Cùng Diễn đàn Doanh nghiệp điểm lại những điểm nhấn trong bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2020.
Năm 2020, trong khi kinh tế toàn cầu suy thoái nặng nề do đại dịch COVID-19 thì Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GDP), dự kiến đạt 2,5 - 3%. Sau cú sốc đóng cửa nền kinh tế cuối quý I/2020, đầu quý II/2020, nền kinh tế sớm có dấu hiệu phục hồi từ quý III (tăng 34% so với quý II, đạt mức tăng trưởng GDP là 2,62%) và tăng mạnh trở lại trong quý IV (4,48%).
Thành công này có được nhờ sự điều hành linh hoạt của Chính phủ và quyết tâm của cả hệ thống chính trị thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế". Đây là căn cứ quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy Việt Nam ngày càng chủ động hơn trong việc tham gia đàm phán và ký kết các FTA. Mức độ cam kết trong các FTA cũng ngày càng sâu rộng hơn. Đến nay, Việt Nam đã ký kết 14 FTA khu vực và song phương (trong đó đang thực thi 13 FTA), đã kết thúc đàm phán 1 và đang đàm phán 2 FTA với các đối tác khác.
2020 cũng là năm Việt Nam có thêm nhiều FTA có hiệu lực và được ký kết mới. Ngày 15/11/2020, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 do Việt Nam tổ chức trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Cùng với RCEP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác chiến lược về thương mại cho Việt Nam trong giai đoạn tới. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) vừa được ký kết và sẽ có hiệu lực từ 23h ngày 31/12/2020.
Chính phủ đã ban hành hàng loạt các chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Đến nay, Chính phủ Việt Nam đã có 4 gói hỗ trợ (tổng giá trị thực - tức là tổng chi phí mà Chính phủ và hệ thống ngân hàng cam kết bỏ ra ước tính khoảng 181.400 tỉ đồng, tương đương khoảng 3% GDP năm 2019).
Cụ thể: Gói hỗ trợ thứ nhất phải kể đến là gói hỗ trợ tài khóa với giá trị khoảng 73.100 tỷ đồng (1,2% GDP) theo Nghị quyết 41 (tháng 4/2020) với các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất.
Thứ hai là gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng có giá trị ước tính 36.600 tỉ đồng (0,6% GDP) bao gồm: phần giảm lãi suất khi các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay mới với lãi suất ưu đãi (giảm 1-2,5%/năm so với thông thường) với quy mô cam kết khoảng 600.000 tỉ đồng...
Thứ ba là gói an sinh - xã hội có giá trị khoảng 62.000 tỉ đồng. Thứ tư là các gói hỗ trợ khác với tổng giá trị 26.000 tỷ đồng (0,43% GDP), bao gồm gói hỗ trợ giảm 10% giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trị giá 10.900 tỷ đồng và gói hỗ trợ giảm giá dịch vụ viễn thông trị giá trị 15.000 tỷ đồng.
Mặc dù tác động xấu tới toàn cầu nhưng ở một khía cạnh khác dịch COVID-19 đã đem đến cơ hội đặc biệt thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam.
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành quyết định về chuyển đổi số, đặt ra mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực vươn tầm toàn cầu. Sự dịch chuyển từ không gian thực lên không gian số đang diễn ra tại Việt Nam. Chuyển đổi số tác động đến mọi thành phần, từ các cơ quan nhà nước tới các doanh nghiệp, từ người dân đến các tổ chức, đơn vị chính quyền.Ở chiều ngược lại, chính nhu cầu mới đã đặt ra những “bài toán công nghệ mới” để cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin thực hiện, từ đó kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của các giải pháp chuyển dịch số, hỗ trợ các đơn vị chuyển đổi số. Để thích nghi, tồn tại và phát triển, tất cả các doanh nghiệp phải nhanh chóng triển khai chuyển số. Trong khi đó, trước khi COVID-19 bùng phát, chỉ 20% doanh nghiệp để ý đến chuyển đổi số.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 của Việt Nam ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%.
Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 xuất siêu khoảng 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Đây là kết quả ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng như thế giới chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu. Năm 2020, Việt Nam có tới 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.Năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, dự kiến đạt trên 90% kế hoạch, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2020. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong tháng 10 và 11 năm 2020. Có 15 Bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có ước tỷ lệ giải ngân đến ngày 30 tháng 11 năm 2020 đạt trên 75%, trong đó 09 Bộ, cơ quan trung ương và 07 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 85%.
Ngay từ đầu năm, vốn đầu tư công đã được Chính phủ xác định là nguồn lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quyết tâm từ cấp cao nhất đã được lan tỏa xuống cấp thực thi, tạo ra những kỷ lục trong thực hiện dự án đầu tư công.
Xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam của các tập đoàn lớn trên thế giới đã diễn ra từ vài năm gần đây. Tuy nhiên, với tác động quả đại dịch COVID-19 quá trình này đã tăng tốc nhanh hơn bao giờ hết trong năm 2020.
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đã có gần 300 doanh nghiệp từ các nước trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư/ đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiều đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, hơn 60 tập đoàn, doanh nghiệp đã có kết quả bước đầu trong triển khai đầu tư mới/mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Theo một báo cáo của Goldman Sachs, nhiều công ty Mỹ cho biết Việt Nam và Ấn Độ là những điểm đến được đề cập nhiều nhất trong kế hoạch dịch chuyển cơ sở sản xuất. Gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ tài chính cho 15 công ty chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam, mở đường cho làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản. Phần lớn các doanh nghiệp chuyển sang Việt Nam sản xuất thiết bị y tế; các doanh nghiệp còn lại sản xuất thiết bị bán dẫn, linh kiện điện thoại, máy điều hòa không khí hoặc mô-đun nguồn...
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế Việt Nam 5 năm 2016-2020: Tăng trưởng chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu
09:41, 28/12/2020
Kinh tế Việt Nam năm COVID-19 thứ nhất (Kỳ IV): WB đưa giải pháp "sống chung với bất định"
06:30, 26/12/2020
Bốn yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam
11:00, 09/11/2020
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Muốn tạo việc làm thì cái gốc quan trọng nhất là tăng trưởng kinh tế"
16:48, 06/11/2020
Tăng trưởng kinh tế năm 2021 ở mức 6-6,5% là phù hợp và khả quan
10:32, 03/11/2020
Nâng "chất" tăng trưởng kinh tế
04:30, 13/10/2020