Chẳng phải vô cớ, Quốc hội thông qua nghị quyết cứu các dòng sông có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Nước với một quốc gia như máu với con người.
Nước là thức uống đầu tiên chuyển hướng lịch sử nhân loại. 10.000 năm sau nó đã trở lại lèo lái chúng ta. Chưa nói đến chuyện thế gian đại sự: Nước có thể thay dầu mỏ trở thành loại hàng hóa hiếm châm ngòi xung đột quốc tế, thì ngay đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện cảnh báo tình trạng hạn hán và nước các dòng sông bị nhiễm mặn.
Ở nhiều vùng Đồng bằng sông Cửu Long hải quân đã phải dùng tàu chở nước sinh hoạt cho dân. Nước bắt các nhà lãnh đạo công ty Cấp nước Hải Phòng giữa đêm phải lên thượng nguồn con sông Đa Độ để “canh” thời gian mặn xâm nhập từ biển vào. Họ lo nồng độ muối cao có thể làm dừng hoạt động của nhà máy nước đang cấp nước “ăn” cho hàng chục vạn dân trong nội thành Hải Phòng!
Vấn đề cũ rích đến nỗi tưởng như nó được bước ra từ chuyện cổ tích của bà cố nội. Có điều cái kết của nó mỗi ngày càng không có hậu!
Tôi đang ở đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tại, lũ từ thượng nguồn không về, từng đàn cá ling và những đàn chim xáo xác, ầm ĩ cũng không về theo dòng sông lững lờ bèo dạt. Vào mấy hôm này, thời gian đỉnh triều trùng với thời gian hoạt động mạnh dài ngày của mùa gió chướng tại Nam bộ. Sóng ngoài cửa biển cuồn cuộn như nhịp thở của một sinh vật khổng lồ đẩy nước mặn theo sông Hậu vào sâu trong đất liền 60-70km.
Còn trên Tây Nguyên, mặt trời lặn như quả bưởi sáng quắc trên bầu trời. Ánh sáng làm nhạt màu sắc hơn là nhuộm màu cây cỏ. Cái nóng khiến cho những bông hoa trong nghĩa trang cúi rạp xuống, cảnh vật rung rinh, chập chờn. Con chim sẻ vàng đi tìm một mẩu bóng râm con con từ dáng cong cong ẻo lả của tàu lá dừa. Lũ chó nhà nằm buồn chán nhớ đến mùa mưa cao nguyên, các đám mây đen sũng nước trĩu nặng hối hả lướt qua bầu trời.
Và ông KT, chủ một trang trại cà phê hàng chục héc ta, người bơi trong tiền, thế mà nụ cười không hề tỏa nắng. Làn da tái nhợt, bọng mắt thâm quầng của kẻ thao thức đêm dài để lo “việc nước” trong các dòng suối, giếng sâu đang cạn. Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, mùa khô Tây Nguyên năm nay khốc liệt chẳng kém gì năm 2015-2016. Hàng chục ngàn héc ta cây cà phê, chanh leo… khát nước.
Ông Tô Vân Trường, một nhà khoa học nổi tiếng về nước ở đồng bằng sông Cửu Long nói rằng: ”Một trong những nguyên nhân căn bản khiến cho hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng trở nên gay gắt là bởi Trái đất ấm lên làm cho nước biển dâng cao. Và những biểu hiện thời tiết cực đoan do El Nino, một hiện tượng tự nhiên có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống khí hậu của cả trái đất”. Thật buồn là ta đang phải đối mặt với những vấn đề toàn cầu!
Năm 2012, Hội đồng tình báo quốc gia Hoa Kỳ ban hành một bản báo cáo tối mật “ Global Water Security”, sau này đã được giải mã, nói rằng thế giới đang bước vào một cuộc khủng hoảng nước kéo dài. Thời gian minh chứng cho sự đúng đắn của lời cảnh báo : Không quốc gia nào, cả giàu và nghèo, được đứng ngoài vòng ảnh hưởng của nước. Giàu có chỉ là lợi thế, không phải là sự miễn dịch trước cuộc khủng hoảng toàn cầu về nước.
Những người khôn ngoan đã bắt đầu lên kế hoạch cho tình trạng thiếu nước và bảo tồn nguồn nước. Cách hành xử rất khác nhau. Có quốc gia ở thượng nguồn lợi dụng vị trí địa lý của mình để nắn dòng sông, xây đập thủy điện chứa nước, không đếm xỉa đến quyền lợi của láng giềng phía hạ nguồn. Lại có quốc gia, như Israel, vừa thỏa mãn được nhu cầu của mình, vừa chia sẻ với “hàng xóm” trong cái gọi là nền “ngoại giao nước”. Họ đã làm như thế nào để bắt sa mạc nở hoa?
Bên cạnh sử dụng công nghệ hiện đại (tưới nước nhỏ giọt, khử mặn nước biển, tái chế nước thải…), một cơ cấu điều hành nước có trách nhiêm và minh bạch cùng các hình thức quản lý tiên tiến, nảy sinh từ những cái đầu Do Thái kiệt xuất, người Israel đã chấp nhận sự đánh đổi. Họ từ bỏ quyền sở hữu cá nhân và những lợi ích của nền kinh tế thị trường trong lĩnh vực nước để đổi lấy một hệ thống quản lý, điều tiết, định giá và phân phối nước trên danh nghĩa của nhà nước với niềm tin rằng dân được hưởng lợi nhiều nhất.
Hiện nay, sự kiện thiếu nước ngọt cho nông nghiệp và sinh hoạt của người dân đã trở thành một phần của thực đơn báo chí hàng ngày. Chúng ta có thể sống không có ngành công nghiệp hàng không vũ trụ, nhưng không thể sống khi không có nước.
Thật tiếc, còn rất nhiều người Việt Nam cứ nghĩ chúng ta là “tỷ phú nước” để “tiêu” nước theo nhu cầu và rồi họ đang hành động theo tư duy đó - phung phí, thậm chí phá hoại!
Các tầng nước ngầm vốn được coi là “của để dành” của tự nhiên hàng thiên niên kỷ đã bị hút cạn hoặc bị ô nhiễm sau vài chục năm.
Khi nhiều người dân lên tiếng về khu công nghiệp nào đấy xả thải chưa qua xử lý bức tử dòng sông, có nhà quản lý đầu óc đã bị làn sương vô tri che mờ, chế nhạo họ là người mắc bệnh tưởng: “cái mụn nào cũng là ung thư da”. Đến lúc nước sông ánh lên màu đen kỳ quái, thường xuyên bốc mùi hôi hám họ mới vội vã đi làm chuồng cho con bò đã mất! Khi một dòng sông ô nhiễm nó sẽ mất đi, đôi khi, vĩnh viễn.
Ngày xưa, mỗi lúc hạn hán, vua chúa lập đàn cầu mưa. Ngày nay, thật mất mặt cho xã hội văn minh khi phải kêu gọi thần thánh đến giúp đỡ (Trong khi, chẳng phải ai khác, con người đang làm tổn thương nghiêm trọng đến Mẹ Thiên nhiên). Nếu không hành động mà chỉ cầu Trời khấn Phật thì ngày nào đó tiếng khóc sợ hãi sẽ chiếm chỗ của những lời tụng niệm.
Khi nước chưa trở thành nỗi ám ảnh, người ta quan tâm nhiều đến cơ sở hạ tầng GTVT, y tế, giáo dục… Ngân sách nhà nước chi cho các dự án hữu hình như cầu cống, bệnh viện, trường học… dễ mang lại sự ủng hộ nhãn tiền của người dân hơn. Còn lợi ích của cơ sở hạ tầng về nước chỉ có thể cảm nhận được trong tương lai.
Để truyền cho thế hệ sau nguồn tài nguyên nước đã được cải thiện, nhà quy hoạch nước phải mưu tính trước tới hàng chục năm, bởi luôn có những yếu tố bất ngờ tiềm ẩn phía đường chân trời. Một nguồn cung nước dồi dào đến đâu cũng có thể là ảo tưởng nếu không có tầm nhìn về mức độ suy kiệt của nó. California là bang giàu nhất Hoa Kỳ. Người ta đổ xô đến đó để hưởng thụ lối sống của Hollywood, nghĩa là ăn chơi, giải trí, những thứ cần rất nhiều nước! Cali chưa bao giờ nghĩ rằng nó có thể bị tổn thương vì thiếu nước. Vậy mà, bây giờ, bang này đã có lúc phải ban bố tình trạng khẩn cấp và áp dụng các biện pháp lâu dài hạn chế việc sử dụng nước. Cuối cùng là cầu đến sự hợp tác về công nghệ của nhà nước Do Thái!
Thật may, chúng ta chưa đến mức đi “xin xỏ” vì nước. Tuy nhiên, để nước không trở thành cuộc khủng hoảng thật sự, hành động ứng phó ngay từ bây giờ vẫn không phải sớm. Nhất là khi Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu.
Các nhà bảo vệ môi trường hãy lắng nghe các dòng sông đang than vãn. Chúng bị bức tử hàng ngày bởi hóa chất, nước thải và rác thải. Chẳng phải vô cớ, Quốc hội thông qua nghị quyết cứu các dòng sông có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Đây là một việc làm rất tốn kém và có lúc không khả thi, nhưng không thể nào không làm. Nước với một quốc gia như máu với con người.
Hệ thống công trình thủy lợi và các giải pháp kiểm soát nguồn nước trong quá khứ không còn phù hợp nữa. Cần có tiền để cải thiện. Thế nhưng mọi thành công trong xã hội văn minh còn đòi hỏi sự đổi mới tư duy, bãi bỏ những cách nghĩ đã tồn tại nhiều thế kỷ. ”Không sợ hiếm nước, chỉ sợ hiếm về tư duy đổi mới” là bài học được từ Israel.
Trước hết, người Việt Nam cần hiểu rằng: Nước không phải là vô tận. Từ lúc cắp sách đến trường, trẻ con Do Thái đã được dạy về giá trị của tiết kiệm nước, về sự giới hạn của nước. Trong mỗi lớp học, và trên khắp Israel, đều treo những tấm áp phích “ Không lãng phí dù chỉ một giọt nước”. Theo họ, tư duy đó là giải pháp quan trọng nhất trong tất cả các giải pháp cho một thế giới đói nước!
Vì thế, hãy sử dụng nước thông minh. Chẳng hạn trồng những giống cây phát triển tốt trong môi trường khan nước. Khi có điều kiện, thay lối tưới ngập vô cùng lãng phí hiện nay bằng công nghệ tưới nhỏ giọt…
Các nhà chính trị đã có tầm nhìn về nhiều vấn đề cũng cần tầm nhìn về nước như các chuyên gia. Alexander Đại Đế nói rằng : "Một người dù chinh phục cả thế gian đến khi chết đi không thể sở hữu một nơi nào khác trừ chỗ mình được chôn xuống. Nhưng họ sống mãi trong lòng người dân bằng các quyết định của mình". Chẳng phải đại đế, khá nhiều cá nhân nhất định ở đúng thời điểm nhất định có thể góp phần thay đổi nhiều thứ chỉ bằng một cái gật hoặc lắc đầu. Ví dụ, để đất làm nhà hay dành làm hồ chứa nước? Từng câu trả lời sẽ định hình cuộc sống của người dân.
Lòng quyết tâm vốn là điều cốt lõi trong tâm hồn người lãnh đạo. Tôi thấy điều đó ở Công ty Cấp nước Hải Phòng. Họ đang gồng mình hết sức để giảm thiểu các tác hại do “Trời giáng” vào nước. Lòng “yêu nước” của họ là một cảm xúc mãnh liệt khó che dấu. Tất nhiên, thực tế khắc nghiệt luôn tìm ra cách cản trở những gì chúng ta mong muốn, trong đó có cả thói vô cảm của con người. Khi chúng tôi báo cho một cán bộ môi trường: "Sông Rế (một nguồn cấp nước thô cho Hải Phòng) đang bị ô nhiễm!” anh ta trơ như khuôn mặt của ma nơ canh bầy trong trung tâm thương mại. Sau đó là lời hứa hẹn để một năm sau chứng minh cho một chân lý thô ráp :“Những ai coi thường các lời hứa hẹn thì sẽ nuốt lời cũng nhiều như thế!”.
Việt Nam là quốc gia không thiếu nước. Thế nhưng chúng ta đang phải đối mặt với thảm cảnh thiếu nước sạch, thừa nước ô nhiễm, hậu quả của sự biến đổi khí hậu toàn cầu và do chính sự vô minh của mình. Cứ đối xử với nước như hiện nay, một cuộc khủng hoảng về nước sẽ không còn là “nếu” nữa, mà là “khi nào”.
Hãy bảo vệ nguồn sống của chúng ta, vì nước (sạch) không phải là vô tận!
Có thể bạn quan tâm
04:00, 16/10/2023
05:00, 14/07/2023
14:14, 06/07/2023
00:06, 11/06/2023
03:50, 30/04/2022
03:50, 23/03/2022