Những lời tuyên bố đanh thép về liêm chính và cú “ngã ngựa”

SÔNG HÀN 21/02/2022 09:00

Quan thanh liêm thì ở thời nào, đất nước nào chẳng có, nhưng chắc là thiểu số so với số lượng quan tham nhũng.

>>Sửa Luật – Tháo gỡ “điểm nghẽn” thu hồi tài sản tham nhũng

Hàng vạn lời nói suông không bằng một lần làm gương sáng. Người lãnh đạo quốc gia càng phải là những tấm gương sáng để hàng ngày nhân dân soi vào và củng cố niềm tin.

Mahatma Gandhi khi đi diễn thuyết ở miền Nam Ấn Độ, phải hẹn lại tới 10 ngày sau mới có thể đưa ra lời khuyên một cháu bé bỏ thói quen ăn kẹo. Vì ông cần thời gian để tự mình dứt bỏ thói quen xấu mà trước khi nhận thỉnh cầu đưa ra lời khuyên đó, chính ông cũng đang… ăn kẹo. Câu chuyện là một bài học sinh động về nhân cách, về tinh thần nêu gương sáng của các bậc vĩ nhân. Nói được thì làm được từ những chuyện tưởng chừng rất nhỏ.

Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, một tấm gương sống còn quý hơn 100 bài diễn văn suông. Dân nhìn vào cán bộ đảng viên công chức, họ đánh giá Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy, mất niềm tin của dân là mất mát lớn nhất. Tăng trưởng kinh tế đã khó, thế nhưng tăng trưởng niềm tin của dân còn khó hơn gấp nhiều lần.

Tuy nhiên, thời gian qua có rất nhiều trường hợp lãnh đạo, cán bộ, công chức nổi tiếng với những quan điểm, tuyên bố đanh thép về sự thanh liêm, chống tham nhũng, nhưng lại bị “ngã ngựa” khiến cho dư luận cảm thấy tiếc nuối.

Thực hiện Lệnh Khởi tố và bắt giam ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế.

Thực hiện Lệnh Khởi tố và bắt giam ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế.

Mới đây, ông Hoàng Văn Đức (Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế) bị khởi tố vì liên quan đến mua kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á là một minh chứng. Trước đó, hàng loạt Giám đốc CDC các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội, Nghệ An, Bình Dương… khẳng định không nhận của Công ty Việt Á đồng nào nhưng đều bị khởi tố, bắt tạm giam, trong đó có cán bộ cấp vụ của Bộ Y tế và Bộ Khoa học Công nghệ.

Ngoài ra, có tới 10 đại án sẽ được xét xử trong năm 2022 này với những vụ án đang được nhân dân cả nước dõi theo như ngoài vụ án liên quan đến Việt Á, nhiều vụ liên quan đến đất đai, tài sản Nhà nước như vụ án liên quan đến dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TPHCM; Tân Thuận (IPC); vụ án "đưa hối lộ; môi giới hối lộ; nhận hối lộ" liên quan đến Phan Văn Anh Vũ…

Phan Văn Anh Vũ trong một phiên tòa

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ trong một phiên tòa.

Trước kia người ta thường nghĩ “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, hay “đời trước gieo nhân nào đời sau gặt quả nấy”, nhưng nhiều khi cũng không phải đợi lâu đến thế mà nó có tác động ngay trong cuộc sống hiện tại, không cần đợi đến đời sau. Đã nói “nhân quả” là quy luật phổ biến của vũ trụ thì có lúc nhanh, lúc chậm, lúc nổ ra tức thì. Chỉ đơn cử những vụ việc trên để thấy cái quy luật nó vô tư và khắc nghiệt đến nhường nào, không từ một ai.

Cũng từ các vụ việc trên, có thể thấy, tham nhũng giờ không chỉ bó hẹp trong một cá nhân, một cơ quan mà đã có sự liên kết kiểu “liên ngành”, có hệ thống. Không chỉ là nâng khống giá trị rồi ăn chia hay đút lót để chạy dự án; tham nhũng giờ còn nguy hiểm ở chỗ có sự liên kết “thò” được vào chính sách, luật pháp…

Nói cách khác, tham nhũng đang thâm nhập sâu vào bộ máy hành chính, hình thành nên hệ nhận thức sai lệch về sự liêm chính trong cán bộ. Điều ấy làm uy tín của Nhà nước bị tổn thương và niềm tin của người dân vào chính quyền bị sút giảm nghiêm trọng.

>>Minh bạch để “bịt” kẽ hở tham nhũng chính sách

Nhiều người biện minh rằng, với cơ chế lương, thưởng vẫn bất cập, không tương xứng với vị trí, chức vụ thì rất khó để quét hết tiêu cực trong khi cám dỗ lợi ích rất lớn". Tuy nhiên, người viết cho rằng, thu nhập chỉ là một phần câu chuyện và đó không phải là lý do để bao biện. Sẽ là sai lầm nếu xác định vào Nhà nước để làm giàu. Một hệ thống mạnh cần phải dựa trên những cá nhân trong sạch.

Quan trọng là làm sao để “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói. Chỉ khi quyền lực được kiểm soát; chịu sự giám sát chéo và chặt chẽ, quyền lực của Nhân dân được thực hiện một cách đầy đủ; các cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật thì không thể có chuyện lộng quyền, lạm quyền, dễ dàng lợi dụng quyền lực để mà tham nhũng, trục lợi.

Có cần kiệm thì mới có liêm chính. Có liêm, có chính thì mới có được lòng dân. Có liêm chính thì chính phủ mới loại trừ được nguy cơ tham nhũng ngày càng trở nên trầm trọng, đe dọa sự ổn định xã hội và tồn vong của chế độ.

Điều này cũng có nghĩa, chỉ khi mỗi cá nhân và cả cộng đồng ý thức sâu sắc về các giá trị như danh dự và sự liêm chính thì họ sẽ tự khắc giảm thiểu hành động vị kỷ.

Lợi ích công chỉ thực sự được bảo vệ nếu mỗi cán bộ công quyền thấm đẫm những giá trị đạo đức phổ quát.

Có thể bạn quan tâm

  • Nghiên cứu khoa học cũng cần sự liêm chính

    08:08, 20/02/2022

  • Sửa Luật – Tháo gỡ “điểm nghẽn” thu hồi tài sản tham nhũng

    04:20, 25/01/2022

  • Linh hồn của cuộc đấu tranh chống tham nhũng

    15:00, 21/01/2022

  • Vụ kit xét nghiệm Việt Á cảnh báo “virus tham nhũng” còn rất nhiều

    15:44, 12/01/2022

  • Phòng ngừa tham nhũng trong chi phí phòng, chống dịch

    11:44, 08/11/2021

  • Minh bạch để “bịt” kẽ hở tham nhũng chính sách

    04:02, 08/11/2021

  • Đất đai và mạch nguồn tham nhũng

    05:00, 31/10/2021

  • Khó thu hồi tài sản tham nhũng vì đã sang tên người khác

    17:00, 24/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những lời tuyên bố đanh thép về liêm chính và cú “ngã ngựa”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO