Nỗi lo ngày càng gia tăng về tình trạng lạm phát đình trệ đang đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục mới.
Lợi suất trái phiếu kho bạc tăng và nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu đang góp phần tạo ra một môi trường lạm phát đình trệ, khiến các nhà đầu tư đổ xô vào vàng. Giá vàng giao ngay có thời điểm đã leo lên tới mức 2.886 USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng có thời điểm lên tới mức 92,4 triệu đồng/lượng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khởi động chiến tranh thương mại 2.0 bằng cách áp thuế mạnh đối với hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc. Mặc dù mức thuế quan 25% đối với Canada và Mexico đã bị trì hoãn trong một tháng, nhưng mức thuế 10% nhắm vào hàng hóa Trung Quốc hiện đã có hiệu lực.Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã trả đũa bằng cách áp thuế 10 - 15% đối với hàng xuất khẩu năng lượng và nông sản của Mỹ sang Trung Quốc với thời hạn có hiệu lực vào ngày 10/2/2025.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã vạch ra các kế hoạch phá vỡ chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng tại Mỹ và hạn chế hoạt động kinh doanh của các công ty Mỹ tại Trung Quốc đại lục. Trong khi đó, Google đã bị chỉ trích vì vi phạm luật chống độc quyền. Ngoài ra, các lệnh kiểm soát xuất khẩu mới của Trung Quốc đã được ban hành đối với vonfram và các khoáng sản quan trọng khác được sử dụng trong các ngành công nghiệp điện tử, hàng không và quốc phòng.
Theo ông Kelvin Wong, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại OANDA,chiến tranh thương mại 2.0 khác với chiến tranh thương mại Mỹ-Trung 1.0 xảy ra vào năm 2018 về phạm vi bao phủ vì chiến tranh thương mại 2.0 liên quan đến các đối tác thương mại lớn của Mỹ, bên cạnh chiến tranh công nghệ Mỹ-Trung đang diễn ra. Do đó, các quốc gia có thặng dư thương mại đáng kể với Mỹ sẽ có nguy cơ trở thành mục tiêu của chính sách thuế quan thương mại của chính quyền Trump.
Nếu các cuộc đàm phán giữa Mỹ và các quốc gia có liên quan không đạt được sự thỏa hiệp, các biện pháp trả đũa có thể leo thang, khiến thương mại toàn cầu có thể bị gián đoạn, từ đó có thể làm tê liệt triển vọng tăng trưởng toàn cầu và gây ra áp lực lạm phát, dẫn tới tình trạng lạm phát đình trệ.
Những áp lực này đã bắt đầu tác động đến lợi suất trái phiếu chính phủ. Các công cụ tài chính được giao dịch trên thị trường đã bắt đầu tăng theo kỳ vọng lạm phát của Mỹ do các biến động của cả chênh lệch lợi suất trái phiếu danh nghĩa và thực tế kỳ hạn 5 năm và 10 năm của Mỹ vốn đã có xu hướng tăng kể từ khi FED bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024.
“Cả chênh lệch lợi suất trái phiếu danh nghĩa và thực tế kỳ hạn 5 năm và 10 năm của Mỹ vừa mới có một bước tăng đột phá lên lần lượt là 2,59% và 2,44% tính đến ngày 4/2/2025, cao hơn lạm phát mục tiêu dài hạn của FED là 2%. Điều này cho thấy kỳ vọng lạm phát ngày càng lớn. Trong khi đó, chiến tranh thương mại 2.0 sẽ làm ngày càng suy yếu tăng trưởng kinh tế. Do đó, kinh tế thế giới đang đối mặt nguy cơ lạm phát đình trệ”, ông Kelvin Wong nhận định.
Trong khi đó, phân tích kỹ thuật đối với giá vàng giao ngay tiếp tục hỗ trợ xu hướng tăng trung và dài hạn.
“Chỉ số RSI hàng ngày đã đạt đến vùng quá mua, nhưng chưa cho thấy bất kỳ sự phân kỳ giảm giá nào. Điều này có thể chỉ tạo ra một đợt thoái lui nhỏ của giá vàng sau đợt tăng giá nhanh gần đây trong tuần qua, thay vì đảo chiều giảm giá mạnh trong trung hạn”, ông Kelvin Wong cho biết và nhấn mạnh các nhà đầu tư nên theo dõi mức hỗ trợ quan trọng trung hạn là 2.716 USD/oz (MA50). Trong khi đó, các mức kháng cự trung hạn tiếp theo là 2.933 - 3.033 - 3.084 USD/oz”, ông Kelvin Wong nhận định.
Tuy nhiên, nếu chính quyền Trump “hạ nhiệt” chiến tranh thương mại 2.0 bằng cách “mặc cả” được điều kiện với các đối tác thương mại sau khi áp thuế quan, thì giá vàng có nguy cơ giảm giá, vì nhu cầu trú ẩn sẽ suy giảm mạnh. Theo đó, nếu giá vàng giảm xuống dưới 2.716 USD/oz, thì có nguy cơ tiếp cận 2.537 USD/oz (MA200).