Trước những tiêu cực, góc khuất của sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới, dù Bộ GD&ĐT đã lên tiếng, thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, cần có giải pháp thực chất…
>> Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Lãng phí sách giáo khoa
Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa (SGK), tăng tỷ lệ SGK được sử dụng lại nhiều lần, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Chỉ thị số 643/CT- BGDĐT, yêu cầu giám đốc các sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương tổ chức quán triệt, không ép buộc học sinh, gia đình học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập…
Trong đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản SGK; không viết, vẽ vào SGK để sách được sử dụng lại lâu bền.
Đáng lưu ý, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh, phụ huynh mua xuất bản phẩm ngoài danh mục SGK đã được Bộ phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn dưới bất kỳ hình thức nào; không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục SGK đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh mua và sử dụng.
Ngoài ra, bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua SGK cho các thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn SGK để học tập; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ SGK cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.
Về phía Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản có SGK đã được phê duyệt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng yêu tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành SGK nhằm tiết kiệm, giảm giá thành SGK; kịp thời in ấn, phát hành SGK bảo đảm đủ số lượng, chất lượng sách phục vụ nhu cầu của giáo viên và học sinh. Sớm báo cáo Bộ GD&ĐT về kết quả rà soát, đánh giá và phương án giảm giá thành SGK trước khi phát hành hoặc tái bản.
Đồng thời, các Sở GD&ĐT phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức việc thanh tra, kiểm tra việc phát hành và sử dụng SGK, sách bài tập, xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông; xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
>> Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Bất cập việc lựa chọn sách giáo khoa
Thực tế, lâu nay, việc bán SGK kèm sách tham khảo đã khiến nhiều phụ huynh rất bất bình, băn khoăn chưa tìm thấy lời giải, đó là làm sao để SGK không phải một cơ hội vàng để “móc túi” phụ huynh học sinh mỗi năm học? Vì sao lại bán kèm sách tham khảo vào các bộ SGK? Phụ huynh cũng bày tỏ mong muốn, Bộ GD&ĐT cần rà soát, tinh giản SGK theo hướng thống kê danh mục SGK bắt buộc đối với từng lớp học, cấp học. Ngoài số SGK bắt buộc, thì số sách còn lại, học sinh có thể tham khảo, tùy vào điều kiện cụ thể chọn lựa mua hoặc không mua theo nhu cầu.
Tại nghị trường Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu cũng có những ý kiến thẳng thắn về “vấn nạn” SGK. Bởi hiện nay số lượng đầu SGK cho học sinh, kể cả học sinh tiểu học là quá nhiều, trong đó, có những cuốn mang tính chất là sách tham khảo. Nhưng do không có sự hướng dẫn nên nhiều bậc cha mẹ học sinh hoàn toàn không rõ sẽ phải lựa chọn đầu sách nào.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, ai cũng hiểu sách tham khảo không cần phải mua, nhưng nếu có sách này bán thì chắc tất cả phụ huynh sẽ mua cho con bằng bạn bằng bè. Sách tham khảo còn là nguồn lợi rất lớn cho các nhà xuất bản. Các nhà giáo dục kinh nghiệm đã chỉ ra, sách tham khảo trên thế giới chỉ dùng cho thầy cô giáo để làm phong phú thêm bài giảng còn học sinh tiểu học không cần. Vì thế nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường dưới mọi hình thức...
Không chỉ câu chuyện bán SGK theo kiểu “bia kèm lạc”, trước những yêu cầu theo Chỉ thị mới của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, cần có những giải pháp thực chất thay vì chỉ đạo… suông.
Về vấn đề, yêu cầu không viết, vẽ vào SGK để sách sử dụng lại lâu bền, bà Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho rằng, nếu muốn học sinh không viết vào SGK thì phải bắt đầu từ khâu biên soạn sách, thiết kế SGK như thế nào để học sinh không có chỗ viết vào.
“Cái này tôi thấy Bộ GD&ĐT đã rút được kinh nghiệm vì trước đây có nhiều quyển sách in như quyển vở chứ không phải quyển sách, chỉ in đề bài và để phần trống cho học sinh viết luôn vào. SGK nhưng lại mang tính chất là một quyển vở làm bài tập, giáo viên chấm điểm thẳng vào quyển sách nên không thể dùng lại cho khóa sau, rất lãng phí”, bà Nga bày tỏ.
Theo bà Nga, Bộ GD&ĐT phải nghiên cứu có bộ SGK tương đối ổn định và có tính chất dài lâu, còn nếu chúng ta cứ hôm nay sửa, ngày mai thay thì các em có muốn cũng không sử dụng lại được. SGK cần có sự ổn định để thế hệ trước và thế hệ sau có thể cùng sử dụng sách được.
Với hàng loạt những bất cập đã và đang tồn tại, dư luận cũng cho rằng, nếu coi SGK là lĩnh vực kinh doanh béo bở, chất lượng giáo dục trong tình trạng “loạn” sách tham khảo sẽ diễn ra, những lãng phí tiếp tục tái lập, đặc biệt là “ung nhọt” tiêu cực bất cứ lúc nào cũng có thể bộc phát. Vì vậy, thay vì một Chỉ thị số 643/CT- BGDĐT đã ban hành, Bộ GD&ĐT, cùng các cơ quan chức năng, cần quyết liệt vào cuộc để giải quyết các vấn đề đang tồn tại một cách công khai, minh bạch.
Có thể bạn quan tâm
Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Lãng phí sách giáo khoa
04:00, 18/06/2022
Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Bất cập việc lựa chọn sách giáo khoa
04:00, 17/06/2022
Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Dấu hỏi khâu biên soạn, thẩm định sách giáo khoa
04:00, 16/06/2022
Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: “Góc khuất” giá sách giáo khoa
04:00, 15/06/2022
Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Bán sách giáo khoa “bia kèm lạc”
04:00, 14/06/2022