“Cho đi yêu thương để lan tỏa yêu thương”, đó là phương châm sống của nữ doanh nhân “mang tấm lòng bồ tát” Đỗ Thanh Hương – Giám đốc Công ty TNHH Hoa Hương (TP Nam Định).
>>>Nữ doanh nhân Hải Dương: Lan tỏa tinh thần vì cộng đồng
Nhắc đến nữ doanh nhân Đỗ Thanh Hương, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Hương (TP Nam Định) chuyên sản xuất kinh doanh vải may mặc, nhiều người không chỉ biết đến chị là một người phụ nữ năng động trên thương trường mà còn cảm phục tấm lòng nhân ái của chị. Chị hiện là thành viên chủ chốt, tích cực trong và là mạnh thường quân tích cực trong nhóm Cơm từ thiện 219 đường Hưng Yên, thành phố Nam Định.
Sinh ra trong một gia đình công nhân nghèo ở Ninh Bình. Bố đi làm ăn xa thời gian dài không liên lạc về gia đình, một mình mẹ với đồng lương eo hẹp của công nhân mỏ đá Hệ Dưỡng Ninh Khánh, phải lo cho 3 chị em nên cuộc sống vô cùng khó khăn thiếu thốn. Là con lớn trong gia đình, chị Hương sớm phải bươn chải cùng mẹ lo cho các em.
Từ nhỏ chị đã theo mẹ đi làm trong mỏ đá rồi lăn lộn các chợ bán rau, bán cá để mưu sinh. Có những ngày mẹ đi lấy hàng ở xa, một mình chị ở nhà lo cơm cháo cho 2 em, lo chạy đồ đạc sơ tán lên núi mỗi khi nước lũ dâng cao vì căn nhà tập thể mỏ đá nơi 4 mẹ con sinh sống nằm trong vùng trũng thấp. Khi gia đình chuyển ra thành phố Nam Định sinh sống, thời gian dài chị theo mẹ bán hàng trên các chuyến tàu sắt Bắc Nam để lo cho cuộc sống gia đình. Trải qua bao khó khăn, thiếu thốn nên khi cuộc sống đỡ vất vả, có chút của ăn của để, việc đầu tiên chị làm là chia sẻ với những mảnh đời gian khó.
Đặc biệt năm 2012, sau một tai nạn hi hữu cận kề sinh tử phải nằm viện 2 năm trời, chị càng cảm thấy trân quý sự sống và cảm thương với những hoàn cảnh éo le. Chị đã cùng với một số chị em doanh nhân nữ ở thành phố Nam Định như chị Nguyễn Thị Minh Hằng, Lê Minh Yến, Nguyễn Minh Thu… thành lập nhóm thiện nguyện “Hương Thành Nam”. Hàng năm, nhóm lại kêu gọi sự đóng góp, ủng hộ của các nhà hảo tâm để đến với đồng bào vùng xa, vùng sâu, những vùng gặp thiên tai, hoạn nạn.
Mỗi năm chị tham gia hàng chục chuyến thiện nguyện, khi thì lên với trẻ em vùng núi phía Bắc như Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, lúc thì vào rốn lũ miền Trung như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, lúc lại đến với trẻ mồ côi tại các Trung tâm Bảo trợ trẻ em trong và ngoài tỉnh. Chị đặc biệt dành sự thương cảm đến với trẻ em vùng cao bởi chị đã trải qua một tuổi thơ không êm đềm, phải vất vả mưu sinh.
Mỗi chuyến đi, ngoài số tiền quyên góp được hàng trăm triệu đồng, chị còn mang đến cho đồng bào nhiều nhu yếu phẩm cần thiết như quần áo, sách vở, mì tôm với vùng bị lũ cô lập. Có những năm, cá nhân chị đặt may hàng trăm cái áo rét, vài chục chiếc chăn bông, thuê xe chở lên cho bà con vùng cao của tỉnh Hà Giang bởi nhiều lần, chị được chứng kiến cảnh những đứa trẻ đi chân đất, quần áo phong phanh dưới cái rét 2-3 độ C.
Mỗi chuyến đi lên với đồng bào vùng cao là một kỷ niệm đáng nhớ đối với chị. Trong đó chuyến đi Mộc Châu, Sơn La, các chị phải vượt hàng trăm cây số đường rừng, phải thuê xe bò ma chở hàng, đi từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối mới vào đến nơi, phát xong quà đã nửa đêm lại xuyên rừng quay ra. Hay chuyến đi lên với bà con Vị Xuyên, Hà Giang năm, cả đoàn phải nín thở khi đi trên cung đường vừa bị sạt lở, một bên là núi cao, một bên là vực sâu, xe hàng phải “bò” từng chút, từng chút một, chỉ cần sơ sẩy là cả người và xe lao xuống vực. Gần đây nhất là chuyến thiện nguyện mang tên “Hơi ấm vùng cao” được chị và các nhà hảo tâm đã mang đến cho bà con dân tộc nghèo huyện Quảng Uyên, Cao Bằng trên 150 suất quà gồm 1,5 tấn gạo, 150 thùng mỳ tôm, 150 chăn ấm và hàng chục triệu đồng phần nào giúp bà con có cái Tết no đủ hơn.
Chị Đỗ Thanh Hương – Giám đốc Công ty TNHH Hoa Hương (TP Nam Định) chia sẻ: Mỗi ngày qua đi, mỗi người đều sẽ nhận được những tình cảm yêu thương từ mọi người xung quanh. Và hạnh phúc chỉ đến khi bạn biết cách lan tỏa tình yêu thương cho những người xung quanh và cho đi yêu thương, bạn sẽ nhận lại hạnh phúc. Với tôi lần nào lên vùng cao, tôi cũng muốn đi thật nhiều, đến với những bản xa, càng xa càng tốt bởi có lên đó mới thấu hết những khó khăn, vất vả của bà con.
Có thể do thời thơ ấu khó khăn, nhiều lần chính gia đình chị phải sống trong cảnh màn trời, chiếu đất với mênh mông biển nước nên chị vô cùng thấu hiểu nỗi khổ cực của đồng bào bị lũ lụt, nhất là ở các tỉnh miền Trung. Vì vậy nhiều năm nay, không năm nào là chị không về với miền Trung, với những vùng bị lũ cô lập, năm 2018 là vùng Hương Khê, Hà Tĩnh và 4 chuyến đi vào Nghệ An, năm 2019 là Mường Lát Thanh Hóa. Con đường làm từ thiện của các anh chị cũng vô cùng gian nan, vất vả do đều đi vào những vùng đang bị chia cắt, cô lập bởi nước lũ. Trèo đèo, lội suối, vào tận nơi, chứng kiến cảnh tang thương ở những vùng bị lũ càn quét, không ai cầm được nước mắt.
Không chỉ đến với bà con vùng xa, vùng sâu, đối với những hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài tỉnh, chị sẵn sàng chia sẻ tình cảm, tấm lòng của mình. Chị là thành viên tích cực chung tay góp sức để đưa những phần quà là những suất cơm, những phần xôi chả, xôi lạc vừng đến với những bệnh nhân tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh hay những bệnh nhân nghèo, bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các cháu mồ côi ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Anh Đoàn Mạnh Hùng, phụ trách Nhóm Cơm từ thiện 219 đường Hưng Yên cho biết: Định kỳ thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, nhóm nấu khoảng 300 suất cơm, xôi từ thiện giúp bệnh nhân nghèo, trong đó chị Đỗ Thanh Hương là một mạnh thường quân rất tích cực.
Với ý thức gắn trách nhiệm trong việc kinh doanh với cộng đồng nữ doanh nhân Đỗ Thanh Hương - Giám đốc Công ty TNHH Hoa Hương (TP Nam Định), đã truyền cảm hứng cho nhân viên, luôn biết làm việc bằng tấm lòng chia sẻ, các công tác vận động đồng hành cùng công ty trong tất cả các chuyến đi đều được tập thể nhân viên công ty nhiệt tình ủng hộ hết mình và tham gia giúp sức một cách mãnh liệt với sức trẻ và tình thương yêu.
Dù công việc kinh doanh bận rộn nhưng chị vẫn dành thời gian đến tham gia, vận động con cháu, anh em trong gia đình và bạn bè cùng chung tay, góp sức cho những bưa cơm thiện nguyện thêm sung túc. Được chồng con ủng hộ cùng đồng hành nên chị càng có thêm động lực để tham gia các hoạt động thiện nguyện của mình. Chùa Linh Ứng (Hải Hậu), Chùa Thịnh Đại (Duy Tiên, Hà Nam) - nơi nuôi dưỡng nhiều trẻ em mồ côi và người già neo đơn, Trung tâm Bảo trợ trẻ em tàn tật là những địa chỉ quen thuộc trong những chuyến đi từ thiện của chị và các mạnh thường quân.
Cứ nghe ở đâu có mảnh đời bất hạnh cần giúp đỡ, chị lại đau đáu muốn lên đường. Một bệnh nhân nghèo cần mổ tim người Yên Bái, hai bố con người dân tộc bị ung thư máu người Hà Giang..., chỉ là đọc được trên báo, xem trên truyền hình, chị sẵn sàng cất công lên tận bệnh viện để hỗ trợ, giúp gia đình san sẻ bớt khó khăn.
“Cho đi yêu thương để lan tỏa yêu thương”, đó là phương châm sống của nữ doanh nhân “mang tấm lòng bồ tát” Đỗ Thanh Hương. Không thể tính được chị đã đặt chân đến bao bản làng xa xôi, vùng núi cao khó khăn hay vùng vừa xảy ra lũ lụt. Lúc thì đi cùng Nhóm thiện nguyện “Hương Thành Nam”, khi lại lặng lẽ đi một mình hoặc cùng gia đình và một vài người bạn.
Bước chân thiện nguyện của chị dường như chưa bao giờ hết mỏi với mong muốn mang thật nhiều sự sẻ chia của cộng đồng đến với những mảnh đời khốn khó, mang mùa xuân yêu thương đến với mọi nhà.
Có thể bạn quan tâm