Quá trình áp dụng Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, gây trở ngại trong thực thi, cần được rà soát, sửa đổi...
Đây là chia sẻ của Luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Tài sản công là nguồn lực quan trọng, có phạm vi rộng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của mỗi quốc gia. Pháp luật hiện hành điều chỉnh về lĩnh vực này như thế nào, thưa ông?
Để quản lý tài sản công, trong những năm qua, có nhiều văn bản pháp quy liên quan, như: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017; Nghị định số 151/2017/ NĐ-CP ngày 26/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Nghị định số 152/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích làm việc, công trình sự nghiệp;…
Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công còn được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật chuyên ngành của từng loại tài sản công, như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp,...
Đáng nói, mặc dù Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 từ khi được hành và có hiệu lực được cho đã tạo lập cơ sở pháp lý chặt chẽ nhằm sử dụng tiết kiệm tài sản công; ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng… tuy nhiên, quá trình áp dụng vào thực tiễn, Luật này đã phát sinh những hạn chế, bất cập, gây nhiều trở ngại trong thực hiện.
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?
Sau khi Luật Quản lý tài sản công năm 2017 ban hành, Chính phủ đã ban hành 20 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 Quyết định, Bộ Tài chính đã ban hành 15 Thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, vẫn chưa có văn bản nào quy định mua lại các tài sản tư để đưa về tài sản công.
Thực tế cho thấy, do Luật chưa điều chỉnh nên thời gian qua dù một số nhà đầu tư có ý định mua lại các trạm BOT hay trạm biến áp thành tài sản công, nhưng vẫn chưa có phương án xử lý…
Hay như, về định giá tài sản công, theo quy định tại Điều 40 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, có 8 hình thức xử lý tài sản công bao gồm: Thu hồi; Điều chuyển; Bán; Sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao; Thanh lý; Tiêu hủy; Xử lý tài sản công trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại; Hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Trong đó, liên quan đến định giá tài sản, các hình thức khó xử lý nhất là: Bán; Sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao; Thanh lý. Bởi, có rất nhiều đối tượng tài sản công khác nhau khi đối chiếu với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cho thấy sự trùng lắp, hạch toán lẫn lộn giữa các đơn vị.
Trong khi đó, các trình tự, thủ tục thanh lý, bán đấu giá trụ sở, tài sản công theo quy định phải trải qua nhiều bước, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị nên thời gian thực hiện thường kéo dài.
Chẳng hạn như trong thời gian qua, sau sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, có tới gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý, trong đó, có khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không, gây lãng phí. Tuy nhiên, khi muốn bán các tài sản này hoặc chuyển đổi sang mục đích khác, ngoài khó tìm được cơ quan định giá, thì để tổ chức định giá được những tài sản liên quan đến trụ sở phải cần được phê duyệt lại về quy hoạch sử dụng đất và phải chuyển mục đích sử dụng đất, cùng với đó là điều chỉnh lại quy hoạch,… dẫn tới gây khó khăn trong thực hiện.
Vậy, để giải quyết những hạn chế, bất cập đã nêu, ông có đề xuất, khuyến nghị gì?
Để gỡ “nút thắt” trong việc quản lý, sử dụng tài sản công, theo tôi, cần thiết rà soát, sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, trong đó, cần có quy định về quy trình và thủ tục Nhà nước mua lại tài sản của nhà đầu tư tư nhân; bổ sung quy định thanh lý nhà, tài sản gắn liền với đất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Đồng thời cần sửa Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo hướng đơn giản thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tổ chức thực hiện…
Đặc biệt, liên quan đến việc xử lý quỹ đất đối ứng cho các nhà đầu tư thực hiện dự án BT chuyển tiếp. Mặc dù Luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực và Nghị định 12/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất cũng đã ban hành, tuy nhiên, rất khó để đảm bảo xác định giá đất theo cơ chế thị trường, vì vậy khó đảm bảo thực hiện nguyên tắc ngang giá và tương đương trong thanh toán dự án BT...
Do đó, việc sửa đổi Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017 cần hướng đến quy định điều chỉnh, tài sản công trước khi thanh toán cho nhà đầu tư BT, bắt buộc phải niêm yết công khai, minh bạch trong xác định giá đảm bảo phù hợp theo giá thị trường, hạn chế đến mức thấp nhất thất thoát.
Trân trọng cảm ơn ông!