Trung Quốc gây áp lực lên các doanh nghiệp đa quốc gia để đảo ngược việc tẩy chay bông Tân Cương.
Sau khi nhiều nhãn hàng bị người dùng tẩy chay do từ chối sử dụng sản phẩm bông từ Tân Cương, ông Cao Phong, phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết bông được sản xuất ở khu vực Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc là "tinh khiết và hoàn mỹ", không liên quan đến các cáo buộc vi phạm nhân quyền.
“Chúng tôi hy vọng rằng các công ty may mặc và nhà bán lẻ có liên quan sẽ tuân thủ các quy tắc thị trường, sửa chữa các hành vi sai trái và tránh chính trị hóa các vấn đề thương mại. bông trên cáo buộc về cái gọi là các vấn đề nhân quyền”, ông Cao nhấn mạnh.
Ông Cao cũng cho biết, Chính phủ Trung Quốc luôn hoan nghênh và ủng hộ các hoạt động kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp đa quốc gia tại Trung Quốc và những nỗ lực của họ trong việc xây dựng chuỗi cung ứng công nghiệp tại quốc gia này.
Việc hàng loạt các hãng thời trang lớn trên thế giới không sử dụng bông Tân Cương đã phải đối mặt với tình trạng bị thị trường Trung Quốc tẩy chay. Cụ thể, H&M từng tuyên bố thương hiệu này "quan ngại sâu sắc với những báo cáo từ các tổ chức xã hội và truyền thông về việc bóc lột lao động" và cho biết, họ sẽ không sử dụng các sản phẩm từ Tân Cương.
Tương tự, Nike, Adidas, Burberry, New Balance… cũng tuyên bố ngừng sử dụng nguyên liệu bông vải từ Tân Cương để phản đối tình trạng bóc lột lao động trong ngành công nghiệp trồng bông tại khu vực này.
Tuy nhiên, động thái này lại vấp phải làn sóng phản đối dữ dội từ người tiêu dùng tại Trung Quốc. Ngay lập tức, các sản phẩm của H&M đã bị xóa khỏi tất cả nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như JD, Taobao và Pinduoduo.
Đồng thời, các nghệ sĩ và đại diện đang hợp tác cùng H&M đã thông báo chấm dứt hợp đồng. Trên mạng xã hội Weibo, người tiêu dùng Trung Quốc cũng tuyên bố tẩy chay các sản phẩm của H&M, cũng như Nike, Adidas.
Làn sóng tẩy chay của Trung Quốc đã làm cổ phiếu của H&M đã giảm tới 2,8% trong phiên giao dịch buổi chiều. Mặc dù đại diện H&M Trung Quốc cho biết họ không mua bông trực tiếp từ các nhà cung ứng nào, đồng thời chuỗi cung ứng toàn cầu của họ tuân thủ các cam kết bền vững, không phản ánh bất kỳ quan điểm chính trị nào, nhưng làn sóng này vẫn đang có xu hướng lan rộng.
Đáng chú ý, H&M đã tuyên bố ngưng sử dụng sản phẩm bông tại Tân Cương từ trước đó vài tháng. Tuy nhiên, những tranh cãi về vấn đề nhân quyền tại Tân Cương giữa Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đang nóng lên những ngày gần đây đã khiến phát ngôn của H&M được chú ý trở lại.
Trên thực tế, nhiều công ty về quần áo, giày dép và các ngành công nghiệp khác đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu tại Tân Cương. Nhưng khi làm như vậy, họ có nguy cơ chọc giận Bắc Kinh. Đặc biệt, truyền thông Trung Quốc hoàn toàn có thể kêu gọi người dân trừng phạt các công ty nước ngoài có những quan điểm động chạm tới những khía cạnh nhạy cảm của quốc gia.
Do đó, giới quan sát dự đoán, nhiều khả năng việc tẩy chay hàng loạt các doanh nghiệp nước ngoài sẽ là chiến lược mới của Bắc Kinh nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt ngày càng tăng từ các nước phương Tây.
Bên cạnh đó, điều này cũng khuyến khích người tiêu dùng trong nước mua các sản phẩm của các doanh nghiệp nội đia, giúp ngành dệt may Trung Quốc bù đắp lượng đơn đặt hàng từ các nước phương Tây sụt giảm. Một trong những nhà cung cấp cũ của H&M, Huafu Fashion cho biết rằng họ đã mất ít nhất 54,3 triệu USD trong năm 2020 do các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Nhưng về lâu dài, chuyên gia chỉ ra, tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc và châu Âu, Mỹ và Canada đã buộc các tập đoàn đa quốc gia phải đối mặt với sự không chắc chắn và rủi ro kinh doanh khi hoạt động tại Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm