Năm 2024, các mẫu xe chủ lực như Mitsubishi Xpander, Ford Ranger hay Toyota Vios tiếp tục dẫn đầu doanh số, phản ánh xu hướng tiêu dùng thực dụng tại Việt Nam.
Năm 2024 tiếp tục chứng kiến sự thống trị của một số mẫu xe chủ lực trên thị trường ô tô Việt Nam. Các dòng xe này không chỉ đóng vai trò trụ cột trong doanh số của từng thương hiệu mà còn thể hiện xu hướng tiêu dùng rõ nét của người Việt. Dữ liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và TC Motor tính đến tháng 11/2024 cho thấy sự lên ngôi của các dòng xe MPV, sedan cỡ B và SUV đa dụng, phản ánh nhu cầu ngày càng thực dụng và đa dạng.
Mitsubishi Xpander và Xforce đạt doanh số lần lượt là 17.509 và 13.267 xe, chiếm tới 83% tổng doanh số của Mitsubishi Việt Nam. Xpander dẫn đầu phân khúc MPV với 37% thị phần, trong khi tân binh Xforce đứng đầu nhóm SUV cỡ B.
Toyota Vios duy trì sức hút trong phân khúc sedan cỡ B với doanh số 12.706 xe, chiếm 22% tổng doanh số của Toyota tại Việt Nam. Mặc dù có sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ, Vios vẫn chứng minh được vị thế nhờ độ bền bỉ, chi phí sử dụng thấp và giá trị bán lại cao.
Hyundai Accent tiếp tục dẫn đầu doanh số của Hyundai Thành Công với 11.677 xe. Dù có sự sụt giảm nhẹ so với năm trước do quá trình chờ đợi phiên bản mới ra mắt, Accent vẫn giữ vững phong độ nhờ thiết kế hiện đại, công nghệ tiện nghi và mức giá hợp lý. Cùng phân khúc, Honda City đạt doanh số 10.068 xe, cho thấy sự ổn định nhờ các chương trình ưu đãi và giá trị thương hiệu.
Ở phân khúc SUV, Mazda CX-5 nổi bật với doanh số 13.656 xe, chiếm 46% tổng doanh số Mazda Việt Nam. Đây là mẫu xe thường xuyên đứng đầu nhóm SUV cỡ C nhờ thiết kế trẻ trung, trang bị hiện đại và chiến lược giảm giá hiệu quả. Bên cạnh đó, Kia Sonet và Seltos cũng đóng góp quan trọng cho Kia với tổng doanh số lần lượt là 6.864 và 6.280 xe, cả hai đều giữ vai trò chủ lực trong phân khúc SUV cỡ A+ và B.
Trong phân khúc bán tải, Ford Ranger tiếp tục khẳng định vị thế "ông vua" với 15.904 xe đến tay khách hàng, trong khi người anh em Ford Everest cũng không kém cạnh với 9.892 xe bán ra. Hai mẫu xe này đã cùng nhau chiếm tới 67% tổng doanh số của Ford Việt Nam, trở thành cặp bài trùng dẫn dắt thương hiệu.
Nguyên nhân đầu tiên nằm ở tính thực dụng cao trong lựa chọn xe. Đa số người tiêu dùng Việt Nam vẫn ưu tiên các dòng xe có chi phí sử dụng thấp, khả năng tiết kiệm nhiên liệu và giá trị bán lại cao. Điều này giải thích vì sao các mẫu sedan cỡ B như Toyota Vios, Hyundai Accent hay Honda City luôn nằm trong danh sách bán chạy. Những dòng xe này không chỉ phù hợp với nhu cầu di chuyển hàng ngày mà còn dễ dàng bảo trì và sửa chữa.
Ngoài ra, xu hướng chuyển sang xe gầm cao ngày càng rõ nét, nhất là ở phân khúc SUV. Với đặc tính đa dụng, khả năng vận hành linh hoạt trên nhiều địa hình và thiết kế hiện đại, các mẫu SUV như Xforce, Seltos hay CX-5 đang dần trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện tại Việt Nam.
Một yếu tố khác không thể bỏ qua là các chương trình ưu đãi và chiến lược giá linh hoạt của các hãng xe. Trong năm 2024, nhiều mẫu xe đã được giảm giá sâu hoặc bổ sung trang bị để tăng tính cạnh tranh. Ví dụ, Hyundai Accent 2024 được nhiều đại lý giảm giá 20 triệu đồng ngay trong thời gian đầu mới mở bán tại Việt Nam nhằm cải thiện doanh số. Tương tự, Mazda CX-5 cũng duy trì phong độ nhờ các chương trình khuyến mãi thường xuyên.
Cuối cùng, xu hướng tiêu dùng tại Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng từ sự thay đổi trong thói quen sử dụng xe hơi. Người Việt ngày càng chú trọng vào trải nghiệm lái xe, yêu cầu về công nghệ tiện nghi, an toàn và thẩm mỹ cao hơn. Điều này giải thích vì sao các dòng xe có thiết kế bắt mắt, nhiều trang bị hiện đại như Kia Sonet hay Ford Ranger vẫn giữ được sức hút lâu dài trên thị trường.