Những thay đổi trong văn hóa, lối sống và công nghệ thời kỳ hậu COVID-19

PHẠM THÙY DUNG 20/09/2023 15:20

Hai năm kể từ khi Việt Nam nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội do COVID-19, các chuyên gia Đại học RMIT điểm lại một số thay đổi nổi bật trong thời gian qua.

Giáo sư Julia Gaimster, Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT Việt Nam:

Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực văn hóa, sáng tạo trên quy mô toàn cầu. Theo báo cáo của UNESCO, đại dịch ảnh hưởng đến các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật thị giác và âm nhạc, đồng thời tác động đến các trung tâm văn hóa như thư viện, phòng trưng bày, bảo tàng và địa điểm di sản. Mười triệu việc làm trong các lĩnh vực này trên toàn thế giới đã biến mất vào năm 2020 và giá trị toàn cầu của các lĩnh vực văn hóa, sáng tạo đã giảm tới 750 tỉ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, ngành văn hóa, sáng tạo ở Việt Nam cũng như trên thế giới đã tìm ra cách khác để tiếp cận khán giả cũ và mới thông qua các nền tảng trực tuyến. Việc đa dạng hóa và sử dụng công nghệ cũng như các kênh mới không chỉ giúp giảm thiểu tác động của COVID-19 mà còn đưa văn hóa Việt Nam đến với đối tượng khán giả mới, tạo cơ hội gắn kết và phát triển liên tục trên các kênh này.

Cùng với việc nền kinh tế thế giới đang phục hồi và biên giới các nước mở cửa trở lại, Việt Nam có nhiều cơ hội để hưởng lợi. Để tối đa hóa những cơ hội này, Việt Nam cần phải: Tiếp tục cung cấp nội dung trực tuyến đa dạng và được thiết kế riêng biệt cho từng đối tượng nhằm thu hút khán giả toàn cầu. Quảng bá các sản phẩm, trải nghiệm địa phương chân thực, phản ánh di sản đa dạng của đất nước. Quảng bá các sản phẩm thủ công mỹ nghệ - điều này có thể mang lại lợi ích cho cộng đồng rộng lớn hơn, đặc biệt là phụ nữ, đối tượng chiếm tỉ lệ lớn trong lực lượng lao động.

Đảm bảo rằng các thông lệ bền vững và tuân thủ quy chuẩn đạo đức được lồng ghép vào quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ văn hóa; người tiêu dùng hiện nay nhận thức rõ hơn về các vấn đề môi trường và xã hội nên sẽ “khó tính” hơn. Hỗ trợ các hoạt động văn hóa như Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam, Tuần lễ Thiết kế Việt Nam và Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam.

Các hoạt động văn hóa rất quan trọng đối với sức khỏe kinh tế-xã hội của Việt Nam, đồng thời có thể giúp thúc đẩy đối thoại, hợp tác với các cộng đồng và khu vực khác nhau trên khắp châu Á và thế giới. Các hoạt động này còn có thể nâng tầm hình ảnh và danh tiếng của Việt Nam – từ truyền thống, con người đến các ngành công nghiệp sáng tạo. Để tối đa hóa tiềm năng kinh tế-xã hội mà các ngành công nghiệp sáng tạo mang lại cho nền kinh tế, chúng ta cần đẩy mạnh đầu tư công, hỗ trợ chính sách và hợp tác liên ngành.

Phó giáo sư Donna Cleveland, Phó trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT Việt Nam:

Hai năm sau đại dịch COVID đem đến những thay đổi đáng kể trong tiêu dùng thời trang tại Việt Nam. Một xu hướng nổi bật là sự phát triển của thời trang bền vững, phản ánh hiểu biết sâu sắc hơn của khách hàng và doanh nghiệp về tác động của thời trang nhanh lên cả môi trường và xã hội.

Song song với đó, mua sắm trực tuyến cũng tăng trưởng mạnh mẽ, mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam sự đa dạng và tiện lợi chưa từng có. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số này gây ra lo ngại về môi trường và đạo đức, chẳng hạn như rác thải bao bì ngày càng tăng.

Hậu quả kinh tế của đại dịch đã khiến chi tiêu tiêu dùng giảm, ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp thời trang địa phương. Là nhân tố chủ chốt trong chuỗi cung ứng thời trang toàn cầu, Việt Nam đang phải vật lộn với tình trạng gián đoạn, nêu bật lên tầm quan trọng của các chiến lược linh hoạt. Việc gia tăng hàng tồn kho chưa bán được khiến vấn đề lãng phí càng trầm trọng thêm và khẳng định sự cần thiết phải có các giải pháp sáng tạo nhằm quản lý hàng tồn kho.

Khi lĩnh vực thời trang của Việt Nam tiếp tục phát triển, việc kết hợp đổi mới với tính bền vững là điều rất quan trọng.

Tiến sĩ Sam Goundar, giảng viên cấp cao, Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học RMIT Việt Nam:

Chúng ta hiện đang sống trong một thế giới bình thường mới nơi trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh đang ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề và lĩnh vực sáng tạo. Trong ngành giáo dục, người dạy và người học hiện có thể sử dụng các công cụ AI để tạo ra nội dung, từ các bài tiểu luận và báo cáo cho đến bài văn sáng tạo. Nếu được sử dụng đúng cách, AI có thể giúp tiết kiệm thời gian đồng thời cung cấp thêm học liệu và mang lại trải nghiệm học tập được cá nhân hóa.

Tương tác với người khác trong thế giới ảo đang trở thành một điều bình thường. Metaverse nổi lên như một không gian kỹ thuật số ảo, nơi con người có thể kết nối với nhau một cách chân thực. Metaverse có khả năng mô phỏng nhiều khía cạnh của thế giới vật chất và thậm chí cho phép các hoạt động không thể thực hiện được trong thực tế diễn ra.

Thế giới đã trải qua quá trình chuyển đổi kỹ thuật số sâu sắc, khiến cách con người sống, làm việc và tương tác thay đổi hoàn toàn. Sự chuyển đổi này được đẩy nhanh bởi các sự kiện trong những năm gần đây, khiến cục diện xã hội và công nghệ thay đổi một cách không thể đảo ngược. Với việc tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào mọi khía cạnh của cuộc sống, con người sẽ không bao giờ quay trở lại trạng thái bình thường trước đây.

Tiến sĩ Jonathan Crellin, giảng viên cấp cao, Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học RMIT Việt Nam:

Việc sử dụng các công nghệ không tiếp xúc ngày càng tăng sau đại dịch COVID làm dấy lên lo ngại về các lỗ hổng và khả năng bị lạm dụng của chúng. Mỗi khi một công nghệ mới xuất hiện, luôn luôn sẽ có những người lập tức tìm cách lợi dụng nó với ý định xấu xa để bòn rút giá trị từ người xung quanh.

Thanh toán không tiếp xúc đã tăng vọt trong và sau giai đoạn COVID-19. Mặc dù thanh toán không tiếp xúc hiện nay tương đối an toàn nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ rơi vào tầm ngắm của tin tặc, thể hiện qua các cuộc tấn công vào các ví điện tử hợp pháp trong thời gian qua.

Là một phần ngày càng không thể thiếu trong lối sống không chạm, thẻ từ để ra vào tòa nhà và hệ thống khóa xe hơi thường thiếu các giao thức an toàn. Điều này khiến chúng dễ bị “tấn công phát lại” (replay attack), tức là các tín hiệu bảo mật sẽ bị thu và sau đó phát lại từ một thiết bị độc hại. Gần đây, Flipper Zero, một thiết bị di động nhỏ đã thu hút nhiều sự quan tâm bởi nó có thể đọc tín hiệu và sao chép thẻ trong vài giây, và “nhái lại” thiết bị an ninh gốc từ đó.

Một diễn biến khác gần đây là việc sử dụng chiêu trò giả giọng nói để lừa đảo. Đã có một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở Mỹ, nơi tội phạm thu âm tiếng nói thật của con cái nạn nhân rồi lừa đảo bắt cóc giả. Tội phạm dựa vào các công cụ lấy mẫu ghi âm giọng nói và giám sát hoạt động trên mạng xã hội để biết được khi nào nạn nhân vắng nhà rồi ra tay hành động. Với việc gọi điện có video trực tuyến đang ngày càng phổ biến, tội phạm có thể truy cập nhiều mẫu giọng nói và thậm chí cả mẫu video để thực hiện trò lừa đảo này.

Tóm lại, việc áp dụng công nghệ ngày càng tăng trong thời kỳ hậu COVID-19 đã mang lại cả sự thuận tiện lẫn rủi ro tiềm ẩn. Khi chúng ta áp dụng những công nghệ này, điều quan trọng là phải luôn cảnh giác và giải quyết các lỗ hổng công nghệ có thể có.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngành du lịch Việt Nam chuyển mình sau COVID-19

    15:09, 20/09/2023

  • TP.HCM: Chia sẻ yêu thương với những hoàn cảnh mồ côi vì Covid-19

    18:48, 24/08/2023

  • Biến thể mới của Omicron có làm bệnh COVID-19 nặng hơn?

    01:00, 21/08/2023

  • Những điểm đến mua sắm – vui chơi - giải trí thay đổi ra sao hậu Covid-19?

    13:09, 01/07/2023

  • Đã quá muộn để nghiên cứu sản xuất vaccine phòng COVID-19 Việt Nam

    16:21, 31/05/2023

  • Bệnh nhân COVID-19 sẽ không còn được điều trị miễn phí

    19:57, 14/06/2023

  • Chi phí điều trị COVID-19 khi chuyển sang nhóm B sẽ thay đổi ra sao?

    19:52, 14/06/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những thay đổi trong văn hóa, lối sống và công nghệ thời kỳ hậu COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO