Nữ Doanh nhân nghệ nhân Bùi Thị Hý: Đưa sản phẩm tinh hoa dân tộc Việt chinh phục thế giới

LÊ LIÊN 13/02/2022 03:00

Với bàn tay tài hoa và tư duy kinh tế nhạy bén, bà Bùi Thị Hý (1420-1499) - một nữ doanh nhân kiệt xuất ở thế kỷ XV đã góp công lớn trong sự hình thành và phát triển của nghề gốm Chu Đậu.

>>>Cụ Hoàng Thị Minh Hồ: Tấm gương nhà tư sản phụng sự tổ quốc

Bà cũng là người đưa dòng gốm này rạng danh khắp nơi trên thế giới.

T hái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút (Dịch là: Năm Thái Hòa thứ 8 (1450), tại châu Nam Sách, nghệ nhân Bùi Thị Hý viết/vẽ/tạo) - 13 chữ Hán trên chiếc bình gốm Chu Đậu ở Bảo tàng Topkapi Saray Istanbul là khởi nguồn để tìm về một dòng gốm nổi danh của người Việt.

RẠNG DANH PHỤ NỮ VIỆT

Bà Bùi Thị Hý sinh năm 1420, ở trang Quang Ánh, châu Nam Sách, nay là thôn Quang Tiền, xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Bà là con gái của cụ Bùi Đình Nghĩa và là cháu nội của cụ Bùi Quốc Hưng, một danh tướng khai quốc công thần đời Lê.

Gia phả họ Bùi cũng như những câu chuyện truyền đời cho biết, bà Bùi Thị Hý vốn thông minh, có biệt tài viết chữ và vẽ rất đẹp. Bà từng giả trai đi thi khoa bảng. Thi đến tam trường thì bà bị phát hiện thân phận, do là cháu danh tướng Bùi Quốc Hưng nên không bị truy cứu. Nếu như thi qua trường ba không bị phát giác, bà có thể đỗ Tiến sĩ trước Nguyễn Thị Duệ gần hai thế kỷ.

Kể từ đó bà thường chu du danh lam cổ tích. Trong một lần dự hội Kiếp Bạc, bà gặp ông Đặng Sĩ, một đại gia gốm Chu trang (Chu Đậu), duyên may đó thành vợ chồng. Kế từ đó, hai vợ chồng chung sức, sản xuất gốm mỹ nghệ, phục vụ đồ ngự dụng cho Hoàng triều, xuất khẩu sang Bắc quốc, Nhật quốc và phương Tây (theo gia phả và bia mộ chí).

Nhận thấy việc buôn bán đồ gốm ra nước ngoài mang lại nhiều lợi nhuận, bà Bùi Thị Hý đã tiếp thu ngôn ngữ quốc tế và bắt đầu hành trình giao thương ra biển lớn. Mang hết tài trí và năng khiếu hội họa của mình, bà Bùi Thị Hý đã tạo ra những sản phẩm gốm sứ đạt tới độ tinh hoa, đưa làng gốm Chu Đậu vang danh nức tiếng một thời. Tài liệu gia phả của dòng họ Bùi có viết về bà như sau: “Tam phiên vi chủ thương đoàn cập quốc ngoại hoán giao, đặc phẩm”, nghĩa là ba lần bà đi đến các nước để bán những sản phẩm đặc sắc do chính tay mình làm ra.
Trong một lần đi biển, Đằng Sĩ và thương nô gặp nạn, hy sinh. Kể từ đó, bà trực tiếp chỉ huy các thương thuyền, buôn bán với các nước nhưng thương phẩm gốm mỹ nghệ và vải lụa cùng hương liệu, từng chơi thân với nữ thương nhân thuộc gia đình nhà hàng hải quốc tế nổi tiếng đầu thế kỷ XV là Trịnh Hòa.

Di vật bất ly thân của bà trong các lần đi biển là chiếu la bàn ghi tên bà: (Châm bàn chu hải khứ-Bùi Thị Hý), tức La bàn của thuyền đi biển của Bùi Thị Hý. Đây là di vật quý hiếm của Việt Nam cũng như thế giới ở thế kỷ XV, tức là thời điểm trước cả khi nhà hàng hải Christopher Columbus tìm đường sang châu Mỹ năm 1493. Sau đó bà tái giá với Đặng Phúc cũng là một đại gia của gốm Chu trang và sống với ông đến cuối đời.

Ở thế kỷ XV, có một nhà hàng hải nổi tiếng là nam giới đã hiếm, đây lại là phụ nữ, thật là nữ nhân kỳ tài như mộ chí đã ghi.

  • Triết lý quản trị "ngược đời" của tỷ phú Inamori Kazuo
  • "Ông trùm" thạch rau câu Long Hải: Lấy sự khác biệt để vô hiệu hóa sự cạnh tranh

Sự nghiệp hanh thông, nhưng cuộc đời riêng của bà Bùi Thị Hý không mấy may mắn, hạnh phúc. Bà trải qua 2 đời chồng nhưng không có con. Tất cả sản nghiệp có được, bà dùng để xây chùa và các công trình phúc lợi cho vùng Chu Đậu và quê hương của bà. Hiện nay, vẫn còn có tấm bia tại một ngôi chùa ở làng Chu Đậu ghi rõ ngôi chùa do bà Bùi Thị Hý bỏ công đức ra xây.

Từ gia phả cổ của dòng họ Bùi tại Quang Ánh, các nhà khảo cổ đã tìm được mộ của bà Bùi Thị Hý. Trong đó có bức tượng con nghê lưu lại bút tích của bà cũng như viên gạch có khắc tượng bà với dòng chữ Hán: “Cổ tượng hình tổ cô, hiệu Vọng Nguyệt, nguyên thị chủ thập dư trang phường đào từ bình. Đại loạn hóa tượng họa lại truyền hậu dã” (Dịch nghĩa: Hình tượng cổ tổ cô tên hiệu là Vọng Nguyệt, nguyên là chủ trên 10 trang phường gốm. Do đại loạn tượng phải hủy đi mất vẽ lại để truyền cho đời sau).

NGƯỜI SÁNG TẠO TINH HOA

Nghệ nhân Bùi Thị Hý là người có óc sáng tạo và kỹ thuật vẽ điêu luyện bậc nhất gốm Chu Đậu. Gốm Chu Đậu dưới bàn tay tài hoa của bà đã đạt đến trình độ tuyệt mỹ: đẹp về dáng, sáng về men, hoa văn trang trí tinh xảo.

Hơn cả một nghệ nhân, bà Bùi Thị Hý còn là một nghệ sĩ, người sáng tạo hàng vạn mẫu gốm mỹ nghệ xuất khẩu cho tập đoàn gốm Chu Đậu đương thời mà di vật còn đến ngày nay làm cả thế giới khâm phục, có di vật trở thành bảo vật Quốc gia được bảo hiểm hàng triệu đô la mỹ.

Đặc điểm nổi bật của gốm Chu Đậu là men trắng trong với hoa văn màu xanh (men trắng chàm) và men trắng trong với hoa văn ba màu vàng, đỏ nâu, xanh lục (men tam thái) cùng kiểu dáng, họa tiết hoa văn thể hiện bản sắc văn hóa thuần Việt. Các sản phẩm gốm Chu Đậu chứa đựng tâm hồn, phong cách của con người Việt Nam; thể hiện tinh thần từ bi, bác ái của đạo Phật với những hoa văn tòa sen, cánh sen, linh vật … Mỗi sản phẩm đều chứa đựng thông điệp nhiều ý nghĩa, mong muốn của người nghệ nhân cho cuộc sống hạnh phúc và thành đạt.

Những phương pháp và kỹ thuật chế tác của người thợ Chu Đậu xưa đã đạt tới trình độ cao. Theo đó, bí quyết để có những sản phẩm tinh xảo chính là kỹ thuật vẽ dưới men, sau đó đem nung trong lò và phủ men tam thái lên trên, rồi lại nung nhẹ để giữ màu. Bởi thế, trải qua bao thế kỷ, dù bị chôn dưới đất hay nằm dưới đáy biển vài trăm năm, sản phẩm gốm Chu Đậu vẫn giữ nguyên được kiểu dáng, màu sắc.

Bà tự tay vẽ những mẫu gốm mà nay cũng nhiều tác phẩm ghi tên bà, tiêu biểu là bình gốm hoa lam lưu ở Thổ Nhĩ Kỳ. Bình Hoa lam mang dáng tròn tượng trưng cho trời, hình trụ thẳng mang dáng trực tượng trưng cho người quang minh chính đại là trụ cột trong gia đình và xã hội. Lai lịch gốm Chu Đậu được tìm thấy từ bút ký lưu trên bình phát hiện năm 1980 tại Viện bảo tàng Topaki Sarray, Istabul, Thổ Nhĩ Kỳ. Đây cũng là bằng chứng đầu tiên trong hành trình tìm ra bà tổ nghề gốm sứ Chu Đậu. Và cũng chính từ chiếc bình đó, nguồn gốc gốm Chu Đậu sau nhiều cơ duyên đã được tìm ra, bắt đầu thời kỳ phục hưng của dòng gốm danh giá này.

Hay con nghê bằng đất nung tại khu là gốm cổ được tìm thấy năm 2007 có chữ, ghi những thông tin quan trọng về bà Bùi Thị Hý. Đó là 2 dòng chữ Hán, viết trên một mặt phẳng phía đuôi con nghê trước khi nung: Quang Thuận nhất niên, Quang Ánh trang, Bùi Thị Hý tạo, có nghĩa là Tác phẩm cho Bùi Thị Hý tạo, tại trang Quang Ánh, vào năm Quang Thuận thứ nhất (1460).

Chỉ có 11 chữ mà cho ta thấy đầy đủ những thông tin quan trọng của một cổ vật: Tác giả, địa điểm và thời gian sản xuất. Di vật này có giá trị khẳng định tác giả bình gốm ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng ta biết rằng, đồ gốm có niên đại, tác giả, địa điểm sản xuất ở thế kỷ XV là vô cùng hiếm, mà tác giả là một phụ nữ lại càng hiếm.

Gốm Chu Đậu đã theo chân những thương thuyền của người Việt đến với nhiều quốc gia trên thế giới - đến nay còn nhiều vạn cổ vật quý giá đang được lưu giữ ở khắp các châu lục, có mặt ở 46 bảo tàng danh tiếng trên thế giới từ châu Á sang châu Âu.

Sau hàng loạt những phát hiện Gốm
cổ Chu Đậu được trục vớt từ những con tàu đắm ở dưới đáy biển Việt Nam (Cù Lao Chàm, Hòn Dầm, Hòn Cau, Bình Thuận và Cà Mau), dòng gốm này làm bàng hoàng cả giới sưu tầm, nghiên cứu gốm sứ toàn cầu.

Có thể nói, bà Bùi Thị Hý chính là người góp công lớn trong sự hình thành và phát triển của nghề gốm Chu Đậu, đưa dòng gốm này rạng danh khắp nơi trên thế giới. Bà Bùi Thị Hý đã tạo ra những di sản to lớn để thế hệ doanh nhân Việt tiếp tục phát triển dòng gốm cổ hàng trăm năm tuổi.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, gốm Chu Đậu xứng đáng là một báu vật của quốc gia và là niềm tự hào của người Việt Nam. Còn bà được tôn làm Bà tổ làng gốm Chu Đậu và được thờ ngay tại vùng đất Chu Đậu, Nam Sách hiện nay.

Câu chuyện gần 6 thế kỷ trước về bà tổ nghề Gốm Chu Đậu, bà Bùi Thị Hý vượt trên những định kiến của xã hội phong kiến để đưa văn hóa Việt tỏa sáng khắp năm châu đã từ lâu trở thành ngọn lửa truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ doanh nhân nữ sau này.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, gốm sứ Chu Đậu xứng đáng là một báu vật của quốc gia. Năm 2001, Tổng công ty Thương mại Hà Nội - Công ty cổ phần (Hapro), thành viên của Tập đoàn BRG, đã quyết định thành lập Công ty CP gốm Chu Đậu với sứ mệnh phục hưng dòng gốm cổ này. Với tâm huyết của mình, Madame Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG định hướng phát triển Gốm Chu Đậu trở thành một trong những biểu tượng Quốc gia.

Có thể bạn quan tâm

  • Đông trùng hạ thảo và câu chuyện của Thiên Phúc

    Đông trùng hạ thảo và câu chuyện của Thiên Phúc

    03:00, 12/02/2022

  • Doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn: “5 năm tới, ngành chế biến gỗ Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ”

    Doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn: “5 năm tới, ngành chế biến gỗ Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ”

    04:00, 11/02/2022

  • CEO PYS Travel Trần Sỹ Sơn: Kinh doanh cần có “lãi” hoặc phải tìm ra “lõi”

    CEO PYS Travel Trần Sỹ Sơn: Kinh doanh cần có “lãi” hoặc phải tìm ra “lõi”

    01:14, 10/02/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nữ Doanh nhân nghệ nhân Bùi Thị Hý: Đưa sản phẩm tinh hoa dân tộc Việt chinh phục thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO