Tập đoàn đồ uống lớn nhất Thái Lan, Thai Beverage (ThaiBev) đang có những toan tính lớn khi tuyên bố sẽ tiếp tục ở lại Việt Nam để giành lại vị trí dẫn đầu thị trường khu vực.
>>SABECO khó “sủi bọt”
Mới đây, tại cuộc họp báo thường niên của công ty, các giám đốc điều hành của ThaiBev cho biết, tập đoàn này đang có vị trí tốt để giành lại vị trí dẫn đầu ở Đông Nam Á thông qua Sabeco, một công ty đang kiểm soát 40% thị trường bia Việt Nam.
Thapana Sirivadhanabhakdi, Giám đốc điều hành của ThaiBev Group cho biết: “Đó là viên ngọc quý của chúng tôi, một tài sản quý hiếm trong số tất cả các tài sản sản xuất bia trong khu vực, nhất là khi lượng tiêu thụ bia đang phục hồi trong nền kinh tế bùng nổ”.
Việc mua lại Sabeco đã khiến ThaiBev trở thành nhà sản xuất đồ uống có cồn lớn nhất khu vực tính theo khối lượng, tuy nhiên họ tiếp tục phải gánh chịu chi phí cao và lợi nhuận thấp trong vài năm đầu tiên do công ty phải vật lộn với quản lý chi phí và năng suất kém trong quá trình vượt ra khỏi sự kiểm soát của nhà nước.
Ở thời điểm hiện tại, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước Việt Nam vẫn nắm giữ 36% cổ phần của Sabeco. Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài khác nắm giữ 10% còn lại. Tham vọng của ThaiBev là muốn Việt Nam bán 36% cổ phần của Sabeco trên sàn giao dịch công khai, điều này sẽ giúp họ nâng cao cổ phần trong Sabeco và tiến tới sở hữu hoàn toàn “con gà đẻ trứng vàng” này.
Ông Thapana Sirivadhanabhakdi, CEO của ThaiBev đã chia sẻ trong cuộc họp: “Quan điểm cá nhân của tôi là muốn nhà nước bán lại 36% cổ phần của Sabeco trên sàn giao dịch công khai. Nếu có nhiều thanh khoản hơn trên thị trường, điều đó chắc chắn sẽ giúp cải thiện định giá tổng thể cho Sabeco”.
>>Sabeco chi mạnh quảng cáo để "níu kéo" ngôi vương?
Việt Nam hiện tại đang được đánh giá là thị trường bia lớn nhất Đông Nam Á, trị giá 26 tỷ USD vào năm 2021 và đứng thứ ba ở châu Á sau Trung Quốc và Nhật Bản. Theo quy hoạch phát triển của ngành bia Việt Nam sẽ đạt sản lượng lên 4,6 tỷ lít vào năm 2025 và có thể cán mốc 5,5 tỷ lít vào năm 2035.
Một thị trường giàu tiềm năng như vậy, đã thu hút các thương hiệu bia ngoại đổ bộ một cách ồ ạt vào Việt Nam trong những năm qua. Tuy nhiên, thị trường bia Việt Nam nhiều năm trở lại đây luôn được thống trị bởi một nhóm “BigFour” bao gồm 4 hãng lớn, Sabeco, Heineken, Carlsberg và Habeco. Trong đó, từng hãng lại chiếm ưu thế theo các vùng miền khác nhau.
Mặc dù thị trường bia hấp dẫn và sôi động là thế, nhưng nhiều chuyên gia cũng cho rằng thị trường này là cực kỳ khốc liệt và đầy cạm bẫy. Thực tế cho thấy, thời gian qua nhiều doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài đã “tháo chạy” khỏi thị trường. Những “ông lớn” ngoại như BGI, San Miguel hay là Foster… đã buộc phải rút lui trong lặng lẽ, trong khi các thương hiệu nội cũng không mấy khả quan.
Mới nhất, Heineken, một trong những đối thủ lớn của Sabeco tại Việt Nam, vừa chính thức khánh thành Nhà máy bia lớn nhất Đông Nam Á tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, với công suất mỗi năm 1,1 tỷ lít bia và có thể xuất xưởng tới 12 triệu lon bia một ngày. Động thái chọn Việt Nam để đầu tư quy mô lớn của Heineken là một bước tiến lớn giúp thương hiệu này dễ dàng bành trướng nhanh hơn không chỉ ở Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á.
Đây cũng là một trong những bước đi có thể khiến Sabeco phải cảnh giác bởi thị phần của Heineken đang dần được cải thiện trong thời gian gần đây. Đặc biệt trong bối cảnh lạm phát và đồng baht giảm giá có thể khiến việc nhập khẩu mạch nha và nhôm trở nên đắt đỏ hơn, bên cạnh chi phí lao động cũng sẽ tăng lên đáng kể.
Có thể bạn quan tâm