Lý lẽ của người đam mê thịt chó không khá khẩm hơn người chủ trương phản đối ăn thịt chó. Pháp lý vô can chăng?
Khi dân làng nghe thấy tiếng chó sủa ăng ẳng cùng tiếng xe máy gầm rú ngoài đường, người dân địa phương đã cùng ra đường để bao vây bắt bớ, đánh đập vì nghi ngờ đó là những thanh niên đi trộm chó.
Kết quả là hai tên cẩu tặc mất mạng, gây ra vụ trọng án chấn động tỉnh Quảng Trị cách đây mấy năm. Diễn biến khôi hài sau đó mấy tháng - cả làng ra tòa, xét lui xử tới mấy lần mới xong vụ án.
Tôi xem một video trên mạng xã hội, hàng chục người vây quanh ao bèo cố dìm hai tên “cẩu tặc” dưới cái rét cắt da thịt, họ đối xử với nhau còn tàn tệ hơn cả con người đối xử với loài chó!
Nhiều làng quê huy động thanh niên trai tráng lập chốt phục bắt trộm chó, họ căm thù phường trộm chó hơn bất cứ loại đạo chích nào, đánh được sẽ đánh, giết được coi chừng họ không từ!
Thế mà nhiều gia đình không giữ được người bạn trung thành trước mánh khóe chiêu trò và sự liều lĩnh của bọn trộm: Rải đinh, vung ớt, súng điện, dao kiếm… trộm chó không còn là loại hành xâm phạm bình thường!
Người Việt Nam giết thịt 5 triệu con chó mỗi năm, đứng thứ 2 thế giới, đó là nguồn cơn của nạn “cẩu tặc” hoành hành khắp đất nước. Kinh doanh thịt chó là “ngành công nghiệp” đem lại lợi nhuận không nhỏ, đối tượng ăn thịt chó rất đồng đều trong xã hội.
Nên từ bỏ thịt chó hay tiếp tục ăn? Đây là vấn đề gây tranh cãi không thua kém gì bất cứ sự kiện động trời nào, “bên ăn”, “bên bỏ” xem ra bất phân thắng bại, mà nếu cứ tiếp tục tranh cãi ngoài hành lang pháp lý thì có lẽ mãi mãi không đi đến kết cục nào có lợi.
Tự do tranh luận để tìm ra quy ước chỉ tồn tại trong ý thức xem ra không khả thi, lý lẽ của người đam mê thịt chó không khá khẩm hơn người chủ trương phản đối ăn thịt chó. Dưới lăng kính thịt chó là món ăn thông thường “vật dưỡng sanh” và câu chuyện tinh thần đạo đức, văn minh chưa đem đến kết quả như ý.
Tuy nhiên, sự cân bằng chỉ diễn ra trên... bàn phím còn thực tế đất nước chúng ta trở thành cơn ác mộng của loài chó - nếu không may tạo hóa ban cho chúng quyền được “biết” mình là thức nhậu của con người!
Tranh luận đã nhiều, kết quả thì ai cũng rõ. Giờ là lúc cần lưỡi gươm của thần công lý. Cấm thịt chó không phải chỉ bằng… miệng, cần thiết phải có chế tài. “Luật cấm ăn thịt chó”. Tại sao không?
Sự đen tối của nguồn cung thịt chó có liên quan mật thiết đến hàng loạt vấn đề về an toàn thực phẩm nói chung. Một chiếc lạp xưởng, một quả trứng gà có đến 8 bộ quản lý, vậy thực phẩm thịt chó ai quản lý nếu trống trơn pháp lý?
Một xã hội văn minh nề nếp thoạt đầu thường được gạt bỏ thói quen nhìn nhận sự việc một cách cảm tính, nhiều vấn đề mà nhà chức trách chỉ sử dụng trạng thái “khuyến cáo”, “vận động”, “cân nhắc”… chỉ làm tình hình trở nên xấu đi.
Vụ hiệp sĩ ở TP HCM chẳng may thương vong khi bắt cướp làm nảy sinh vài quan điểm có lý, người ta cho rằng “quản lý xã hội không phải bằng cảm tính”. Đúng vậy, mối quan hệ xã hội suy đến cùng đều xuất phát từ lý tính của con người, nên viện dẫn đạo đức luân lý lắm khi trở nên rối rắm.
Miếng ngon thịt chó gây tai họa cho cộng đồng, không khác mấy với bệnh dịch nan giải, đã đến lúc phải chấm dứt tranh cãi bằng một đạo luật cấm ăn thịt chó.
Nên chuyển trạng thái nhìn nhận hành động ăn thịt chó dưới góc độ luật pháp hơn là luân lý. Đạo đức, luân lý là thứ có sẵn trong tiềm thức con người, ai cũng có thể khởi phát lòng thiện nếu đã từng nuôi chó.
Nhưng vấn đề an toàn thực phẩm không dễ để người ta nhìn nhận nó như một mối họa với cuộc sống khi mà lợi nhuận có sức mạnh ghê gớm đánh bại đạo đức, luân lý.