Hoạt động kinh doanh của SCD tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do chi phí đầu vào tăng cao, trong khi sức tiêu thụ trên thị trường thấp.
>>>Công ty chứng khoán: Phân hóa lợi nhuận quý 2
Theo báo cáo tài chính quý II/2023 mới công bố, Công ty CP Nước giải khát Chương Dương (HoSE: SCD) ghi nhận doanh thu thuần chỉ đạt hơn 1,3 tỷ đồng, giảm mạnh 97% so với cùng kỳ năm trước. Do kinh doanh dưới giá vốn, nên SCD lỗ gộp 1,3 tỷ đồng.
Trong kỳ chi phí tài chính tăng thêm 10,8%, chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ giảm nhẹ, trong khi, chi phí bán hàng tăng gấp hơn 2 lần lên 23,4 tỷ đồng. Kết quả SCD chịu lỗ sau thuế gần 35,3 tỷ đồng, cao gấp 3 lần con số lỗ cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là quý thua lỗ thứ 8 liên tiếp của doanh nghiệp ngành đồ uống này.
Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, bất chấp những nỗ lực không ngừng nhằm cắt giảm và tối ưu hoá chi phí hoạt động, mức lỗ vẫn tăng cao. Hoạt động kinh doanh tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do chi phí đầu vào tăng cao trong khi sức tiêu thụ trên thị trường thấp.
Bên cạnh đó, doanh số bán hàng trong quý II/2023 còn bị ảnh hưởng bởi nghiệp vụ điều chỉnh một lần đối với hàng tồn kho cho các đối tác thương mại của công ty. Ngoài ra, chi phí hoạt động cao hơn do chi phí đầu vào từ đường, lon nhôm và chi phí thuê đất tăng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của SCD đạt 65 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm 38 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 13,5 tỷ đồng.
Với việc thua lỗ liên tiếp trong 8 quý vừa qua, SCD đang chịu lỗ luỹ kế gần 120 tỷ đồng cao hơn mức vốn điều lệ 85 tỷ đồng của công ty. SCD như vậy tính theo năm cũng lỗ liên tiếp từ 2021 và 2022, cho đến 2 quý đầu năm nay. Đây cũng chính là lý do khiến cổ phiếu SCD bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 11/4/2023.
Trước đó SCD cũng đã đề xuất loạt biện pháp để khắc phục tình trạng thua lỗ như tối ưu giá vốn hàng bán, gia tăng độ phủ, hoàn thiện hệ thống phân phối, phát triển các nhãn hàng, nhưng có vẻ những biện pháp này vẫn chưa đủ để giúp SCD cải thiện kết quả kinh doanh thua lỗ kéo dài.
Từng là một doanh nghiệp đầu ngành, nắm thị phần nước giải khát lớn tại khu vực phía Nam với thương hiệu Xá xị Con Cọp nổi tiếng một thời; Tuy nhiên, sau khi xuất hiện những “ông lớn” FDI như Coca Cola, Pepsi… tại thị trường Việt Nam với những chiến lược marketing hiệu quả, Chương Dương gần như đã đánh mất thị trường.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, không chỉ với SCD mà với nhiều doanh nghiệp ngành đồ uống cũng đang gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ sụt giảm khi người dân thắt chặt chi tiêu đối với các sản phẩm tiêu dùng không thiết yếu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành đồ uống sẽ đối diện với khó khăn lớn khi Dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi, bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Mặc dù áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường được đánh giá là một trong các biện pháp hiệu quả để định hướng tiêu dùng, giảm thiểu mức tiêu thụ đồ uống có đường, nhằm góp phần dự phòng và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm và thuế TTĐB này chủ yếu đánh vào người tiêu dùng; Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp sản xuất đồ uống, đây có thể được xem là một khó khăn kép và chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến sức tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo “Văn hóa uống và trách nhiệm với cộng đồng” hồi cuối tháng 6 vừa qua, PGS. TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, ngành đồ uống đang phát triển mạnh với những sản phẩm có thương hiệu, phong phú, đẩy lùi hàng nhập lậu và góp phần vào tăng giá trị xuất khẩu, với tổng giá trị sản xuất lớn, đem lại nhiều đóng góp cho nền kinh tế và xã hội.
Tuy nhiên, sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19 kéo dài, hiện nay, ngành đồ uống đang phải chống chịu với nhiều khó khăn trong bối cảnh mới. Nhiều quy định quản lý chưa phù hợp, có nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng thu hẹp sản xuất, kinh doanh trong ngành và những hệ lụy đối với xã hội.
Theo Chủ tịch VBA, năm 2023 được dự báo ngày càng có nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp ngành đồ uống. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có điều kiện phục hồi, phát triển, các doanh nghiệp trong ngành đồ uống mong muốn Nhà nước chưa nên xem xét áp dụng thuế TTĐB đối với các sản phẩm đồ uống có đường.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, hiệu quả cải thiện biên lợi nhuận của các doanh nghiệp thực phẩm đồ uống sẽ rõ rệt hơn kể từ nửa cuối năm 2023 do hầu hết các nhà sản xuất thực phẩm đồ uống đều đã chốt hợp đồng nguyên liệu trong đầu năm 2022 và quý IV/2022, dẫn đến tồn kho giá cao trong nửa đầu năm 2023.
Bên cạnh đó, ngành thực phẩm đồ uống Việt Nam cũng tiết kiệm được thêm chi phí thông qua việc giảm chi phí logistics do nhu cầu chậm lại trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy thoái. Chi phí logistics giảm là dấu hiệu tích cực giúp các công ty thực phẩm đồ uống Việt Nam có thêm dư địa để tối ưu hóa chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, hỗ trợ biên lợi nhuận tốt hơn.
Có thể bạn quan tâm
Công ty chứng khoán: Phân hóa lợi nhuận quý 2
04:40, 25/07/2023
“Nhịp đập” chứng khoán cuối năm
14:06, 24/07/2023
Lãi suất rẻ, đầu tư chứng khoán có phải kênh hấp dẫn?
04:08, 24/07/2023
Chứng khoán Vietcap: Lãi trước thuế 211 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2023
13:41, 21/07/2023
Chứng khoán HSC: Doanh thu từ cho vay ký quỹ có tỷ trọng cao
15:29, 20/07/2023