Sáng 19/12, Tạp chí DĐDN phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn "Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050" tại Cần Thơ.
Trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao về việc sản xuất nông nghiệp xanh - sạch, ít phát thải của các nhà nhập khẩu "khó tính", bản thân nhà nông, doanh nghiệp Việt phải "nhanh tay" tiến tới nông nghiệp "Net Zero" nếu không muốn thụt lùi.
Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhấn mạnh, nông nghiệp cần và phải dựa trên 3 trụ cột với tâm và thế mới, đó là thể chế và tổ chức, khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực đủ sức gánh vác các nhiệm vụ mới. Trọng tâm là phục vụ phát triển một nền nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, giá trị gia tăng cao, đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới thịnh vượng và văn minh.
Thực tế, trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao về việc sản xuất nông nghiệp xanh - sạch, ít phát thải của các nhà nhập khẩu "khó tính", bản thân nhà nông, doanh nghiệp Việt phải "nhanh tay" tiến tới nông nghiệp "Net Zero" nếu không muốn thụt lùi.
Hơn thế nữa, theo thống kê, nền nông nghiệp hiện đang chịu tổn thương nặng nề từ biến đổi khí hậu, đồng thời là nguồn phát thải lớn thứ 2 sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. TS Trần Đại Nghĩa, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, phát thải nông nghiệp bao gồm khí CO2, metan, nitơ oxit, và xuất hiện ở nhiều giao đoạn và lĩnh vực, như trồng lúa, chăn nuôi, sử dụng phân bón,... Trong “Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam”, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, nông nghiệp là ngành có lượng phát thải khí nhà kính lớn thứ hai ở Việt Nam. Hơn 70% lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp là khí metan và nitơ oxit gây hại lớn.
Nắm bắt được thực trạng này và yêu cầu thay đổi, “resort bò sữa” của Vinamilk ra đời với mô hình trang trại sinh thái Green Farm - nơi đất đai được nghỉ 3 năm để thanh lọc, phục hồi dưỡng chất và trở về trạng thái tự nhiên nhất. “Nhờ vào nguồn tài nguyên quý giá - chất thải của đàn bò sữa 8.000 con sau khi được xử lý - đất đai được chăm sóc với phân bón hữu cơ, phương pháp canh tác luân canh, kết hợp với công nghệ từ Nhật Bản. 500ha cánh đồng mỗi năm 2 vụ bắp, lúa chuẩn hữu cơ châu Âu hiện nay là thành quả của quá trình đó”, ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc điều hành Sản xuất, trưởng dự án Net Zero Vinamilk cho biết.
Khẳng định tính cần thiết của các mô hình như vậy, GS, TS Dương Nguyên Khang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Khoa học Công nghệ, Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh nhận định, ngành Nông nghiệp không thể đứng ngoài hành trình thực hiện cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng bằng 0 - Net Zero.
“Nghiên cứu thực tế cho thấy, tiến tới nông nghiệp "Net Zero" là một hành trình đầy khó khăn và tốn kém. Theo ước tính gần đây của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần đến hàng trăm tỷ USD đầu tư cho hạ tầng, cho năng lượng và các hoạt động hướng đến đưa phát thải ròng về mức zero. Song không thể không làm, "hướng đến phát triển nông nghiệp tuần hoàn để giảm thải metal, hướng tới net zero metal vào năm 2050 là yêu cầu bắt buộc để tồn tại, để phát triển xuất khẩu", ông Khang nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia kinh tế, thực hiện nông nghiệp “Net Zero” giúp người sản xuất không chỉ tối ưu hóa tài nguyên, giảm phân bón, nước trong canh tác nông nghiệp... giảm chi phí "đầu vào" mà còn giúp cải thiện hiệu suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao về việc sản xuất nông nghiệp xanh - sạch, ít phát thải của các nhà nhập khẩu "khó tính", bản thân nhà nông, doanh nghiệp Việt phải "nhanh tay" tiến tới nông nghiệp "Net Zero" nếu không muốn thụt lùi.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, theo chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển đổi từ "tư duy sản xuất" sang "tư duy kinh tế", hướng tới những "giá trị xanh" được tạo nên từ chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh và kinh tế xanh.
Nhằm hướng tới mục tiêu Net Zero lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 là một hình mẫu trên thế giới về phát triển nông nghiệp carbon thấp và các địa phương đang chung tay thực hiện mục tiêu này.
Để chuyển đổi thành công, ông Pawalit Ua-Amornwanit, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, cho biết bằng việc thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị nông nghiệp, doanh nghiệp tập trung vào bốn trụ cột chính: giảm thiểu khí thải carbon, giảm thiểu dấu chân nước, giảm thiểu ô nhiễm nhựa và giảm thiểu chất thải.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp, chuyên gia cũng cho rằng, để thực hiện nông nghiệp “Net Zero”, ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp thì Nhà nước cần đóng vai trò dẫn dắt và trở thành “bệ đỡ” cho doanh nghiệp, người nông dân. Nói như ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững VCCI, xác định rõ nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững không chỉ là xu thế mà là yêu cầu bắt buộc.
Ngày 19/12/2024, VCCI, UBND TP Cần Thơ chỉ đạo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn “Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050” tại Cần Thơ.