Không chỉ đe dọa áp thuế lên hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU), ông Donald Trump còn khiến châu Âu lo ngại với mức thuế khổng lồ nhắm vào Trung Quốc.
EU có thể phải đối mặt với những hậu quả từ cuộc chiến thương mại cận kề giữa Mỹ và Trung Quốc. Một làn sóng hàng xuất khẩu từ Trung Quốc có thể tràn sang châu Âu, hệ quả từ các mức thuế mà Mỹ đe dọa áp dụng.
Theo các chuyên gia, điều này sẽ tạo áp lực buộc EU phải tìm cách bảo vệ mình, thông qua các thỏa thuận phòng vệ nhằm kiểm soát làn sóng hàng hóa chuyển dịch từ Trung Quốc.
Ông Trump đã cam kết áp thuế từ 10-20% với tất cả hàng nhập khẩu, đặc biệt là mức thuế trừng phạt 60% đối với Trung Quốc. Ông cũng cảnh báo sẽ tăng thuế quan thêm 10% nếu Bắc Kinh không kiểm soát được dòng fentanyl vào Mỹ. Chưa dừng lại, ông còn đe dọa áp thuế 100% lên Trung Quốc và các nước BRICS nếu họ từ bỏ sử dụng đồng USD.
“Vấn đề lớn nhất không phải là NATO hay Ukraine, mà là sự chuyển hướng hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc, lẽ ra vào Mỹ, nhưng giờ sẽ tràn sang châu Âu. Điều này có thể đẩy nhiều ngành công nghiệp vốn đang mong manh vào nguy cơ phá sản, làm tăng nguy cơ phi công nghiệp hóa, và thúc đẩy sự gia tăng của các đảng dân túy, thường với các quan điểm cực đoan,” Anthony Gardner, cựu Đại sứ Mỹ tại EU, nhận định.
Một nhà ngoại giao EU giấu tên nói với tờ Politico: “Không thể chỉ nhìn vào tác động trực tiếp của thuế quan Mỹ lên hàng hóa EU. Hiệu ứng lan tỏa từ dòng chảy thương mại thay đổi do thuế Mỹ áp lên Trung Quốc có thể đến nhanh hơn dự đoán.”
Dù lo ngại là có cơ sở, các nghiên cứu cho thấy châu Âu có thể ít bị ảnh hưởng hơn các khu vực khác. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, GDP của EU dự kiến giảm 0,14% trong năm đầu tiên của cuộc chiến thương mại, và 0,2% về dài hạn — thấp hơn đáng kể so với Mỹ và Trung Quốc.
Tuy vậy, EU vẫn phải đối mặt với áp lực kép: vừa xoa dịu Washington, vừa duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Điều chỉnh phản ứng trước tình hình này sẽ không dễ dàng, đặc biệt khi các chính sách của chính quyền Trump có thể thay đổi.
Trong nhiệm kỳ đầu, EU đã áp mức thuế 35% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc để đối phó với trợ cấp Nhà nước của nước này. Trong khi đó, Mỹ dưới thời ông Biden áp mức thuế tới 100%.
Keith Rockwell, cựu phát ngôn viên WTO, nhận xét: “Việc hàng hóa Trung Quốc chuyển hướng vào EU có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Brussels và Washington. Chính quyền Trump sẽ kỳ vọng EU áp dụng các biện pháp cứng rắn tương tự Mỹ để đối phó với chính sách kinh tế của Trung Quốc.”
Trong quá khứ, EU và Mỹ từng hợp tác đối phó với tình trạng dư thừa thép của Trung Quốc, nhưng cách tiếp cận vẫn có khác biệt lớn. Mỹ từng đề xuất một liên minh kim loại xanh áp thuế bảo vệ lên thép và nhôm Trung Quốc, nhưng EU lo ngại vi phạm quy tắc thương mại quốc tế.
Với sự trở lại của ông Trump, các mức thuế trả đũa từ phía EU dự kiến sẽ tái hiệu lực vào tháng 3/2025, chỉ vài tuần sau lễ nhậm chức của ông. Điều này cho thấy, mặc dù EU có thể xích lại gần hơn với Mỹ về vấn đề Trung Quốc, nhưng họ sẽ chọn cách tiếp cận khác, dựa trên các công cụ phòng vệ thương mại đã thiết lập, thay vì hành động mang tính đối đầu như Washington.