Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Lãng phí sách giáo khoa

GIA NGUYỄN 18/06/2022 04:00

Không chỉ tiềm ẩn những tiêu cực và góc khuất trong biên soạn, thẩm định,… xoay quanh câu chuyện sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới còn khiến dư luận dấy lên nỗi lo lãng phí…

>> Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Bất cập việc lựa chọn sách giáo khoa

Không riêng năm 2022, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông vẫn cho thấy những bức xúc của dư luận, sự việc này được cho sẽ còn kéo dài nếu các bộ, ngành liên quan không sớm có những giải pháp cụ thể. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, bức xúc về SGK mới không chỉ nằm ở vấn đề giá sách đắt hay rẻ mà còn xuất phát từ sự lãng phí khi SGK chỉ sử dụng được 1 năm...

Xoay quanh câu chuyện SGK, dư luận vẫn ám ảnh nỗi lo lãng phí - Ảnh minh họa

Xoay quanh câu chuyện SGK, dư luận lại dấy lên nỗi lo lãng phí - Ảnh minh họa

Trước vấn đề đã nêu, mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) - Nguyễn Kim Sơn đã giải thích, các sách biên soạn theo bộ mới là hoàn toàn dùng lại được, chứ không phải là sách dùng một lần.

Thế nhưng, những giải thích này của Bộ trưởng chưa thực sự thỏa đáng, bởi trên thực tế, trong năm đầu triển khai chương trình mới, 5 bộ SGK lớp 1 được phê duyệt gồm: Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN), Cánh Diều của hai NXB Đại học Sư phạm và Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh kết hợp.

Sau một năm, khi áp dụng chương trình mới cho lớp 2 (năm học 2021-2022), 2 bộ “Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” đột ngột bị "xóa sổ". NXB GDVN cho biết, những bộ sách này được hợp nhất với 2 bộ còn lại nhằm “giảm chi phí, tập trung tối đa nguồn lực”.

Phía NXB cũng khẳng định, việc hợp nhất không ảnh hưởng đến hoạt động dạy học, chọn sách; các cuốn sách thuộc hai bộ đã bị hợp nhất vẫn được tái bản. Tuy nhiên, thực tế, khi thẩm quyền chọn SGK được giao cho UBND cấp tỉnh (từ năm học 2021-2022), nhiều nơi không dùng sách của hai bộ bị hợp nhất nữa. Giá mỗi bộ sách này dao động 189.000-194.000 đồng.

Ví dụ tại Sơn La, năm 2020, khoảng 30.000 học sinh lớp 1 của tỉnh này học sách Tự nhiên và xã hội của 2 bộ “Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”. Đến 2021, tỉnh Sơn La quyết định chọn lại SGK lớp 1, trong đó, sách Tự nhiên và xã hội được chọn thuộc bộ Cánh Diều, tương ứng 30.000 sách Tự nhiên và Xã hội lớp 1 của bộ cũ chỉ được dùng một năm. Tính theo giá bìa, 30.000 cuốn này khoảng 600 triệu đồng.

>> Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Dấu hỏi khâu biên soạn, thẩm định sách giáo khoa

không ít ý kiến quan ngại, đối với các NXB, phụ huynh và học sinh là khách hàng, còn SGK là sản phẩm thương mại - Ảnh minh họa

Không ít ý kiến quan ngại, đối với các NXB, phụ huynh và học sinh là khách hàng, còn SGK là sản phẩm thương mại - Ảnh minh họa

Dù chưa có thống kê đầy đủ về số lượng những cuốn SGK theo chương trình mới không thể tái sử dụng trên cả nước. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, mức thiệt hại mà số sách này gây ra có thể lên tới vài tỷ đồng - Đây là sự lãng phí rất lớn, mà lỗi là do NXB không thống nhất trong việc biên soạn xuyên suốt các bộ sách.

Trước thực tế đã nêu, không ít ý kiến quan ngại, đối với các NXB, phụ huynh và học sinh là khách hàng, còn SGK là sản phẩm thương mại. Vì vậy, rất có thể trong thời gian tới, các NXB có quyền xuất bản hoặc dừng lại đối với SGK các lớp học tiếp theo với nhiều nguyên nhân liên quan đến vốn, nhân lực viết sách… Việc một bộ SGK được tồn tại hay bị “khai tử” phụ thuộc vào lợi nhuận nó mang lại cho NXB thế nào.

Chưa kể, chi phí và quy trình thực hiện biên soạn SGK cũng được là vấn đề khá nhức nhối. Theo đó, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội giao Bộ GD&ĐT phải viết một bộ SGK bằng nguồn ngân sách từ vốn vay ODA thực hiện đổi mới chương trình SGK. Đây là cơ hội để người dân được mua SGK rẻ hơn và tránh việc bị các NXB ép giá.

Tuy nhiên, trả lời trước Quốc hội tháng 5/2019, khi đó ông Phùng Xuân Nhạ đang là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, phương án trực tiếp tuyển chọn tác giả biên soạn bộ SGK không thực hiện được do không đủ ứng viên tham gia. Hầu hết các tác giả có khả năng viết SGK đều đã ký hợp đồng với một số NXB và bắt đầu việc biên soạn từ năm 2018 khi dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố để xin ý kiến.

Trong đó, phải kể đến bộ sách Cánh Diều đã mời được 41/56 thành viên Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tham gia viết bộ SGK này. Những thành viên còn lại của Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và phần lớn những tác giả có khả năng viết SGK thì đã đầu quân cho NXB GDVN để viết thêm 4 bộ SGK khác.

Thế nhưng, theo các chuyên gia, việc không viết được một bộ SGK viện dẫn những lý do như đã nêu của Bộ GD&ĐT đang nguỵ biện. Vì chỉ tính riêng các chuyên gia giáo dục đang làm việc tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, một đơn vị trực thuộc Bộ cũng đủ để viết SGK. Đây là nhân lực ăn lương và làm việc cho Bộ GD&ĐT, trong khi đó, rất nhiều người ở Viện này là tác giả viết SGK cho các nhà NXB. Bên cạnh đó, trong tay Bộ GD&ĐT còn có ít nhất 5 trường Đại học Sư phạm lớn trên toàn quốc, các giáo sư, tiến sĩ, giảng viên của các trường sư phạm này cũng là tác giả viết SGK cho các NXB.

Đáng nói, Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 với số tiền lên đến gần 10.000 tỷ đồng có nhiệm vụ biên soạn 1 bộ SGK tiếng Anh hoàn chỉnh từ lớp 3 đến lớp 12 nhưng đến năm học tới đã thay sách đến lớp 3, 7, 10 nhưng SGK tiếng Anh của đề án vẫn còn là ẩn số, còn người dân vẫn phải mua SGK tiếng Anh với giá cao.

Chưa kể, để tăng nguồn thu từ SGK, các NXB đã và đang “xé nhỏ” các môn học tổ hợp, phát hành không phải theo môn học, mà theo chuyên đề. Ví dụ, bộ SGK lớp 10 được đưa vào trường học từ năm học 2022 - 2023, riêng môn học Mỹ thuật lớp 10 đã có tới hơn chục đầu SGK theo từng chuyên đề. Môn giáo dục thể chất lớp 10 cũng có tới 4 SGK trong một bộ sách ứng với 4 chuyên đề: bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá, cầu lông…

Một chương trình nhiều bộ SGK là chính sách đúng đắn, thế nhưng, trước thực trạng đã nêu, đến bao giờ những góc khuất trong đổi mới SGK được đưa ra ánh sáng và nỗi lo về lãng phí sẽ có điểm dừng? Vẫn là những trăn trở dư luận chờ câu trả lời.

Có thể bạn quan tâm

  • Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Bất cập việc lựa chọn sách giáo khoa

    Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Bất cập việc lựa chọn sách giáo khoa

    04:00, 17/06/2022

  • “Lửa” đã “cháy” đến Bộ Giáo dục: Gian lận thi cử và

    “Lửa” đã “cháy” đến Bộ Giáo dục: Gian lận thi cử và "cái giá" phải trả

    07:04, 16/06/2022

  • Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Dấu hỏi khâu biên soạn, thẩm định sách giáo khoa

    Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Dấu hỏi khâu biên soạn, thẩm định sách giáo khoa

    04:00, 16/06/2022

  • Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: “Góc khuất” giá sách giáo khoa

    Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: “Góc khuất” giá sách giáo khoa

    04:00, 15/06/2022

  • Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Bán sách giáo khoa “bia kèm lạc”

    Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Bán sách giáo khoa “bia kèm lạc”

    04:00, 14/06/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Lãng phí sách giáo khoa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO