Trong khi việc mua bán đất đấu giá tại huyện Hoài Đức, Thanh Oai phải tạm ngưng để phục vụ công tác kiểm tra, cuộc đấu giá đất ngày 29/8 tại huyện Phúc Thọ lại tiếp tục tái diễn tình trạng sang tay, "lướt sóng" ngay khi có quyết định trúng đấu giá.
Cụ thể, UBND huyện Phúc Thọ, Hà Nội vừa tổ chức đấu giá đất thành công 30 lô đất thuộc khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc và 9 thửa đất khu Đồng Phươm, xã Thọ Lộc. Diện tích mỗi thửa đất tại khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc từ 96 đến gần 149m2, với mức giá khởi điểm 23,4 triệu đồng/m2. Diện tích mỗi thửa đất tại khu Đồng Phươm, xã Thọ Lộc gần 235m2, với mức giá khởi điểm 19,8 triệu đồng/m2.
Phiên đấu giá đã thu hút hơn 370 nhà đầu tư và có hơn 650 bộ hồ sơ đăng ký đấu giá 39 lô đất tại khu Dộc Tranh và khu Đồng Phươm. Kết thúc phiên đấu giá đất, lô đất có giá trúng cao nhất lên tới 60 triệu đồng/m2, gấp 2,6 lần mức khởi điểm.
Đáng chú ý, ngay sau khi có quyết định trúng đấu giá, nhiều nhà đầu tư đã "sang tay", chốt lời vài trăm triệu/lô.
Trong đó, nhà đầu tư Vương Đắc Huynh trúng đấu giá lô đất ký hiệu ĐG15 có diện tích 96m2 với giá 38,6 triệu đồng/m2 đã sang tay để ăn chênh 300 triệu đồng. Hay một nhóm nhà đầu tư cũng cho biết đã trúng 12 lô đất và sang tay cho khách được 8 lô.
Tại khu đất đấu giá Dộc Tranh, việc mua đi bán lại cũng diễn ra vô cùng sôi nổi. Các lô đất trúng đấu giá được các nhóm đầu cơ ra giá chênh từ 100 - 600 triệu đồng/m2. Ngay cả lô đất được trả giá cao nhất cũng được bán chênh 300 triệu đồng.
Trước đó, tình trạng này cũng được phản ánh đã diễn ra tại huyện Thanh Oai, Hoài Đức sau 2 phiên đấu giá trong tháng 8. Sau các phiên đấu giá, nhiều người lập tức chào bán với mức giá chênh từ 200 đến 800 triệu đồng/lô. Các biển chào bán chênh được cắm tràn lan gần khu đấu giá và xuất hiện nhiều trên các trang tin rao bán bất động sản.
Tuy nhiên, thông tin từ Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức, theo quy định các ô đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì chưa đủ điều kiện để giao dịch.
Theo quy định của Luật Đất đai, người trúng đấu giá quyền sử dụng đất, hoàn thành nghĩa vụ tài chính và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì mới có thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất trúng đấu giá cho người khác. Vì vậy, đối với đất trúng đấu giá nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không được chuyển nhượng trên thực tế.
Theo các chuyên gia, thông thường trong các phiên đấu giá sẽ có một nhóm người có móc nối với nhau, họ thông đồng, om hồ sơ, dìm hoặc nâng giá để làm sai lệch kết quả đấu giá nhằm mục đích bán lại với giá cao hơn.
Tình trạng này vốn đã xảy ra từ rất lâu, trong nhiều phiên đấu giá khác nhau. Đây là điều khó tránh vì đa phần những người tham gia đấu giá đều có chung mục đích, mua rẻ bán lời. Người tham gia đấu giá đất phục vụ cho nhu cầu ở thực thì lại rất ít do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Tuy vậy, theo TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, việc mua bán sang tay đất đấu giá đã tạo ra thị trường sơ cấp, thứ cấp liên quan đến đất đấu giá. Quan trọng phải kiểm soát các nguồn thuế từ lợi nhuận của các hoạt động mua đi bán lại đất đấu giá để tránh thất thu, thất thoát.
Bên cạnh đó, để tránh “sập bẫy”, người dân nên trang bị cho mình những thông tin về quy hoạch và tiềm năng khai thác của khu đất định mua, sau đó xem xét kỹ lưỡng, không nên hám lợi hoặc tâm lý đám đông để đầu tư nhanh mà cần tìm một công ty môi giới uy tín để hỏi thông tin.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng việc tạo sóng ảo đầu cơ và thổi giá quá đông có thể khiến cho các khu đất này rất lâu mới có thể sang nhượng lại cho những người có nhu cầu thật, thậm chí phải tổ chức đấu giá lại nếu xuất hiện tình trạng bỏ cọc. Việc này khiến không ít nhà đầu tư bị chôn vốn, tạo ra các khu đất bỏ hoang, ảnh hưởng xấu tới tiến trình phục hồi của thị trường bất động sản.