Những người “gieo vàng” cho thế hệ mai sau

Diendandoanhnghiep.vn Gần 30 năm về trước, một cán bộ người Mông ở xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An đã chứng kiến cảnh rừng pơ mu cổ thụ bị chặt, ông cùng các con và dân bản đã đi tìm cây non về trồng lại rừng.

Nay, người thủ lĩnh trồng rừng xưa không còn nữa nhưng hình bóng của ông vẫn còn in hằn lên những cây pơ mu thì cao lớn rợp bóng, phủ xanh núi rừng của bản.

>>Dấu vết "cuộc tấn công ngoài hành tinh" xuất hiện trong rừng cổ thụ

Gom cây gây rừng

Đi theo con đường uốn khúc theo sườn núi, chúng tôi đặt chân lên rừng pơ mu ở bản Huồi Giảng 3, xã Tây Sơn. Trên sườn núi thoai thoải, những gốc pơ mu thẳng tắp, thân to chừng hơn 1 người ôm trải thảm xanh trên thung lũng dãy núi Pù Lắng.

Ngước nhìn những cây pơ mu đầy sức sống, anh Vừ Rả Tênh, Bí thư Đảng ủy xã Tây Sơn xúc động hoài niệm những ngày đầu cùng cha mình tìm những cây non rơi rớt để trồng lại cánh rừng này. Anh kể, ngày xưa, nơi đây là một rừng pơ mu có những thân cây đường kính hàng mét. Thế nhưng không hiểu sao, năm 1992, 1 đơn vị lâm nghiệp đã mở đường vào tận rừng chặt cây. Trong 3 năm, cả rừng cổ thụ không còn một cây nào.

Nhìn cây rừng của dân bản bị tàn phá, ông Vừ Pà Rê (cha của anh Tênh, nguyên Phó Chủ tịch xã Tây Sơn, nghỉ hưu năm 1989 và đã mất cách đây hơn 10 năm) trào lên nỗi xót xa. Anh Tênh nhớ lại: “Cha tôi thấy cây pơ mu bị họ chặt hết, lo con cháu sau này không biết đến loại cây này nữa nên ông quả quyết “Họ chặt hết rồi thì cha con ta phải trồng lại rừng cho con cháu hưởng thôi!”.

Anh Vừ Rả Tênh đang trao đổi kỹ thuật lấy hạt pơ mu với cán bộ nông nghiệp xã Tây Sơn

Anh Vừ Rả Tênh đang trao đổi kỹ thuật lấy hạt pơ mu với cán bộ nông nghiệp xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn

Rồi đến năm 1996, ông Rê cùng với 6 người con vào nơi cánh rừng đã bị đốn hạ, tìm những cây pơ mu nhỏ. Anh Tênh là con thứ tư, lúc đó vừa đi bộ đội vừa xuất ngũ đã cùng cha và mọi người vào rừng tìm cây pơ mu non mang về trồng.

 “Mấy cha con mang gạo, thực phẩm từ sáng sớm đã vượt rừng, khi mặt trời đứng bóng mới tới nơi. Việc đi kiếm cây kéo dài đợt, nhiều năm tháng, cứ một lần đi mất vài ngày, nhưng mỗi người cũng tìm được vài ba chục cây cao bằng gang tay về trồng” – Anh Vừ Rả Tênh chia sẻ.

>>Doanh nghiệp hưởng ứng Tết trồng cây tại Ba Vì

>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025

Những cây pơ mu non, sau đó, được trồng trên đất rừng ở bản Huồi Giảng 3. Đây là diện tích đất làm rẫy bỏ hoang của dân. Mấy cha con cùng làm hố trồng, rồi vây quanh để chống trâu bò. Tuy trồng cây chưa đúng kỹ thuật nhưng nhờ thổ nhưỡng và chăm sóc, bảo vệ tốt nên cây trồng sống đến 80%.

Câu chuyện 7 cha con ông Rê nhặt cây trồng rừng chẳng mấy chốc đến tai ông Vừ Chông Pao - người có 20 năm làm Chủ tịch huyện Kỳ Sơn. Ông Pao đã kết hợp đưa dự án trồng rừng 327 về cho bà con, với mức hỗ trợ 2 triệu đồng tiền công/1ha.

Hai anh em Vừ Rả Tênh và Vừ Bá Giờ giữa rừng cây pơ mu mà các anh và người cha kính yêu đã trồng và chăm sóc

Hai anh em Vừ Rả Tênh và Vừ Bá Giờ giữa rừng cây pơ mu mà các anh và người cha kính yêu đã trồng và chăm sóc

Có dự án về, bà con trong các bản càng hăng hái cùng cha con ông Rê vào rừng kiếm cây về trồng. Phong trào trồng pơ mu cứ thế lan dần đến 3/6 bản của xã. Thế nhưng được một thời gian, dân bản nghĩ lại, trồng cây pơ mu đến 50 năm sau chưa chắc đã sống để mà khai thác nên nhiều người đã bỏ cuộc.

“Không ai trồng nữa thì cha con mình trồng. Ta trồng cho con cháu, trồng để giữ rừng, giữ nguồn nước, cho môi trường và cả du lịch nữa! Cha đi Tây Bắc về, thấy họ làm du lịch từ rừng!”- anh Tênh tự hào nhớ lại lời của cha mình.

Sau lời tâm huyết với các con, ông tiếp tục cùng với 6 con trai ngày đêm xuyên rừng kiếm cây về trồng. Qua nhiều năm tháng, việc kiếm tìm pơ mu càng hiếm, càng phải đi vào sâu trong rừng già, ông Rê liền nghĩ đến việc lấy hạt ươm cây giống.

Người con trai út Vừ Bá Giờ, hiện là Trưởng ban ông tác Mặt trận bản Huồi Giảng 3 kể: “Hạt pơ mu rất nhỏ, có hôm, theo cha nhặt được 2 bì tải quả đem về phơi khô để tách hạt cũng chỉ được chưa đầy 1 bát. Sau khi tách lấy hạt chắc, cha làm đất vãi hạt rồi chờ nảy mầm. Vài tháng sau, thấy hạt nảy mầm bố con ôm nhau mừng rỡ. Những cây nhỏ được cho vào bầu chăm sóc đến 7 tháng rồi mới mang đi trồng”.

Không những trồng cây trên đất của mình, gia đình ông Rê còn trồng trên đất trông đồi trọc xung quanh bản. Từ năm 1996 đến năm 2000, cha con ông đã trồng được cả thảy 30ha pơ mu.

Trồng rừng để...."vá lá phổi xanh"

Mặt trời lên cao xua tan màn sương, những tia nắng xuyên qua tán khiến rừng pơ mu giàu thêm ánh sáng, mùi tinh dầu pơ mu thoang thoảng đem lại sự khoan khoái cho con người. Những cây pơ mu ngày nào được gom nhặt trong rừng giờ đã vươn cao hàng chục mét, đường kính từ 30 đến 50cm. Cả rừng pơ mu đang độ vào xuân, đẹp như cảnh trong phim trữ tình Hàn Quốc.

Trong số diện tích pơ mu được trồng thì rừng của bản Huồi Giảng 3 đẹp nhất. Vài năm qua, khu rừng này là điểm đến hấp dẫn người dân từ nhiều nơi, nhất là giới trẻ đến đây tham quan, dã ngoại, trải nghiệm. Năm trước, mấy người con ông Rê đã mở rộng đường từ dưới chân núi lên khu vực này. Ban quản lý bản Huồi Giảng 3 còn đóng ghế ngồi, lắp xích đu,… để làm điểm du lịch sinh thái.

Đến nay, việc ươm trồng cây pơ mu giống để cung cấp cho bà con trong vùng trở thành niềm vui của gia đình Vừ Rả Tênh

Đến nay, việc ươm trồng cây pơ mu giống để cung cấp cho bà con trong vùng trở thành niềm vui của gia đình Vừ Rả Tênh

“Những người đến đây chỉ mong họ thấy được giá trị sinh thái của cây rừng để có ý thức bảo vệ. Chúng tôi luôn dặn họ không làm tổn hại đến rừng và giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, không vứt rác bừa bãi”- anh Vừ Rả Tênh chia sẻ.

Được biết, sau khi gia đình anh Tênh trồng được 30ha rừng pơ mu, nhờ có dự án 327 hỗ trợ tiền công trồng rừng nên một số người dân cũng trồng trên diện tích đất rừng bỏ hoang. Theo dân bản, pơ mu là cây cho gỗ tốt, mùi thơm đặc trưng, vân gỗ đẹp làm đồ nội thất sẽ không bị mối mọt và mùi tinh dầu xua đuổi muỗi.

Rừng pơ mu đang độ vào xuân, đẹp như cảnh trong phim Hàn Quốc

Rừng pơ mu đang độ vào xuân, đẹp như cảnh trong phim Hàn Quốc

Ông Hoàng Văn Huynh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, một số mô hình trồng pơ mu ở xã Tây Sơn và xã Huồi Tụ với diện tích lên đến gần 100ha.

>>Hơn 28.500 tỷ đồng khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên

Riêng đối với những cánh rừng pơ mu của gia đình ông Vừ Pà Rê và dân bản ở xã Tây Sơn trồng trước đây, có giá trị rất lớn về môi trường, phòng hộ, bảo vệ nguồn gen,... Ngoài ra, việc làm của gia đình ông còn có ý nghĩa to lớn nhân lên việc trồng cây gây rừng của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi huyện Kỳ Sơn.

Từ khóa
Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Những người “gieo vàng” cho thế hệ mai sau tại chuyên mục Người tốt - việc tốt của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711715249 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711715249 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10