Những cung đường thổ cẩm Hoa Tiến

Diendandoanhnghiep.vn Hoa vàng nở rộ dọc theo con đường mòn dẫn chúng tôi vào làng dân tộc Thái đỏ Hoa Tiến (Quỳ Châu, Nghệ An).

 Khắp thôn bản được bao bọc bởi núi rừng của khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An. Những nét đẹp thiên nhiên và con người nơi đây vẫn giữ vẹn nguyên từ bao đời nay đẹp như chính những đường thổ cẩm vậy.

“Úp bàn tay chim muông luồn gió

Ngửa bàn tay hoa lá tung bay”

Câu hát ngọt ngào cô Sầm Thị Xanh cất lên như đưa tôi lạc vào một miền đồng quê yên bình. Cô Sầm Thị Xanh là một người hướng dẫn viên đặc biệt của mảnh đất này mỗi khi có du khách đến với bản Hoa Tiến.

Theo chân cô Xanh đi vào bản làng, tôi bắt gặp những cọn nước cuộn nước từ thấp lên cao. Tiếng róc rách của cọn nước hòa trong tiếng âm thanh cót két của những khung cửi như những âm thanh miệt mài của thời gian vậy. Cô Xanh cho biết: “Người dân nơi đây sinh sống đặc thù bằng nghề đánh bắt cá tôm, trồng cây, cấy lúa… Họ là những con người chất phác và đầy thân thương của làng quê bình dị Hoa Tiến”.

Hình ảnh trước mặt tôi là một làng quê với bao nét nguyên sơ như chưa từng bị đô thị hóa. Trải nghiệm những ngày sống chung với đồng báo Thái nơi này, mỗi du khách như tôi đều được thưởng thức hơi men của rượu cần, được ăn những món rau rừng, măng đắng, cá sông, ếch đồng và ốc ruộng, hái lá thuốc làm rau,…

Cô Xanh kể: “Bao đời nay, những người phụ nữ nơi này đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Với những đôi bàn tay khéo kéo, những người phụ nữ chúng tôi vẫn cứ miệt mài bên những chiếc khung cửi, dù trải qua những năm tháng tưởng chừng như mất nghề. Và cứ như thế với vòng quay cuộc sống, biết bao đời nay, những người phụ nữ ấy vẫn gắn bó và phát triển nghề. Kể về nghề cũng giống như kể về một con đường thổ cẩm gian nan nhưng cũng đầy những tự hào, đã gắn bó với mỗi người dân từ lúc sinh ra, lúc lập gia đình và đến lúc cuối đời.”

Trong tín ngưỡng, văn hóa của đồng bào dân tộc Thái Hoa Tiến, thổ cẩm truyền thống không chỉ có vai trò quan trọng trong đời sống, trong các nghi lễ dân gian, mà còn mang hồn cốt văn hóa dân tộc. Trên mỗi đường nét hoa văn của thổ cẩm cũng là những tâm tư, tình cảm được gửi gắm trong đó của mỗi người thợ dệt, là những đường thổ cẩm mang đậm dấu ấn văn hóa riêng có của mảnh đất và con người nơi này.

Trên hành trình tìm về với thổ cẩm Hoa Tiến, tôi còn được gặp cô Sầm Thị Bích (Chủ nhiệm Hợp tác xã thổ cẩm Hoa Tiến) - một “vị sứ giả” của làng nghề dệt thổ cẩm nơi này. Cô là người đã dốc bao tâm huyết gìn giữ và phát triển làng nghề, làm sống lại tinh hoa thổ cẩm Hoa Tiến. Cô Bích giới thiệu cho chúng tôi về những đường nét độc đáo của thổ cẩm Hoa Tiến, những yêu cầu khắt khe từ đường chỉ, sợi tơ để ra được một bộ trang phục truyền thống rất độc đáo như cô đang mặc. Các sản phẩm được nhuộm bằng các nguyên liệu tự nhiên, được thu hái trong vườn hoặc từ cây rừng, tạo ra những gam màu trắng, đỏ, vàng, xanh và tím… rất bền màu.

Cô cho biết, các cô gái Thái đều được mẹ truyền cho nghề dệt vải, họ thường tự tay dệt những chiếc váy, khăn Piêu, chăn, đệm… để phục vụ bản thân và gia đình. Riêng Nghệ An, trên mỗi tấm thổ cẩm có rất nhiều hoa văn như con hươu, con nai con hổ hay mặt trăng… Tấm vải thổ cẩm của làng nghề Hoa Tiến được ưa chuộng nhờ hoa văn trang trí bắt mắt, mang nét đặc trưng riêng. Nghệ thuật trang trí phong phú với hơn 30 loại hoa văn, họa tiết trên mỗi sản phẩm.

Bằng những nỗ lực của cả tập thể, sản phẩm dệt thổ cẩm Hoa Tiến đã vươn xa ra bình diện quốc tế như Úc, Đức, Pháp, Nga, Lào, Thái Lan, Cannada… với nhiều mẫu mã đẹp mắt và chất lượng cao. Mới đây nhất, sản phẩm của Thổ cẩm Hoa Tiến đã được đại sứ Na Uy dùng trong cuộc họp cấp cao với lãnh đạo Đảng và Nhà Nước Việt Nam…

Bao năm qua cô Bích vẫn hướng dẫn và dạy nghề cho những thế hệ trẻ, gieo thêm tình yêu thổ cẩm, tạo động lực gắn bó với cái nghề tưởng chừng sẽ mai một theo thời gian này. Cứ như thế, lớp lớp thế hệ trẻ cứ nối tiếp phát triển và nâng tầm sản phẩm làng nghề. Đó cũng là tín hiệu không thể nào vui hơn đối với thổ cẩm Hoa Tiến. Có lẽ, những con người đang cần cù hàng ngày với những đường thổ cẩm ấy vẫn sẽ kiên trì hun đúc, tiếp lửa để lớp trẻ không xa rời hồn cốt của dân tộc.

Rời bản làng, tôi một lần nữa được thả hồn trên dọc cung đường ngược miền Tây Bắc xứ Nghệ, mang theo cả nét đẹp của bản sắc văn hóa trên những đường thổ cẩm Hoa Tiến.

Nguyên liệu sợi và bông được những người bản Hoa Tiến sản xuất tại địa phương bằng việc tự trồng dâu nuôi tằm, trồng bông. Sau khi có sợi, họ sẽ dệt thành vải rồi tạo hoa văn, màu sắc theo sở thích của người làm hoặc yêu cầu của khách hàng.Hoa văn sử dụng trong những sản phẩm của Hoa Tiến là họa tiết cỏ cây hoa lá gắn liền với cuộc sống ngày, hay là những con vật như hổ, hươu, voi… đem lại may mắn, sức khỏe theo quan điểm của người dân tộc Thái.
Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Những cung đường thổ cẩm Hoa Tiến tại chuyên mục Du lịch của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714073898 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714073898 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10