“Nới” giờ làm thêm là cần thiết

THY HẰNG thực hiện 14/03/2022 11:06

Nhu cầu về lao động của doanh nghiệp hiện nay là rất lớn, cần có cơ chế, chính sách để dồn lực cho sản xuất ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.

>>> VCCI tiên phong trong việc xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam

Trao đổi với DĐDN, bà Trần Thị Lan Anh - Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động VCCI cho rằng, nếu không có các cơ chế, chính sách kịp thời giúp doanh nghiệp phục hồi dễ dẫn đến nguy cơ làm chậm đà phát triển kinh tế, kém hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài.

- Thưa bà, đề xuất tăng số giờ làm thêm lên tối đa 72 giờ trong một tháng, không quá 300 giờ trong một năm đã đáp ứng với những mong mỏi của doanh nghiệp hay chưa?

Sau ảnh hưởng của đợt dịch lần thứ 4, nhiều lao động trở về địa phương và chưa quay trở lại làm việc. Thời điểm này, như mọi năm, ngay sau Tết nguyên đán, tình trạng thiếu hụt lao động lại càng là một gánh nặng đối với doanh nghiệp.

Hiện nay, tình hình diễn biến dịch bệnh vẫn đang phức tạp với số ca nhiễm F0 tăng cao, nhiều doanh nghiệp hiện đang có khoảng 70 – 80% người lao động là F0. Do vậy, nhiều doanh nghiệp buộc phải giãn ca sản xuất hay tạm dừng dây chuyền do thiếu hụt lao động trầm trọng. Việc kịp thời điều chỉnh tăng giờ làm thêm trong tháng và trong năm nhằm giúp doanh nghiệp phần nào bù đắp tình trạng trên.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp các ngành, lĩnh vực đang được quy định trần 300 giờ/năm theo luật hiện hành cũng đề xuất nới lên mức 400 giờ/năm.

- Việc “nới” trần giờ làm thêm chỉ là ngắn hạn, về dài hạn thì sao, thưa bà?

Trần giờ làm thêm là cần thiết để bảo vệ người lao động, do đó, không thể bỏ giới hạn này. Hơn nữa, nếu đề xuất về nới khung giờ làm thêm được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì cũng không áp dụng lâu dài mà chỉ là một trong những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong ngắn hạn, có thể trong hai năm 2022 - 2023, phù hợp Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ theo Nghị quyết 11/2022/NQ-CP.

Vì vậy, khi đề xuất việc tăng thời giờ làm thêm, các doanh nghiệp cùng cần phải tính đến lộ trình tăng trong ngắn hạn và giảm việc làm thêm giờ về lâu dài và có các giải pháp để tăng năng suất thông qua việc đầu tư máy móc, áp dụng công nghệ và nâng cao tay nghề cho người lao động.

p/Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc cho phép không áp dụng giới hạn số giờ làm thêm đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lấy ý kiến.

Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc cho phép không áp dụng giới hạn số giờ làm thêm đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lấy ý kiến.

- Theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, dự kiến áp dụng chính sách nới giờ làm thêm tới 31/12/2022, quan điểm của bà như thế nào?

Việc gián đoạn sản xuất kinh doanh trong thời gian vừa qua, đặc biệt là việc ngưng trệ đột ngột trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã làm cho nhiều doanh nghiệp bị phá sản hoặc rơi vào tình thế cực kỳ khó khăn do chi phí tăng cao và nhiều đơn hàng không theo đúng tiến độ cam kết. Với các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu như dệt may, da giày, thủy sản… việc gián đoạn sản xuất cũng dẫn đến nguy cơ khách hàng sẽ điều chỉnh chính sách mua hàng của họ từ Việt Nam sang các nước khác.

Chính vì vậy, việc đề xuất điều chỉnh thời giờ làm thêm là một trong những giải pháp hết sức cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi này. Chúng tôi dự đoán là các ngành sẽ cần một khoảng thời gian từ 1-2 năm để có thể dần hồi phục, do đó, đề xuất chính sách nới trần khung giờ làm thêm nên áp dụng hết năm 2023.

>>> Chủ tịch VCCI: Phục hồi chuỗi cung ứng là yếu tố nền tảng cho sự phục hồi của doanh nghiệp

>>>Phát triển bền vững “liều vaccine” của doanh nghiệp

- Đây có phải là giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động hiện nay không thưa bà?

Về cơ bản, làm thêm giờ không phải là giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp vì chi phí trả lương làm thêm giờ cao, năng suất lao động có thể giảm, nguy cơ tai nạn cao. Tuy nhiên trong bối cảnh nói trên thì việc tăng ca là cần thiết để doanh nghiệp có thể linh hoạt bố trí lao động. Quan trọng là doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh với chiến lược nhân sự, tuyển dụng phù hợp và có tính phương án dự phòng.

Khi thực hiện làm thêm giờ, doanh nghiệp phải thông tin rõ ràng, minh bạch đến người lao động, tổ chức công đoàn và theo quy định thì cần phải có sự đồng thuận của người lao động khi làm việc tăng ca. Vấn đề cốt lõi là phải đảm bảo được sức khỏe và quyền lợi của người lao động (thời gian dành cho gia đình, nghỉ ngơi). Đặc biệt doanh nghiệp phải tính đến xu thế đời sống kinh tế xã hội của Việt Nam ngày càng cải thiện.

- Xin cảm ơn bà!

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội:

Nhiều doanh nghiệp đã đề nghị nới trần giờ làm thêm từ đầu quý IV/2021. Vì thế, đề xuất tăng số giờ làm thêm ở thời điểm này có lẽ là hơi trễ. Sự linh hoạt về trần làm thêm giờ là cần thiết, nhưng chỉ nên giới hạn trong các ngành nghề như luật hiện hành, chứ không thể mở cho toàn bộ các ngành nghề. Mặt khác, với các ngành được tăng lên 72 giờ, cũng cần đi kèm điều kiện ràng buộc là không được kéo dài quá 2 tháng liên tục và doanh nghiệp cần đăng ký rõ thời gian nào tăng giờ làm tối đa để có thể giám sát.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS):

Đề xuất “nới” trần giờ làm thêm tối đa từ 40 giờ lên 72 giờ/tháng là phù hợp. Tuy nhiên, việc vẫn khống chế không quá 300 giờ/năm cho tất cả các ngành nghề thì chưa hợp lý. Thực tế luật hiện hành đã cho phép những ngành đặc thù như dệt may, da giày, chế biến thủy, hải sản… được làm thêm đến 300 giờ/năm. Do đó, đề xuất, “nới” trần giờ làm thêm cần đến hết năm 2023 như Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ.

Có thể bạn quan tâm

  • VCCI mong muốn phối hợp AVSE Global xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam

    15:05, 07/03/2022

  • VCCI Hải Phòng cùng doanh nghiệp gỡ khó

    16:55, 01/03/2022

  • Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Đất nước phát triển phải có văn hóa kinh doanh quốc gia

    03:49, 27/02/2022

  • VCCI tiên phong trong việc xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam

    15:42, 26/02/2022

  • Chủ tịch VCCI: Phục hồi chuỗi cung ứng là yếu tố nền tảng cho sự phục hồi của doanh nghiệp

    08:44, 21/02/2022

  • VCCI nuôi dưỡng niềm tin kinh doanh!

    01:10, 20/02/2022

  • Sức mạnh của VCCI chính là sự liên kết của các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp, doanh nhân

    10:32, 17/02/2022

  • VCCI Đà Nẵng đồng hành vượt khó cùng cộng đồng doanh nghiệp

    02:31, 12/02/2022

  • Chủ tịch VCCI và đoàn cán bộ thăm, chúc mừng năm mới Tập đoàn Sơn Hà

    16:55, 07/02/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Nới” giờ làm thêm là cần thiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO