Nhiều chuyên gia lo ngại, quan hệ Mỹ - Trung sẽ gia tăng căng thẳng khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật cấm sản phẩm Tân Cương.
Thượng viện Mỹ vừa thông qua Dự luật cấm các sản phẩm sản xuất tại Tân Cương
Đây được xem là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm trừng phạt Trung Quốc vì những gì Washington xem là một cuộc diệt chủng đang diễn ra nhằm vào người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác ở Tân Cương. Được biết, Dự luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ do thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio và thượng nghị sĩ Dân chủ Jeff Merkley đề xuất.
Theo đó, hàng hóa sản xuất ở Tân Cương được cho là sản phẩm được tạo ra từ lao động cưỡng bức, do đó bị cấm theo Đạo luật Thuế quan năm 1930, trừ khi có chứng nhận khác của cơ quan chức năng Mỹ. Hai Thượng Nghị sĩ cho biết, “sẽ không cho phép các công ty tự do kiếm lợi từ những vụ lạm dụng lao động, cũng như sẽ không có khách hàng Mỹ nào vô tình mua phải những sản phẩm từ lao động nô lệ”.
Trước đó, Mỹ đã áp lệnh cấm nhập khẩu cà chua, bông và một số sản phẩm năng lượng mặt trời từ Tân Cương. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tăng cường các biện pháp trừng phạt và hôm 13/7 vừa qua đã cảnh báo các doanh nghiệp rằng họ có thể vi phạm luật pháp Mỹ nếu các hoạt động của họ có liên quan - dù là gián tiếp - với "mạng lưới giám sát" ở Tân Cương.
Sau khi được thông qua tại Thượng viện, dự luật sẽ được gửi tới Hạ viện trước khi gửi đến Nhà Trắng để Tổng thống Joe Biden phê duyệt và chính thức trở thành Đạo luật.
Ngay lập tức, Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ xung quanh vấn đề lao động ở Tân Cương và chỉ trích Washington làm tổn hại đến thương mại toàn cầu; đồng thời Bắc Kinh cũng cảnh báo các doanh nghiệp Mỹ sẽ phải đối mặt với rủi ro pháp lý nếu hoạt động kinh doanh tại quốc gia này.
Có thể thấy, vấn đề Tân Cương đang làm nóng lên căng thẳng giữa hai cường quốc. Mặc dù Tổng thống Biden đã không đẩy chương trình nghị sự thương mại Trung Quốc của mình lên hàng đầu như người tiền nhiệm Donald Trump, tuy nhiên ông đã thực hiện rất nhiều điều mà ông Trump đã khởi xướng.
Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã từ chối sử dụng bông Tân Cương do những lo ngại về vấn đề nhân quyền
Chuyên gia dự báo, nhiều khả năng dự luật sẽ nhanh chóng được thông qua tại Hạ Viện. Tại Quốc hội Mỹ, việc “cứng rắn” với Trung Quốc là một trong số ít những vấn đề nhận được sự đồng thuận tại lưỡng đảng; nhất là khi các thành viên trong Quốc hội muốn sử dụng một số lĩnh vực làm đòn bẩy để tạo áp lực với Bắc Kinh.
Nick Marro, nhà phân tích hàng đầu của The Economist Intelligence Unit cho biết: “Thực tế cho thấy, các hành động của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực như chuỗi cung ứng và chính sách đầu tư đã đan kết các vấn đề kinh tế và chính trị lại với nhau theo những cách rất khó để tách biệt. Điều này cũng được thể hiện rõ trong các đòn tấn công mà Mỹ nhằm vào Trung Quốc trong những năm gần đây.”
Tuy nhiên, chuyên gia này nói thêm, Tân Cương là một trong những vấn đề nhạy cảm của Trung Quốc. Và Bắc Kinh cũng cho thấy họ không ngần ngại tung ra các đòn trừng phạt để đáp trả những cáo buộc của Mỹ và các quốc gia đồng minh. Do đó, việc Mỹ sử dụng Tân Cương để gia tăng áp lực với Trung Quốc là khá mong manh.
Và ý định theo đuổi chính sách thương mại lấy người lao động làm trung tâm của Hoa Kỳ, cùng với mong muốn đặt vấn đề nhân quyền vào trọng tâm của chính sách đối ngoại sẽ trở thành rào cản cho bất kỳ cuộc đàm phán thương mại nào với Trung Quốc.
Mặc dù vậy, việc cấm nhập khẩu các sản phẩm từ Tân Cương sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp Mỹ vì chính họ mới là người nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, chứ không phải chính phủ. Trong quá khứ, thương hiệu đa quốc gia như H&M, Nike, Adidas, Burberry, New Balance và Zara đã mắc kẹt trong mâu thuẫn giữa hai nước sau khi bị thị trường lớn nhất thế giới tẩy chay vì ngừng sử dụng bông Tân Cương.
Có thể bạn quan tâm