Masan, FPT hay Thế Giới Di Động đều có chuỗi phân phối, có sẵn công nghệ, đặc biệt là họ đã có sẵn phần mềm quản lý nhà thuốc đang bán rộng rãi cho các nhà thuốc trên thị trường.
>>Mở rộng chuỗi nhà thuốc, MWG có tránh được “vết xe đổ” của Bách Hóa Xanh?
FPT với thương hiệu nhà thuốc Long Châu vẫn đang tiếp tục mở rộng. Nếu tính đến thời điểm cuối năm 2021, Long Châu có 400 nhà thuốc, thì đến hiện tại tháng 7/2022, thương hiệu này có đến hơn 700 nhà thuốc phủ rộng khắp 63 tỉnh thành và trở thành nhà thuốc có độ phủ lớn nhất cho đến thời điểm này.
Theo đại diện từ chuỗi Long Châu, họ đang áp dụng chiến lược cạnh tranh về giá, nhất là ở địa phương. Hay nói cách khác, giá thuốc của Long Châu không thống nhất trên toàn hệ thống mà sẽ bán rẻ hơn tại các tỉnh thành có thu nhập thấp hơn.
Long Châu cũng là nhà thuốc duy nhất ghi nhận lãi ròng vào cuối năm 2021, với doanh thu 2021 là 3.977 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là gần 5 tỷ đồng.
Không chịu kém cạnh, thương hiệu An Khang của Thế Giới Di Động cũng có hơn 500 cửa hàng. Trong thông báo của mình, từ đầu năm 2022, TGDĐ sẽ đẩy mạnh mở rộng An Khang để phát triển độc lập (trước đó An Khang thường được tích hợp vào Bách Hóa Xanh).
Mặc dù quý 3/2021, An Khang lỗ thêm 3,8 tỷ đồng và chưa đạt mức hòa vốn, thế nhưng dữ liệu quý 1/2022 cho thấy doanh thu An Khang tăng gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu của họ là sẽ có những đồng lời đầu tiên vào cuối năm.
Ngoài FPT và Thế Giới Di Động, Masan dự kiến cũng là một đối thủ khá đáng gờm trong thị trường nhà thuốc. Đầu tháng 7/2022, Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Winphar có 80% vốn thuộc WinCommerce đổi tên thành Công ty cổ phần Dr. Win. Và thương hiệu nhà thuốc của Masan cũng là Dr.Win.
Theo thông tin đăng tải từ một nhóm chuyên về tuyển dụng ngành dược hơn 100.000 thành viên, Dr. Win bắt đầu tuyển dụng từ ngày 10/7. Công ty chỉ tuyển ở khu vực Hà Nội nhưng bao phủ tất cả các quận.
Hiện tại một số cửa hàng WinMart đang trong quá trình thay đổi giao diện và tích hợp cả kios của Dr.Win. Nếu chiến lược này được nhanh chóng triển khai, thì danh hiệu “chuỗi nhà thuốc lớn tại Việt Nam” sẽ nhanh chóng thuộc về Masan bởi số cửa hàng Winmart trên toàn quốc đã lên đến hơn 3.000 cửa hàng.
>>Masan và cuộc đua chuỗi nhà thuốc
Việc ngành dược thu hút được sự chú ý của các ông lớn không có gì lạ. Bởi vì sau đợt dịch, ngành dược có bước phát triển tốt, khách hàng không chỉ có nhu cầu mua thuốc chữa bệnh, mà còn có nhu cầu về thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ.
Ngoài ra, hiện tại theo thống kê, mặc dù trên cả nước số nhà thuốc nhỏ lẻ là 57.000, lớn hơn rất nhiều so với “chuỗi cửa hàng”, thế nhưng thị phần chỉ khoảng 1,6 tỷ USD trên tổng quy mô 5,3 tỷ USD của thị trường dược phẩm Việt Nam. Tức là các ông lớn còn rất nhiều không gian để khai thác.
Bên cạnh đó, họ cũng là những gã khổng lồ có lợi thế lớn về chuỗi phân phối (chẳng hạn Masan có Winmart, TGDĐ có BXH) và cả công nghệ, cũng như kinh nghiệm đầy mình về bán lẻ. Họ sẽ có cơ sở để chiếm lĩnh lĩnh vực này.
Có thể bạn quan tâm