Chỉ tính riêng trong quý 1/2018, cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa đã kiểm tra đột xuất 4 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, phát hiện 185 lao động chui là người Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
19:41, 11/04/2018
17:01, 06/04/2018
Chỉ tính riêng trong quý 1/2018, cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa đã kiểm tra đột xuất 4 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, phát hiện 185 lao động chui là người Trung Quốc. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa dừng lại, để tránh sự kiểm tra, rất nhiều lao động không được cấp phép là người Trung Quốc đang dạt về các vùng ven TP Nha Trang để sinh sống và làm việc. Theo Sở LĐ-TB&XH Khánh Hòa, đến ngày 23/3, toàn tỉnh có 926 người lao động nước ngoài có giấy phép lao động, đang làm việc tại các doanh nghiệp. Bao gồm: 250 người Nga, 193 người Hàn Quốc, 84 người Ukraine, 56 người Trung Quốc, 33 người Thổ Nhĩ Kỳ, 22 người Philipines, 342 người của các quốc gia khác.
“Về quê sống”
Trong quý 1 năm 2018, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh – Công an tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan liên quan đã tiến hành kiểm tra đột xuất 4 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát hiện 185 người nước ngoài quốc tịch Trung Quốc làm việc cho các doanh nghiệp kinh doanh buôn bán các mặt hàng mỹ nghệ, đá quý, tơ lụa… nhưng không được cấp phép lao động theo quy định. Sở Lao động đã lập hồ sơ và đề nghị Công an tỉnh trục xuất những người này về nước.
Thấy động tĩnh, thay vì thuê trọ, nhà nguyên căn và các khách sạn ở trung tâm thành phố, các lao động “chui” này lại dạt về các xã vùng ven của TP Nha Trang để ẩn nấp và lao động. Mới đây, Công an xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang đã phối hợp với Phòng quản lý xuất nhập cảnh- Công an tỉnh Khánh Hòa (PA72) kiểm tra phát hiện 13 người Trung Quốc (TQ) đang sống ở một căn hộ nhưng không đăng ký lưu trú. Theo Công an xã Vĩnh Thạnh, nhóm người TQ này sinh sống từ trước Tết âm lịch (khoảng cuối tháng 1/2018) qua tìm hiểu thì nhóm người này được một người Việt hợp đồng thuê lại căn hộ. Do bất đồng ngôn ngữ nên khi kiểm tra Công an xã Vĩnh Thạnh không nắm được những người này ở đây làm gì, ở theo diện nào nên đã báo cáo lên công an TP Nha Trang. “Sau khi công an xã báo cáo, công an TP Nha Trang đã làm việc với 13 người TQ có hộ chiếu du lịch nhưng không đăng ký lưu trú nói trên. Những người này cho biết, họ đang làm việc tại cơ sở mua bán đá mỹ nghệ ở đường 23/10”.
Đại diện Công an xã Vĩnh Trung cho biết, tại xã Vĩnh Trung, TP Nha Trang cũng xuất hiện nhiều nhóm người TQ đăng ký thuê phòng tại một số nhà nghỉ trên địa bàn. Tuy nhiên, số lượng khách TQ biến động nên chưa xác định cụ thể số người, công an xã Vĩnh Trung cũng báo cáo lên cấp trên để có hướng xử lý.
Nhiều người dân sống cạnh những căn nhà này cho biết, Họ thường ở rất kín tiếng không ai biết làm gì ở đâu. Khoảng 7 giờ sáng họ đi từng đoàn ra đầu đường có xe 45 chỗ đến chở, chiều khoảng 17 – 21 giờ thì về. Có khi đến 1 giờ sáng xe mới chở về.
Khó quản lý
Một thực tế hiện nay ở TP Nha Trang, do tình hình du lịch tăng đột biến, nên rất nhiều người TQ đi du lịch sang đây để làm lao động chui. Họ không chỉ ở các khách sạn mà còn len lỏi về các làng xã ngoại ô TP để sinh sống hoạt động, trong khi chính quyền địa phương tỏ ra rất lúng túng.
Ông Trịnh Quang Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh cho biết, nhóm người TQ thuê nhà ở địa phương do một người TQ đứng ra thuê nhà. Công an xã đến kiểm tra thì do bất đồng ngôn ngữ nên không thể biết được họ thuê nhà để ở hay để làm gì. Khi hỏi người chủ nhà thì người này cho biết chỉ hợp đồng với 1 người Việt thuê nguyên căn, còn người này dẫn người TQ về ở thì họ đã đăng ký ở Phòng Công an Xuất nhập cảnh. Với khả năng là người Việt Nam hoặc công ty du lịch đứng ra thuê hộ thì việc kiểm tra rất khó.
Tương tự, lãnh đạo UBND xã Phước Đồng, TP Nha Trang cũng cho biết, chỉ riêng xã Phước Đồng đã có 10 cửa hàng chuyên bán cho người TQ. Trong đó, có 3 cửa hàng đang bị đình chỉ vì không có giấy phép xây dựng, 7 cửa hàng đang hoạt động. Qua kiểm tra cũng phát hiện một số người TQ đang làm việc nhưng họ mang hộ chiếu du lịch. Khi cửa hàng nghỉ thì họ về các nhà nghỉ, khách sạn để lưu trú.
Ông Nguyễn Văn Danh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng, với việc du lịch phát triển như hiện nay, có rất nhiều người nước ngoài có hộ chiếu du lịch thăm thân, phóng viên… đang tạm trú tại địa phương và làm việc “chui” cho đại lý du lịch. Họ phát tờ rơi, điều hành xe tour, biểu diễn nghệ thuật, bán hàng, phục vụ tại nhà hàng, khách sạn. Tuy nhiên, theo quy định, Sở muốn kiếm tra thì phải báo trước cho doanh nghiệp trước 3 ngày. Khi đến kiếm tra thì đúng hết, đầy đủ hết. Nếu có lao động “chui” thì họ cũng trốn hết rồi.
Theo Thượng tá Nguyễn Hồng Kỳ, Trưởng công an TP Nha Trang thì hiện nay việc đăng ký trú ngụ khi du lịch đã được lực lượng chức năng hướng dẫn nhà nghỉ, khách sạn đăng ký qua mạng để thuận tiện việc quản lý. Còn ở các nhà dân theo luật vẫn được phép nhưng phải báo cáo cho công an phường, xã.