Nhọc nhằn gói vay nhà ở xã hội: Không thiếu vốn, chỉ thiếu nguồn cung

DIỆU HOA 19/05/2023 13:10

Sau hơn 1 tháng triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, đến nay chưa phát sinh dư nợ, trong khi đó gói vay 15.000 tỷ đồng trong 3 năm qua mới thực hiện được hơn 30%.

>>Nhà ở xã hội - Làm sao đến đúng đối tượng?

Thông tin tại Hội nghị triển khai đề án “Đầu tư Xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2011-2030”, ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước cho biết, chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội triển khai từ 1/4/2023 với chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank). Theo đó, lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5% đến 2% so với lãi suất cho bình quân của 4 ngân hàng nhà nước (NHNN) trong từng thời kỳ.

Nhà ở xã hội không thiếu vốn, chỉ thiếu nguồn cung. ẢNH: LV

Đây được kỳ vọng là gói hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường trong thời điểm thiếu vốn, tuy nhiên, sau hơn 1 tháng triển khai gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, đến nay chưa phát sinh dư nợ.

Nhà ở xã hội không thiếu vốn

Trong khi đó, cũng chia sẻ tại Hội nghị, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội cũng cho biết, từ năm 2018 đến nay ngân hàng chính sách đã cho vay theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, tổng dư nợ hiện là 13.633 tỷ đồng, với hơn 3.500 khách hàng được vay.

Trong đó, cho vay nhà ở theo Nghị quyết số 11 - NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị đạt 5.144 tỷ đồng. Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội cho hay, gói kích cầu kinh tế xã hội được giao 15.000 tỷ, song, đến hiện tại chỉ thực hiện được hơn 30%.

Cũng theo lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định 486, theo đó mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Nghị định 49/2021/NĐ-CP là 4,8%/năm. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký đến ngày 31-12-2024.

Số vốn cho vay còn lại trong năm 2023 là gần 11.000 tỉ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội khẳng định nguồn vốn cho vay chương trình này là không thiếu.

Song, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến khó giải ngân được ngân hàng này chỉ ra do nguồn cung mới khan hiếm, nhiều công trình không khởi công theo kế hoạch, giá vật liệu xây dựng tăng ảnh hưởng đến công tác triển khai. 

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng có nhu cầu vay vốn nhưng qua rà soát lại không đủ điều kiện như: chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện xây dựng mới nhà ở; thuộc diện phát sinh nộp thuế thu nhập cá nhân.

Một số dự án nhà ở xã hội được chủ đầu tư thế chấp vay vốn ngân hàng thương mại để thực hiện, đến khi bán căn hộ vẫn chưa giải chấp. Vì thế, khi người mua làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng thì không thực hiện được việc đăng ký giao dịch bảo đảm, không đáp ứng điều kiện về bảo đảm tiền vay để được giải ngân.

>>Thu hút nguồn lực nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển nhà ở xã hội

Cần giải bài toán quỹ đất

Những bất cập trên cũng được các địa phương ghi nhận. Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho biết, hiện nguồn cung mới về nhà ở xã hội đang gặp nhiều hạn chế.

Hội nghị triển khai đề án “Đầu tư Xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2011-2030”

"Hiện nay quy định của pháp luật về dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP còn có điểm bất cập, nhiều dự án phát triển nhà ở thương mại ở khu vực ngoại thành không phù hợp bố trí nhà ở xã hội, hoặc dự án nhà ở thương mại có quy mô ≥ 2ha nhưng có diện tích đất xây dựng nhà ở nhỏ, theo quy định vẫn phải dành 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội.

Do đó việc phải bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại dự án không phù hợp và manh mún, tuy nhiên theo quy định phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc không bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án này" - báo cáo nêu rõ.

Bên cạnh đó, về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng cũng đang nhiều bất cập, thời gian lựa chọn nhà đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội còn kéo dài. Chưa quy định cụ thể danh mục các hạng mục, công trình hạ tầng kỹ thuật trong dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ, làm cơ sở để cơ quan Nhà nước thực hiện đầu tư, hỗ trợ đầu tư để thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Để tiếp tục thực hiện chương trình cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, xác định nhu cầu vay vốn của các đối tượng nhằm hỗ trợ kịp thời; đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án để tạo nguồn cung.

Trên cơ sở đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức tiếp cận, hướng dẫn, triển khai cho vay để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 với số vốn gần 11.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, để gia tăng nguồn cung nhà ở xã hội UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Bình Dương cũng đưa ra kiến nghị ủy quyền cho địa phương chủ động thực hiện bố trí thay thế quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội tại các khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) trên địa bàn. 

Có thể bạn quan tâm

  • Thu hút nguồn lực nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển nhà ở xã hội

    Thu hút nguồn lực nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển nhà ở xã hội

    09:32, 19/05/2023

  • Nhà ở xã hội - Làm sao đến đúng đối tượng?

    Nhà ở xã hội - Làm sao đến đúng đối tượng?

    03:00, 18/05/2023

  • Đà Nẵng rà soát các trường hợp tranh mua nhà ở xã hội

    Đà Nẵng rà soát các trường hợp tranh mua nhà ở xã hội

    15:00, 17/05/2023

  • Quy định mới về lãi suất cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội

    Quy định mới về lãi suất cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội

    03:00, 12/05/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhọc nhằn gói vay nhà ở xã hội: Không thiếu vốn, chỉ thiếu nguồn cung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO