Ngành nông nghiệp và các đối tác của Liên minh châu Âu (EU) sẽ ngày càng khó khăn khi đáp ứng các yêu cầu mới của EU trong bối cảnh liên minh này đang nỗ lực theo đuổi phát triển bền vững.
Ông John Clarke, người từng đứng đầu về đàm phán thương mại nông nghiệp của EU, nhận định rằng, bất chấp nguy cơ gây tổn hại một số quan hệ thương mại truyền thống, Brussels cũng sẽ không lùi bước khỏi chương trình nghị sự xanh của mình. Hệ quả kéo theo đó là một loạt các quy định mới đè nặng lên chính người nông dân của khối cũng như các đối tác.
>>Châu Âu "đau đầu" vì cái giá phải trả cho chuyển đổi xanh
Đánh giá trên của ông Clarke được đưa ra sau khi các cuộc đàm phán thương mại giữa EU với Australia – cường quốc xuất khẩu thịt bò, thịt cừu và đường - đã sụp đổ khi Brussels từ chối nhượng bộ trước yêu cầu của Canberra về một thỏa thuận tốt hơn cho lĩnh vực nông nghiệp của nước này.
Thời gian qua, vướng mắc về việc thúc đẩy nâng cao các tiêu chuẩn về môi trường và khí hậu của EU – những điểm mà EU cũng muốn các đối tác có giao dịch với khối thực hiện - đã khiến các chính phủ trên thế giới khó chịu. Nhiều nước đã cáo buộc EU lấy sự bền vững làm cái cớ để dựng lên các rào cản thương mại chống lại họ, theo Politico.
Các nhà phân tích dự báo các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai có thể sẽ đi kèm với nhiều ràng buộc hơn khi EU thúc đẩy chương trình nghị sự về Thỏa thuận Xanh hàng đầu của mình, bất chấp đã có một số trở ngại trong việc thông qua gần đây.
Cựu quan chức EU nói rằng nông dân châu Âu là nạn nhân đầu tiên của quá trình này. Vấn đề là các quan chức châu Âu phải đánh đổi giữa lợi ích ngắn hạn của một bộ phận nông dân với tầm nhìn dài hạn khi chứng kiến các tác động khủng khiếp của biến đổi khí hậu.
Chương trình nghị sự của Thỏa thuận Xanh “thách thức và tốn kém đối với một số lĩnh vực nông nghiệp, nhưng thực sự không có giải pháp thay thế nào vì biến đổi khí hậu đang gây ra rất nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp”, ông Clarke cho biết và nói thêm: “Sẽ có sự phản đối nhưng không thể quay đầu lại”.
>>Siết chặt công nghệ là "con dao hai lưỡi" với châu Âu
Năm qua, khi chứng kiến lũ lụt, hạn hán và siêu bão ngày càng tàn phá mùa màng và đất đai, EU thậm chí còn không còn đủ tiền trợ cấp thích hợp để giúp đỡ nông dân trong những trường hợp khẩn cấp. Bởi vậy, giới nông dân có lý để tức giận trước các quy định mới về phát triển xanh.
Dù vậy, trong tương lai, vị chuyên gia này cho rằng Thỏa thuận Xanh có thể đem lại lợi ích cho họ. “Có thể trong vài năm tới, sẽ có nhiều tài trợ hơn để hỗ trợ Thỏa thuận xanh và giảm thiểu khí hậu,” ông Clarke nói, “hoặc ít nhất sẽ có sự phân bổ lại số tiền hiện có” trong ngân sách nông nghiệp chung của EU. Khi đó, nó sẽ giúp duy trì khả năng cạnh tranh về mức năng suất bằng cách giảm thiểu tác động của khí hậu.
Mặc dù tiến trình về Thỏa thuận xanh đang chậm lại, ông Clarke bác bỏ quan điểm cho rằng các cuộc đàm phán thương mại đang đóng một vai trò trong việc thu hẹp quy mô cải cách, chẳng hạn như việc xem xét lại các tiêu chuẩn của khối về đối xử với động vật trang trại.
Tuy nhiên, các báo cáo gần đây cho thấy rằng các cuộc đàm phán thương mại bế tắc với khối MERCOSUR ở Nam Mỹ có thể là “cú sốc” đối với gói phúc lợi động vật. Quan điểm rộng khắp là việc đòi hỏi các tiêu chuẩn phúc lợi động vật cao hơn, chẳng hạn như hệ thống không có chuồng cho động vật được nuôi trong trang trại hoặc lệnh cấm cắt xén, là không thể chấp nhận được đối với các đối tác thương mại của EU.
“Lý do chính là chương trình nghị sự lập pháp (trong vấn đề này) quá nặng nề”, ông Clarke cho biết.
Không chỉ gây khó cho các đối tác, những quy định mới của EU dường như cũng là rào cản cho chính nông dân trong khu vực. Cựu quan chức thương mại cho rằng nông dân đã “phải thực hiện tất cả các loại luật về môi trường và khí hậu… điều này sẽ là quá nhiều”.
Các nhóm chăn nuôi EU cũng đã nêu lên quan ngại rằng việc nâng cao tiêu chuẩn phúc lợi động vật sẽ khiến ngành này kém cạnh tranh hơn so với các nước thứ ba và các đối tác thương mại.
Mặc dù có thể thu hẹp vấn đề loại bỏ chuồng cho gia súc gia cầm, Ủy ban châu Âu vẫn có kế hoạch đề xuất cải cách việc vận chuyển động vật sống vào tháng tới, Politico cho biết. Một số nhà lập pháp và tổ chức phi chính phủ đã yêu cầu cấm nhập khẩu các động vật sống đi qua các nước thứ ba do hành trình kéo dài, cũng như EU không có khả năng đảm bảo phúc lợi cho chúng bên ngoài biên giới.
Tuy nhiên, chuyên gia này đánh giá việc này sẽ không được thực hiện trong một sớm một chiều. "Những quy định bền vững mới khi được đẩy mạnh quá mức có nguy cơ làm suy yếu nông dân và nhà sản xuất, khiến giảm bớt “thu nhập và sinh kế ở những khu vực vốn đã có dân số nông thôn giảm mạnh”, ông John Clarke nói.
Có thể bạn quan tâm
Bài học kinh tế nông nghiệp Trung Quốc
02:30, 14/05/2023
Việt Nam - Hà Lan thúc đẩy nông nghiệp và chống biến đổi khí hậu
00:00, 03/04/2023
Chiến sự Nga- Ukraine: Tư bản nông nghiệp trỗi dậy
05:00, 02/08/2022
Kinh tế Đức suy giảm, "báo động đỏ" cho châu Âu
03:30, 01/11/2023
Xung đột Israel - Hamas: Châu Âu run rẩy vì "vàng đen"
04:30, 07/11/2023