Những lầm tưởng của sinh viên về khởi nghiệp, làm giàu

Theo ereka.vn 22/09/2019 04:44

Mấy năm gần đây từ khởi nghiệp (start-up) được dùng nhiều đến mức người ta mở một quán cà phê, một xe bánh mì, một quầy bánh tráng trộn cũng tự gọi là khởi nghiệp.

Trong quá trình công tác và tham dự các tập huấn về khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, tôi có điều kiện tiếp xúc với các bạn sinh viên và những doanh nghiệp trẻ, qua đó thấy được khá nhiều "lầm tưởng" của các bạn sinh viên nói riêng và giới trẻ nói chung (ngay cả một số bạn đã có doanh nghiệp riêng) về khởi nghiệp và làm giàu. Tôi viết bài này để chia sẻ về những lầm tưởng đó và hưởng ứng chủ đề "lề xưa thói cũ" của Ereka!

Lầm tưởng #1: Khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh

Mấy năm gần đây từ khởi nghiệp (start-up) được dùng nhiều đến mức người ta mở một quán cà phê, một xe bánh mì, một quầy bánh tráng trộn cũng tự gọi là khởi nghiệp. Tôi không phải đang chê các ví dụ nói trên về mặt quy mô của việc kinh doanh của họ, vấn đề ở đây chỉ là khái niệm khởi nghiệp được dùng chưa chính xác mà thôi.

Trong một cuộc điều tra nhỏ, tôi hỏi các bạn sinh viên về ý tưởng "quán cà phê khởi nghiệp", rằng theo các bạn thì đến quán cà phê này bạn có thể nhận được lợi ích gì, không ít bạn trả lời rằng đến "cà phê khởi nghiệp" sẽ được ... giới thiệu việc làm.

Khi một người bắt đầu sản xuất, mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, ta gọi đó là khởi sự kinh doanh (to do business, to start an entrepreneurship): mở quán cơm, mở khách sạn, dịch vụ photocopy, trung tâm dạy tiếng Anh... những mô hình tương tự với những thứ đã và đang hoạt động, đầu tư tiền bạc, thời gian, chất xám... để sinh lợi gọi chung là khởi sự kinh doanh.

Việc khởi sự kinh doanh được gọi là start-up khi: 1. Quá trình kinh doanh ở giai đoạn bắt đầu; 2. Phải có một hoặc nhiều yếu tố sau: sáng tạo, mới lạ, ứng dụng khoa học công nghệ mới hoặc tạo ra hình thức kinh doanh mới, phân khúc thị trường mới...

Một điểm khác biệt giữa khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp là ở khâu đầu vào của kế hoạch kinh doanh, khởi sự kinh doanh dựa vào những nguồn lực nội tại từ chủ doanh nghiệp là chính (ý tưởng, mối quan hệ, vốn...) trong khi đó khởi nghiệp dựa vào chính là giá trị khác biệt mà họ có thể tạo ra (core value, "bird in hand"), từ đó mới kêu gọi vốn (từ các nhà đầu tư thiên thần (angel investors), quỹ đầu tư mạo hiểm và các mối quan hệ khác).

Ở đầu ra cũng lại có sự khác biệt: các doanh nghiệp khởi sự kinh doanh cung cấp sản phẩm, dịch vụ mà thị trường cần, nhưng là những cái đã có với chất lượng và giá cả phù hợp, cạnh tranh với các sản phẩm, dịch vụ cùng phân khúc khách hàng, cùng thị trường tiêu thụ. Trong khi start-up đưa ra sản phẩm, dịch vụ mới, tập trung chủ yếu giải quyết những nhu cầu của khách hàng còn chưa được giải quyết (jobs to be done) với giá cả và chất lượng hoàn toàn mới.

Lầm tưởng #2: Làm chủ, không làm thuê

Với "hiện tượng" khởi nghiệp hiện nay, càng lúc càng có nhiều sinh viên bỏ học, hoặc ra trường rồi bỏ bằng đại học để "khởi nghiệp". Các bạn xem thường việc đi làm thuê với tư tưởng "nếu bạn không tự xây ước mơ của mình, người khác sẽ thuê bạn xây ước mơ của họ" (Tony Gaskins). Điều đó đúng, nhưng ước mơ của bạn là gì? Chỉ muốn là một chủ doanh nghiệp, là một doanh nhân start-up dù không có gì khác trong tay?

Làm chủ tất nhiên oai hơn làm thuê, nhưng quan trọng là làm điều gì phù hợp với bản thân bạn mới là tốt nhất. Làm thuê có ngày nghỉ, có người trả lương, có thể học hỏi kinh nghiệm, thất bại cùng lắm là mất việc. Làm chủ trăm nghìn thứ phải lo. Nếu bạn chỉ muốn sở hữu một công việc kinh doanh riêng, chỉ muốn làm doanh nhân, thì trừ khi nhà bạn quá giàu, hãy nghĩ lại.

Khởi sự kinh doanh cũng tốt, khởi nghiệp cũng được, vấn đề là bạn cần tìm hiểu kỹ càng và chính xác công việc mình đang muốn làm, và xem bản thân có đáp ứng hay chưa. Nếu chưa có "bird in hand" nào để tạo ra giá trị mới, chưa giải quyết được "job to be done" nào cho khách hàng tiềm năng, thì cần nghiên cứu tiếp.

Làm thuê với mức lương xứng đáng, phúc lợi tốt, có thời gian để dành cho những sở thích, đam mê, gia đình, bè bạn... chẳng phải thoải mái hơn sao? Ai cũng làm chủ thì ai làm thuê chứ?

Lầm tưởng #3: NGU (Never Give Up)

Bạn có một ý tưởng kinh doanh mới lạ, độc đáo, đột phá, chưa từng có... Bạn tạo ra một phần mềm ưu việt, tiện lợi, hỗ trợ khách hàng giải quyết vấn đề tuyệt vời nhất... Bạn sản xuất ra một sản phẩm mà ai cũng sẽ muốn mua.. Và bạn nghĩ rằng bạn nhất định phải thành công với nó! Bạn sẽ kiên trì theo đuổi và không bao giờ từ bỏ? Đó chính là hành trình của nhiều start-up từ bàn tay trắng làm nên nợ nần.

Có lẽ ở lần thứ 1000, 10.000 bạn sẽ thành công đó, nhưng mất bao lâu để đến được đó, và bạn có tiền, có đồng sự cùng đi sao?

Sự thật là, để khởi nghiệp cần phải tranh thủ kiểm chứng ý tưởng, sản phẩm, dịch vụ của mình để nếu có thất bại thì phải thất bại một cách nhanh chóng và ít tổn thất nhất! Đó là tinh thần fail fast trong khởi nghiệp.

Khi sản phẩm, dịch vụ của ta còn trong giai đoạn ý tưởng, nó luôn luôn tuyệt vời. Nhưng mọi thứ đều phải được kiểm chứng bằng thực tiễn, dựa vào đánh giá của khách hàng, sự tiếp nhận của thị trường...

Đừng bao giờ cho rằng một sản phẩm, dịch vụ của mình đưa ra thì nhất định phải thành công. Đừng dồn tất cả trứng vào một rổ, đừng cược mọi thứ trong một ván.

Thay vào đó, hãy lập kế hoạch, chuẩn bị tốt, đưa vào thử nghiệm, rút ra bài học, cải tiến sản phẩm, tiếp tục thử nghiệm... cho đến khi giải quyết được nhu cầu của khách hàng, được thị trường tiếp nhận. Trong quá trình đó, có thể sản phẩm, dịch vụ của bạn đã trở thành một thứ hoàn toàn khác so với ý tưởng ban đầu. Hãy ứng dụng mô hình Build - Measure - Learn như trên. Đừng NGU mà hãy luôn thay đổi để phù hợp và phát triển. Sản phẩm bán được cho khách hàng là sản phẩm tốt cho doanh nghiệp (chưa bàn khía cạnh đạo đức kinh doanh).

Trên đây là 3 lầm tưởng cơ bản của sinh viên và các bạn trẻ khởi nghiệp mà tôi quan sát được, xin chia sẻ cùng các bạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những lầm tưởng của sinh viên về khởi nghiệp, làm giàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO