Không chỉ thể hiện sự khẩn trương trước các vấn đề nóng và quan trọng của đất nước, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV còn tạo sức lan tỏa lớn cho phục hồi và phát triển kinh tế…
>>Kỳ họp bất thường là đòi hỏi cấp bách của thực tiễn
Diễn ra từ ngày 04/01 đến ngày 11/01/2022, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV đã chính thức bế mạc, với nhiều nội dung quyết nghị quan trọng được biểu quyết thông qua như: Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (một luật sửa 8 luật),... Những quyết nghị này đều được đánh giá hết sức quan trọng khi tạo ra sức lan tỏa, động lực lớn cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
424/426 là con số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với mức hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng, không chỉ cho thấy sự nhất trí cao của các đại biểu mà còn thể hiện sự quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ với mục tiêu phục hồi và phát triển nền kinh tế sau dịch bệnh.
Trong đó, về chính sách tài khóa, Nghị quyết quyết nghị các chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cụ thể như:
Về chính sách miễn, giảm thuế: Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản,...
>>Đại biểu Quốc hội đề nghị tính lại suất đầu tư và tổng mức đầu tư
Chủ tịch Quốc hội – Vương Đình Huệ khẳng định, với việc tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, chúng ta có bài học quý để những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn.
Về chính sách đầu tư phát triển: Nghị quyết quyết nghị tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước tối đa 176.000 tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023.
Về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh: Hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua.
Cùng với đó là những quyết nghị về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; an sinh xã hội, lao động, việc làm;…
Nghị quyết cũng đưa ra các quyết nghị điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu để giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tính toán hợp lý tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên…
Bên cạnh đó, việc thông qua Dự án một luật sửa 8 luật cũng tạo ra nhiều kỳ vọng, giúp khơi thông những ách tắc về mặt pháp lý đã và đang tồn tại gây khó lên hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh.
Cụ thể như, sửa đổi điểm c, khoản 1, Điều 75 Luật Đầu tư về công nhận chủ đầu tư dự án, sẽ “gỡ khó” cho ít nhất 208 dự án bất động sản ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã mắc kẹt suốt nhiều năm qua; sửa đổi Luật Điện lực, để thể chế hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cho phép khối tư nhân tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện, phá thế độc quyền;…
Khép lại một kỳ họp bất thường, mở ra những kỳ vọng cho cuộc sống bình thường, tạo ra sự lan tỏa lớn lao và niềm tin về sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Đặt dấu mốc quan trọng cho những việc quan trọng và cấp thiết của đất nước sau này.
Như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội – Vương Đình Huệ tại phiên bế mạc, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất với nhiều nội dung hết sức quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo; được đồng bào, cử tri, dư luận trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm khi tác động của đại dịch COVID-19 trong hơn hai năm qua đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của Nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn, tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm, có nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới.
Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ cũng nêu rõ, để các Nghị quyết của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đi vào cuộc sống, ngay sau Kỳ họp, Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cấp, các ngành, các cơ quan trong bộ máy nhà nước, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các Luật, Nghị quyết vừa được thông qua sớm phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống, khắc phục tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng”.
Có thể bạn quan tâm
Kỳ họp bất thường lần thứ nhất: Thảo luận sôi nổi, tâm huyết, sâu sắc
18:02, 11/01/2022
Kỳ họp bất thường là đòi hỏi cấp bách của thực tiễn
17:02, 11/01/2022
Khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV
10:00, 04/01/2022
Kỳ vọng từ kỳ họp bất thường của Quốc hội
05:00, 04/01/2022
Ngày 4/1: Khai mạc Kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV
18:13, 28/12/2021