Vấn nạn mua bán hóa đơn vẫn đang nhức nhối dù nhiều đường dây “khủng” liên tiếp bị triệt phá, tình trạng này không chỉ khiến ngân sách thất thu mà còn làm môi trường kinh doanh “méo mó”…
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, tình trạng mua bán hoá đơn đang diễn ra với nhiều chiêu thức, thủ đoạn tinh vi. Đáng chú ý, hoạt động này không chỉ diễn ra công khai, rầm rộ trên mạng, mà các đối tượng còn xoay nhiều chiêu thức để đối phó với cơ quan chức năng. Trước tình trạng này, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, đây là hành vi trắng trợn bất chấp pháp luật.
>>Nhức nhối nạn mua bán hóa đơn: Bài 1 – Doanh nghiệp “ma” vươn “vòi bạch tuộc”
Cơ quan chức năng vẫn “đau đầu”
Vừa qua, Tổng cục Thuế đã phải có công văn gửi cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện rà soát, xử lý thuế đối với các hành vi mua, bán hóa đơn trái pháp luật. Theo đó, có 524 doanh nghiệp lọt vào tầm ngắm bị giám sát rủi ro trong sử dụng hóa đơn.
Theo Tổng cục Thuế cho biết, đơn vị nhận được công văn của Công an tỉnh Phú Thọ về đề nghị chỉ đạo phối hợp phòng ngừa tội phạm mua, bán trái phép hóa đơn điện tử. Cụ thể, trong quá trình điều tra, cơ quan Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện Nguyễn Minh Tú và các cá nhân khác đã thực hiện hành vi mua doanh nghiệp để phát hành hóa đơn, bán cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu, gây thiệt hại ngân sách nhà nước.
Trong vụ án này, Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố 5 bị can, trong đó có 2 đối tượng cầm đầu đường dây mua bán trái phép hóa đơn điện tử; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức với doanh số hóa đơn điện tử đã bán đặc biệt lớn, trên 25.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh này đã thu giữ 228 con dấu của các doanh nghiệp bán hóa đơn, 32 con dấu giả của các cơ quan chức năng.
Trên thực tế thời gian qua, các cơ quan báo chí đã đồng loạt phản ánh về hiện tượng chào bán hóa đơn VAT của nhiều ngành nghề, lĩnh vực, doanh nghiệp đăng công khai trên mạng xã hội như: Zalo, Facebook… thậm chí, khi mua hóa đơn còn hỗ trợ đầy đủ các giấy tờ khác có liên quan như: hợp đồng, phiếu thu, phiếu xuất kho, với chi phí mua hóa đơn khống phụ thuộc vào tổng giá trị ghi trong hóa đơn với mức giá khá rẻ. Không chỉ vậy, các đối tượng còn ngang nhiên “ban hành chính sách cộng tác viên” như trích phần trăm giới thiệu với các hóa đơn giá trị cao để tạo cơ hội vươn xa “vòi bạch tuộc” ra khắp cả nước.
Cũng trong thời gian gần đây, cơ quan điều tra liên tiếp khởi tố các vụ án mua, bán trái phép hóa đơn với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Đơn cử như cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hưng Yên mới khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can trong đường dây điều hành hơn 20 doanh nghiệp “ma” xuất hơn 5.500 hóa đơn, với tổng giá trị lên tới 2.200 tỷ đồng.
Trong vụ án này, các bị can đã mua hơn 20 doanh nghiệp “ma” từ các chủ doanh nghiệp đang muốn giải thể để đăng ký hồ sơ khống nhằm phát hành hóa đơn VAT khống. Từ cuối năm 2020 đến nay, nhóm doanh nghiệp này đã xuất hơn 5.500 hóa đơn với tổng số tiền bao gồm thuế VAT khoảng 2.200 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác mua, sử dụng hóa đơn trái phép, gây thất thu thuế cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
>>Nhức nhối nạn mua bán hóa đơn: Bài 2 – Vì sao công ty “ma” hoành hành?
Môi trường kinh doanh bị “méo mó”
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho biết, mục tiêu cuối cùng của các doanh nghiệp "ma", các đường dây mua bán hóa đơn đó là chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT. Mỗi năm số tiền hoàn thuế VAT lên đến 100.000 - 150.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 10% thu ngân sách cả nước trong một năm nhưng chính sách thuế VAT lại có rất nhiều kẽ hở, nhất là ở khâu hoàn thuế dẫn đến nhiều đối tượng làm ăn phi pháp xem đây là “mảnh đất màu mỡ” để khai thác trong bao nhiêu năm qua.
“Thuế VAT là một khoản vô cùng quan trọng trong ngân sách nhà nước. Do đó, khi doanh nghiệp có hành vi trục lợi hoàn thuế VAT sẽ gây tổn thất rất lớn cho nguồn ngân sách. Thực tế cho thấy hiện tượng này tồn tại đã lâu, là “ung nhọt” khiến cơ quan chức năng phải “đau đầu””, luật sư Biên nói.
Đồng quan điểm, luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH EMME LAW cũng chỉ ra thêm các hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT rất phổ biến hiện nay như một số doanh nghiệp có hàng hóa nhập khẩu có mẫu mã, đặc tính kỹ thuật giống nhau, khi nhập khẩu thì khai báo giá trị rất thấp nhưng khi xuất khẩu lại khai báo giá trị rất cao.
“Doanh nghiệp khai các lô hàng xuất khẩu của mình có giá trị rất cao, điều đó tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về việc mua bán hóa đơn trong nội địa để nâng khống giá trị hàng hóa xuất khẩu nhằm chuyển tiền bất hợp pháp, chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT…”, luật sư Tạ Anh Tuấn cho biết.
Cũng theo vị luật sư này, đây chính là nguyên nhân, là “động lực” để các doanh nghiệp “ma” vươn “vòi bạch tuộc” trong thời gian qua. Các doanh nghiệp sử dụng thủ đoạn đăng ký kinh doanh với rất nhiều ngành nghề, nhưng thực tế không có trụ sở kinh doanh, kho hàng, thành lập ra doanh nghiệp là để bán hóa đơn VAT cho các cá nhân và tổ chức hoạt động kinh doanh khác sử dụng vào việc hợp thức hàng hóa buôn lậu, trốn thuế hoặc chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT của Nhà nước.
“Gian lận hoàn thuế VAT sẽ tạo ra sự bất công giữa các doanh nghiệp, sự méo mó môi trường kinh doanh, doanh nghiệp làm ăn tử tế bị thiệt thòi, trong khi doanh nghiệp gian lận lại sống “khỏe”, Luật sư Tạ Anh Tuấn nói.
Còn nữa...
Có thể bạn quan tâm