã ổn định hơn cho phép ngân hàng được nới thêm.

NHNN cũng cho biết cơ cấu tín dụng năm 2022 tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH đến 30/11/2022 đạt khoảng 279.732 tỷ đồng, tăng 12,81% so với năm 2021 với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Phát biểu trong cuộc tọa đàm "Dự báo Kinh tế - Vượt "cơn gió ngược" 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo, Diễn đàn Doanh nghiệp vừa tổ chức chiều qua 27/12, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, chúng ta đã sắp bước qua một năm phục hồi hậu đại dịch Covid-19, nhưng những dư âm từ cuộc chiến Nga - Ukraine đến hiện tại vẫn đang dẫn đến những biến số chi phối kinh tế toàn cầu của năm qua và có thể sẽ tiếp tục tác động tiếp diễn trong năm 2023 tới.

Trong đó, sự bất ổn của giá hàng hóa, đặc biệt là giá hàng hóa đầu vào của mọi nền kinh tế, năng lượng - giá xăng dầu, kéo theo nguy cơ bất ổn về đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu; và lại kéo theo bất ổn của các nền kinh tế lớn khi phải ứng phó với lạm phát tăng cao, hệ quả từ các vấn đề nêu trên. Cộng hưởng cùng chính sách tiền rẻ và các gói hỗ trợ khổng lồ trong đại dịch, dẫn đến sự thắt chặt tiền tệ quá mức làm “đảo chiều” các dòng vốn đầu tư. 

Tại Việt Nam, Phó Chủ tịch VCCI chia sẻ, thời gian qua, lãi suất huy động đã dâng lên quá cao. Có NHTM huy động tới 12,5%, mức phổ biến cũng 10-11%. Sau khi Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi các NHTM thống nhất đưa lãi suất huy động ở mức cao nhất cũng không quá 9,5%, cùng với các biện pháp hỗ trợ thanh khoản của NHNN, thì lãi suất mới có dấu hiệu hạ nhiệt. Lãi suất huy động cao khiến lãi suất cho vay chịu áp lực rất lớn, ông nói.

Tuy nhiên, năm 2023, các chuyên gia dự báo lãi suất sẽ có dấu hiệu hạ nhiệt. 

Lãi suất huy động đã tăng mạnh sau đợt điều chỉnh lãi suất điều hành (23/9) của NHNN. Nguồn: Trần Ngọc Báu, WiGroup

Lãi suất huy động đã tăng mạnh sau đợt điều chỉnh lãi suất điều hành (23/9) của NHNN. Nguồn: Trần Ngọc Báu, WiGroup

Theo ông Trần Ngọc Báu - CEO Công ty dữ liệu WiGroup, hiện tại, dòng tiền đang chịu áp lực lớn. Tổng cung tiền trong nền kinh tế đi ngang và giảm nhẹ cả năm qua. "Đây là hiện tượng chưa bao giờ xuất hiện trong 20 năm qua. Trong khi đó, tăng trưởng cung tiền cần 12 - 13% để nền kinh tế tăng trưởng", ông Báu chia sẻ.

Nhưng việc thắt chặt này là không tránh khỏi trước hàng loạt áp lực đến từ bên ngoài. 

"Năm sau tình hình sẽ dần dễ thở hơn, lãi suất sẽ bắt đầu giảm từ quý 2/2023. Lạm phát năm 2023 sẽ theo hướng cao trong những tháng đầu năm nhưng giảm dần. Khó khăn cũng sẽ qua, thanh khoản sẽ tốt hơn ở những tháng cuối năm, là "ánh sáng cuối đường hầm" của một năm 2023 nhiều khó khăn", CEO WiGroup nhận định.

TS Đinh Thế Hiển, Chuyên gia Kinh tế cũng nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ giảm khó khăn từ quý 2/2023 và có sự tăng trưởng tích cực từ quý 3 trở đi với hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ.

Theo ông Hiển, lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý 1 và trở về ổn định vào cuối quý 2/2023. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý 2 trở đi. Xuất khẩu tiếp tục suy giảm trong quý 1, quý 2/2023 và sẽ phục hồi tăng vào quý 3.

Có thể bạn quan tâm

  • “Chặn” đua tăng lãi suất

    “Chặn” đua tăng lãi suất

    04:21, 24/12/2022

  • OCB giảm đồng loạt lãi suất và triển khai gói ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng

    OCB giảm đồng loạt lãi suất và triển khai gói ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng

    04:50, 22/12/2022

  • Cần gói hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp

    Cần gói hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp "giữ chân" người lao động

    15:05, 19/12/2022

  • TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: NHNN có hạ lãi suất?

    TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: NHNN có hạ lãi suất?

    12:00, 17/12/2022

  • Fed nâng lãi suất lên thêm 0,5 điểm phần trăm

    Fed nâng lãi suất lên thêm 0,5 điểm phần trăm

    06:00, 15/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
NHNN: 2023, các ngân hàng sẵn sàng hy sinh lợi nhuận để giảm lãi suất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO