Theo TS Nguyễn Tú Anh (Ban Kinh tế TW) với cách xử lý vừa qua của các cơ quan quản lý không gây ảnh hưởng quá lớn đến thị trường TPDN, chỉ chững lại ở giai đoạn tháng 4, tháng 5, tháng 6...
>>Dư địa cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Tại toạ đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp niềm tin và trách nhiệm” do BizLive tổ chức ngày 13/9, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho biết, phát triển thị trường trái phiếu là vấn đề dài hạn không chỉ ở Việt Nam mà khu vực châu Á, có rất nhiều nước còn phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Ông Thành nhận xét, phát triển thị trường cổ phiếu thì dễ nhưng phát triển thị trường trái phiếu là tương đối khó. Trong thời điểm Việt Nam đang phục hồi, cách thức huy động vốn cho nền kinh tế đóng vai trò cấp thiết như IPO, thu hút FDI, huy động vốn từ quỹ đầu tư và trái phiếu doanh nghiệp cũng là một kênh quan trọng, không chỉ cho doanh nghiệp BĐS, mà cho cả ngân hàng hay các doanh nghiệp về năng lượng...
Đi kèm với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là các rủi ro về tài chính, vì thế, phát triển thế nào để giảm thiểu rủi ro là vấn đề cần được quan tâm. TS. Trương Văn Phước, Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, trong thị trường tài chính rộng lớn, cần phải nói đến điều mang tính căn bản là, trong xã hội có sự phân công về các dòng vốn ngắn hạn do ngân hàng phụ trách, còn dài hạn là dòng vốn vay mượn lẫn nhau.
“Thị trường tài chính thế giới đã phát triển từ vài trăm năm nay, nhưng đến hiện tại chúng ta vẫn đang phải đi tìm giải pháp để phát triển thị trường, bắt nguồn từ các nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Những vấn đề xảy ra vừa qua đã gióng lên một hồi chuông để chúng ta phải nghiêm khắc nhìn nhận lại thực tế của thị trường TPDN, mà đến nay không có một thiết chế nào nhận trách nhiệm cuối cùng. Vì vậy, cần thiết xây dựng một tổ chức thanh tra, giám sát, quy định lại toàn bộ thị trường”, TS. Trương Văn Phước nói.
Chia sẻ về quan điểm của mình, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính nhìn nhận, tổng dư nợ TPDN hiện nay khoảng 1,4 triệu tỷ đồng và tổng vốn trung dài hạn ngân hàng khoảng 5 triệu tỷ đồng. Thị trường TPDN đã tăng với tốc độ 30-35%/năm trong mấy năm vừa qua. Theo ước tính hai năm nữa, tốc độ phát triển TPDN sẽ tăng gấp đôi và nếu vẫn giữ nguyên tốc độ tăng trường, thì chỉ 6 năm nữa thị trường này sẽ gánh vác được nguồn vốn cho thị trường tài chính. Tuy nhiên, không ai quan tâm đến tầm quan trọng đó, mà chỉ coi đây như một trò chơi “đánh bạc” của các nhà phát hành. Không còn tâm thế phát triển một thị trường cung ứng vốn trung - dài hạn, định hình kinh tế tư nhân làm chủ đạo, việc không có bộ phận giám sát cụ thể là điều rất đáng trách.
>>Đồng bộ hạ tầng tài chính, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp
“Chúng ta hô hào công nghiệp hoá, phát triển kinh tế tư nhân nhưng các mục tiêu đều đang rất thấp vì ngoài chuyện công nghệ, quản trị thì còn có vấn đề về vốn. Trong khi đó, các quỹ của Chính phủ như quỹ hỗ trợ DNNVV đều khó tiếp cận, cần có đầu tư mạo hiểm, đầu tư hạt giống ươm mầm thì doanh nghiệp mới có thể phát triển. Đến nay, Việt Nam chưa có định chế thực sự đủ mạnh để hỗ trợ thị trường phát triển, để thị trường “bết bát” rồi mới đi xử lý, hình sự hoá,... gây rủi ro lớn bởi các can thiệp thô bạo, trong khi đây là một thị trường tinh tế, đòi hỏi niềm tin để xây dựng.
Đặc biệt, “tử huyệt” của kinh tế vĩ mô Việt Nam chính là thị trường TPDN với tổng đáo hạn cuối năm là 84.000 tỷ đồng, cả năm sau là 140.000 tỷ đồng, nếu thị trường đổ bể, vỡ nợ sẽ không có gì gánh được. Nhìn từ vụ vỡ nợ của Evergrande tại Trung Quốc, chính phủ nước này đã đứng ra nhận toàn bộ trách nhiệm để giải quyết quyền lợi cho nhà đầu tư. Do đó, muốn phát triển trở lại thị trường, trách nhiệm lớn lao nhất là của Chính phủ và niềm tin lớn nhất là doanh nghiệp, nhân dân, là trụ cột thị trường này.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm quốc tế, thị trường TPDN của Nhật Bản, Mỹ, châu Âu hoàn toàn không có tài sản đảm bảo, mà phụ thuộc vào xếp hạng tín nhiệm, là cơ sở niềm tin phát triển thị trường”, vị chuyên gia cho biết.
Còn theo TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, thị trường TPDN là một mảnh ghép còn phát triển chậm trên thị trường tài chính, nhưng khi đã phát triển thì tốc độ tăng rất nhanh, điển hình là mức tăng 56% vào năm 2021, thể hiện nhu cầu vô cùng lớn của cả người phát hành và nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi mới hình thành mà lớn nhanh sẽ phải thận trọng, vì đi nhanh quá sẽ dễ vấp ngã.
“Theo tôi, với cách xử lý vừa qua của các cơ quan quản lý không gây ảnh hưởng quá lớn đến thị trường, chỉ chững lại ở giai đoạn tháng 4, tháng 5, tháng 6. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã nói “rủi ro và khủng hoảng là thuộc tính đương nhiên của thị trường”, nên khi tham gia thị trường cần có niềm tin với luật chơi rõ ràng.
Bất kỳ thị trường nào nhất là tài chính - tiền tệ, càng phải xây được hệ thống niềm tin với các cách tiếp cận phù hợp. Ví dụ, khi hệ thống pháp luật quá chặt chẽ, mạc dù cách này ít rủi ro, nhưng lại tiêu diệt thuộc tính đương nhiên của thị trường. Do đó, phải có sự cân bằng, phải xây dựng được công cụ để tự thân thị trường có thể điều tiết được các vấn đề trong đó. Nhiều người nói về xếp hạng tín nhiệm, vậy niềm tin từ các công ty xếp hạng lấy từ đâu cũng là nội dung được quan tâm. Cho nên, trách nhiệm lớn nhất hiện nay thuộc về cơ quan quản lý, là xây dựng hệ thống pháp luật để thị trường có thể tự vận hành một cách phù hợp”, TS. Nguyễn Tú Anh nói.
Vị Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cũng phân tích thêm, thị trường TPDN có sự khác biệt với ngân hàng, vì ngân hàng có cơ chế xét duyệt tài sản thế chấp, còn TPDN thì thường dùng cổ phiếu để làm đảm bảo, nhưng tài sản đó không thể hiện ý nghĩa thế chấp. Chính vì vậy, nhà đầu tư không nên quá phụ thuộc vào tài sản này mà nên tập trung vào các công cụ của thị trường, ví dụ bảo hiểm là một công cụ rất đắc lực.
Vấn đề của thị trường TPDN không chỉ là rủi ro của nhà đầu tư cá nhân mà là rủi ro hệ thống tài chính và rủi ro vĩ mô, ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng, tiến tới câu chuyện “quá lớn để đổ vỡ”, gây sức ép đến Chính phủ Việt Nam, mà Evergrande tại Trung Quốc là một ví dụ. Do đó, cần phải có sự điều tiết hợp lý để giảm thiểu rủi ro ở nhiều khía cạnh.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 08/09/2022
12:00, 04/09/2022
00:15, 04/09/2022
05:00, 31/08/2022