Với số lượng hơn 500 tàu du lịch Hạ Long, trong đó có gần 200 tàu ngủ đêm và hơn 300 tàu tham quan theo giờ. Hiện nay, trung bình để đóng mỗi con tàu doanh nghiệp phải bỏ ra từ 50 tỷ -100 tỷ.
>>Du lịch Quảng Ninh thích ứng ra sao trong tình hình mới?
Chủ của hơn 500 tàu du lịch Hạ Long vừa khấp khởi vui mừng vì từ 15/3, Việt Nam sẽ mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa trong điều kiện bình thường mới, nhưng vẫn thường trực những âu lo…
Với số lượng hơn 500 tàu du lịch Hạ Long, trong đó có gần 200 tàu ngủ đêm và hơn 300 tàu tham quan theo giờ. Hiện nay, trung bình để đóng mỗi con tàu doanh nghiệp phải bỏ ra từ 50 tỷ -100 tỷ. Sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, hàng loạt chủ tàu đang đứng trước bờ vực phá sản.
Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, số ca nhiễm không ngừng tăng lên ở các tỉnh thành. Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã từng nhiều lần cho phép đón khách trở lại nhưng số lượng tàu du lịch xuất bến, phục vụ du khách vẫn khá thưa thớt vì lượng khách nhỏ giọt, phập phù. Tâm lý của các chủ tàu du lịch bây giờ đan xen vui- buồn - lo lắng lẫn lộn.
Các chủ tàu vui vì khách du lịch quốc tế đã được phép đến thăm vịnh Hạ Long, đây là nguồn khách chính quan trọng mang lại nguồn thu cho đội tàu du lịch Hạ Long. Chúng tôi vui vì hàng chục con tàu đóng mới nhiều tỉ đồng có cơ hội sẽ được hạ thủy đón khách trở lại.
>>Du lịch Quảng Ninh: Bao giờ cho đến... ngày xưa?
>>Quảng Ninh: Ngành du lịch “tự cứu mình” bằng xây dựng tour du lịch an toàn
Nhưng điều lo lắng của các chủ tàu du lịch là không biết liệu số lượng khách đến với vịnh Hạ Long sẽ như thế nào, liệu có phập phù như trước để rồi thu không đủ chi. Để đưa tàu vào hoạt động trở lại cần phải chi phí rất nhiều, từ việc cho lên đà để sửa sang lại con tàu sau bao ngày đắp chiếu, hoàn thiện các thủ tục đăng kiểm lại tàu, tìm nguồn nhân sự… đến việc trả lương cho công nhân viên, chưa kể những món nợ ngân hàng ngày càng phình to... Mỗi tàu ngủ đêm cần ít nhất 15 đến 50 nhân viên phục vụ. Có doanh nghiệp, mỗi tháng phải chi ít nhất 500 triệu để duy trì hệ thống.
Đặc biệt, đa số các chủ tàu du lịch Hạ Long đều vay thế chấp ngân hàng với cơ cấu nguồn vốn vay thường chiếm đến 70% vốn đầu tư cho các dự án. Các tàu đóng mới cũng vậy, thậm chí họ không còn vay được tiền để đầu tư tiếp. Hiện nay, chính sách hỗ trợ giãn nợ chỉ áp dụng từ 3 – 12 tháng, khiến doanh nghiệp chưa đủ khoảng thời gian để khôi phục hoạt động cũng như chưa có nguồn thu để trả gốc và lãi vay. Hơn nữa, chính sách hỗ trợ yêu cầu dồn các kì giãn nợ vào một kỳ cuối thì càng gây khó cho doanh nghiệp, vì khi đó chắc chắn doanh nghiệp không đủ nguồn để trả tất cả nợ gốc cùng lãi vay. Nếu như đầu tư 1 khách sạn, dịch bệnh kéo đến, ông chủ chỉ cần đóng cửa, tắt điện và thuê bảo vệ. Nhưng đầu tư 1 con tàu du lịch thì không phải vậy.
Hàng loạt các khoản phí vẫn phải chi cho 1 con tàu nằm bờ, trong đó gánh nặng lớn nhất là các chi phí buộc phải chi dù tàu không hoạt động như lương cho bộ phận Thuyền trưởng máy trưởng trông coi và bảo dưỡng tàu, chi nhiên liệu để vận hành tại chỗ hàng ngày đảm bảo tàu được an toàn khi con nước lên xuống, mưa gió và nhất là mùa giông bão… và canh cánh vẫn là nỗi lo để trả tiền gốc lãi vay đóng tàu của ngân hàng.
Đại diện cho các chủ tàu du lịch, Chi hội tàu du lịch Hạ Long đã làm việc với các sở, ngành, đơn vị liên quan thậm chí gửi đơn lên cả Thủ tướng nhưng vẫn chưa có kết quả khả quan. Chi hội Tàu du lịch Hạ Long một lần nữa vô cùng mong muốn có các chính sách căn cơ và thực sự thiết thực hơn nữa để duy trì sự tồn tại của ngành kinh doanh dịch vụ đặc thù này, đồng thời cũng xin đề xuất ban hành chính sách giãn thời gian, tiến độ trả nợ gốc và lãi vay đối với các dự án vay đóng tàu du lịch, thời gian đề xuất giãn từ 10 -15 năm kể từ ngày Tổ chức Y tế thế giới hoặc Thủ tướng công bố hết dịch. Chúng tôi mong muốn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng vào cuộc để cứu lấy các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch Hạ Long.
Có thể bạn quan tâm