Thời gian gần đây, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), các cửa hàng phục vụ khách Trung Quốc, từ chối khách Việt thi nhau mọc lên như nấm trước sự lúng túng của cơ quan quản lý nhà nước.
Trong 2 năm trở lại đây, du khách Trung Quốc đến thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) tăng đột biến, chỉ tính riêng quý I/2018 đã có hơn 465.000 lượt khách Trung Quốc. Cùng với đó, hàng chục cơ sở bán hàng “khép kín” chỉ phục vụ khách Trung Quốc đã mọc lên
Bí ẩn bên trong những showroom
Điểm chung của hầu hết các showroom này là hoạt động kiểu "bất khả xâm phạm", khách Việt không thể vào được bên trong để mua bất cứ món hàng gì. Theo “quy trình”, trước khi vào showroom, mỗi vị khách đều phải qua sự kiểm soát chặt chẽ của các nhân viên và phải được phát thẻ thì mới được vào.
Khó khăn lắm phóng viên DĐDN mới tìm cách thâm nhập được vào cơ sở Nature Care (thôn Phước Lộc, xã Phước Đồng, TP Nha Trang). Bên trong cơ sở này có rất nhiều gian phòng từ VIP 1 cho đến VIP 10. Điều kỳ lạ là các sản phẩm trưng bày ở đây chỉ có duy nhất dòng chữ Nature Care, bất chấp quy định của Nghị định 43/2017 về nhãn mác. Theo đó, các sản phẩm sản xuất nội địa hay nhập khẩu đều phải ghi rõ địa chỉ nhà sản xuất, tem, nhãn mác, thông tin sản phẩm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thì du khách trước khi đến các showroom này đều được những hướng dẫn viên và nhân viên tại đây “chém gió” cho các sản phẩm gối, nệm ở đây đều là từ thiên nhiên và chữa được bệnh. Được biết, khi hướng dẫn viên giới thiệu được nhiều sản phẩm thì được chia các khoản hoa hồng lớn (theo thông tin từ một hướng dân viên, nếu họ giới thiệu mà cửa hàng bán được 10 nệm cao su thì được chi hoa hồng khoảng 50 triệu).
Một lái xe chuyên đưa khách Trung Quốc đến cơ sở này cho biết, đa số khách mua hàng xong sẽ ký gửi chuyển phát về bên Trung Quốc mà không cầm theo sản phẩm.
Khó thu được thuế
Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa, hiện nay chỉ riêng trên địa bàn TP Nha Trang có khoảng 46 cơ sở kinh doanh, phục vụ khách du lịch, nhất là khách Trung Quốc. Và theo tìm hiểu của phóng viên ở các cơ sở bán hàng trang sức bằng gỗ, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, ngọc trai, kim loại… cũng chung kiểu kinh doanh như các cơ sở bán sản phẩm gối, nệm cao su.
Tính từ năm 2016 đến nay, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện kiểm tra gần 200 lượt cơ sở và phát hiện 68 lượt trường hợp vi phạm về: không có giấy phép kinh doanh; kinh doanh hàng nhập lậu; niêm yết giá bằng ngoại tệ; ghi nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất sứ; không niêm yết giá...
Trong quá trình thâm nhập các cửa hàng phóng viên DĐDN nhận thấy, khách hàng mua hàng tại các cửa hàng trên phần lớn không trả bằng tiền mặt, mà quẹt thẻ thanh toán điện tử qua ứng dụng Wechat. Theo thông tin từ đơn tố cáo của một nhân viên từng làm việc tại cửa hàng trên đường Võ Thị Sáu, TP Nha Tranh, cửa hàng này thu bằng tiền VNĐ khoảng 5 - 10% doanh thu. 90% doanh thu còn lại thì các cửa hàng này thu bằng Nhân dân tệ, chủ yếu thanh toán điện tử qua ứng dụng Wechat và tiền sẽ chạy thẳng về Trung quốc mà không qua hệ thống ngân hàng Việt Nam. Như vậy, cơ quan thuế của Việt Nam sẽ không thể kiểm soát được.