Nông nghiệp thông minh trong kỷ nguyên kinh tế số

THY HẰNG 01/12/2018 11:37

“Chúng ta vận hành một nền nông nghiệp thông minh trong kỷ nguyên kinh tế số chắc chắn sẽ cần nhiều mô hình nông nghiệp mới, tư duy sáng kiến mới, đó là một thách thức lớn”.

Ngày 27/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng chia sẻ: “Tôi không muốn nêu thành tích quá nhiều, mà chủ yếu tôi muốn nói những bất cập, tồn tại để chúng ta khắc phục, làm sao tốt hơn trong thời gian tới”.

p/Chế biến rau xuất khẩu theo tiêu chuẩn VietGap tại HTX Phước An, TP HCM. Ảnh: Thành Trí

Chế biến rau xuất khẩu theo tiêu chuẩn VietGap tại HTX Phước An, TP HCM. Ảnh: Thành Trí

“Điểm nghẽn” phát triển thị trường hàng hoá

Những thách thức mà Thủ tướng nhắc đến càng đặc biệt cần chú trọng trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Có thể thấy, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW Hội nghị Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngành nông nghiệp đã đạt được những thành quả đột phá. Tuy nhiên, nhiều bất cập nội tại của ngành vẫn còn là câu chuyện chưa hồi kết. Theo đó, dù là nước xuất siêu sản phẩm nông sản trong nhiều năm qua, nhưng mức xuất siêu bình quân chỉ đạt 8 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2008-2017. Việt Nam cũng phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu của thế giới. Kim ngạch nhập khẩu tăng từ 10,27 tỷ US (năm 2008) lên 27,82 triệu USD (năm 2017). Đặc biệt, nông sản xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào một số thị trường chính, có nhiều rủi ro. Giai đoạn 2009 – 2017, nông sản xuất khẩu Việt Nam phụ thuộc nhiều vào một số thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ và EU.

Thậm chí, số liệu thống kê của Cục Sở hữu công nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, mới có khoảng 15% là của các doanh nghiệp trong nước.

Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển, Bộ NN&PTNT cũng chỉ ra: "Việt Nam hiện có đến hơn 80% hàng nông sản được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Do chưa có thương hiệu nên khi xuất khẩu ra các thị trường lớn, sức cạnh tranh của nhiều loại nông sản rất kém". Điều này là bất lợi lớn, làm giảm sức cạnh tranh của các loại nông sản trên thị trường, gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp.
Trao đổi với DĐDN, TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng đánh giá, doanh nghiệp trực tiếp sản xuất chế biến ngành nông nghiệp ít ỏi chỉ 1%. “Số doanh nghiệp chế biến còn ít, doanh nghiệp thương mại chưa nhiều khiến giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp còn thấp. Quan trọng hơn, doanh nghiệp đầu tư vào cung cấp vật tư giống, phân bón, công nghệ cho nông nghiệp còn rất thiếu. Bởi vậy mà mục tiêu thương mại hoá nông nghiệp còn…xa”, TS Đặng Kim Sơn nhấn mạnh.

Liên kết nông dân - doanh nghiệp

Để giải quyết vấn đề này, thu hút hơn nữa doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị cho nông sản, phát triển thị trường hàng hoá, TS Đặng Kim Sơn đề xuất, để phát triển thị trường, giải pháp ngắn hạn là thông tin thị trường, đây là vấn đề quan trọng nhất. Cần cơ quan chuyên trách hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân trong vấn đề thông tin thị trường. “Về dài hạn, mấu chốt là tổ chức nông dân lại với nhau, liên kết với nông dân bằng mô hình hợp tác xã. Toàn bộ phần đầu vào giao cho hộ nông dân, đầu ra giao cho hợp tác xã. Hợp tác xã sẽ đại diện cho người dân để liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Như vậy người nông dân có thể kiểm soát cả đầu vào và đầu ra của sản phẩm”, TS Sơn nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, giải pháp mấu chốt cho phát triển thị trường hàng hoá cho nông sản Việt là thu hút đầu tư vào ngành, tháo gỡ điểm nghẽn của doanh nghiệp.

Đây cũng là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Cụ thể Thủ tướng yêu cầu cần đề xuất thể chế pháp luật về đất đai, về sản xuất hàng hóa lớn, liên kết sản xuất kinh doanh, chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển mô hình sản xuất hiện đại, thông minh, chính sách tín dụng, công tác quy hoạch, bảo đảm sản xuất, tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh... “Muốn như vậy, chúng ta cần phải tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ nông nghiệp Việt Nam, tiếp tục xây dựng nông thôn mới ở mọi vùng miền Tổ quốc”, Thủ tướng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nông nghiệp thông minh trong kỷ nguyên kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO