NVT vật lộn tái cấu trúc

Khánh Hà 19/05/2020 05:00

Vừa qua "cơn nguy kịch" nhờ tái cấu trúc, Ninh Vân Bay (NVT) lại "mắc cạn" khi chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài và chưa biết bao giờ mới có thể khôi phục lại hoạt động.

Công ty cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (Mã chứng khoán: NVT) được biết đến là doanh nghiệp sở hữu khu nghỉ dưỡng 5 sao Six Senses Ninh Vân Bay tại vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, được đưa vào hoạt động từ năm 2004. Khu nghỉ dưỡng này gồm 58 villa cao cấp có mức giá thuê từ 800 USD đến hơn 4.200 USD/đêm.

"Trả giá đắt" vì đầu tư dàn trải

Khởi đầu trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản, mua bán vật liệu xây dựng… nhưng từ năm 2009, Ninh Vân Bay đã tiến hành tái cấu trúc công ty thông qua sáp nhập, hợp nhất 2 thành viên là Công ty Hai Dung (nắm 90% vốn) và Công ty du lịch Hồng Hải (nắm 51% vốn) để đẩy mạnh phát triển lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp.

Ninh Vân Bay được biết đến là doanh nghiệp sở hữu khu nghỉ dưỡng 5 sao Six Senses Ninh Vân Bay tại vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, được đưa vào hoạt động từ năm 2004.

Ninh Vân Bay được biết đến là doanh nghiệp sở hữu khu nghỉ dưỡng 5 sao Six Senses Ninh Vân Bay tại vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, được đưa vào hoạt động từ năm 2004.

Từng tham vọng trở thành ông trùm bất động sản nghỉ dưỡng sau thành công của Dự án Six Senses Ninh Vân Bay, Công ty đã rót vốn vào hàng loạt dự án như Emeralda Ninh Bình, Emeralda Hội An, Six Senses Latitude Sài Gòn River, LacViet New Tourist City, Khu du lịch sinh thái Đông Anh, góp 100% vốn thành lập Công ty TNHH Câu lạc bộ Kỳ nghỉ Ninh Vân Bay.

Tuy nhiên, vấp phải giai đoạn thị trường bất động sản suy yếu, khó huy động vốn triển khai dự án nên từ năm 2011, Ninh Vân Bay bắt đầu kinh doanh thua lỗ và phải cơ cấu lại hoạt động. Trong 10 năm chuyển hướng kinh doanh sang bất động sản nghỉ dưỡng (2009-2018), với 4 năm báo lỗ nhưng tổng lỗ là 753 tỷ đồng trong khi tổng lãi 6 năm còn lại chỉ 44 tỷ đồng.

Vào cuối năm 2016, công ty có hơn 230 tỷ nợ trái phiếu đến hạn. Để trả nợ, công ty đã bán toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH Hai Dung (chủ đầu tư dự án Six Senses Sài Gòn River) cùng toàn bộ các khoản tiền cho vay, tiền lãi vay và lợi ích khác tại đây với giá 200 tỷ đồng, gây ra khoản lỗ 225 tỷ đồng. Đồng thời, công ty cũng bán toàn bộ công nợ tại dự án Emeralda Resort Ninh Bình do Du lịch Tân Phú làm chủ đầu tư với giá phí 60 tỷ đồng và ghi nhận 246 tỷ đồng lỗ chuyển nhượng công nợ phải thu về. Đây là 2 nguyên nhân chính tạo nên khoản lỗ kỷ lục 479 tỷ đồng trong năm 2017.

Không chỉ khoản lỗ khủng tạo ra từ việc chuyển nhượng 2 dự án này, Ninh Vân Bay cũng thực hiện chuyển nhượng dự án Khu du lịch sinh thái Cồn Bắp, một dự án trọng điểm khác của Ninh Vân Bay cho một cá nhân vào cuối năm 2018. Mặc dù việc chuyển nhượng mang tới một khoản doanh thu cho Công ty, nhưng kết quả không đúng kỳ vọng và phù hợp định hướng phát triển trong tương lai của Công ty. Bởi lẽ, không chỉ khoản doanh thu thu về từ dự án được nhìn nhận chưa tương xứng với kỳ vọng, mà việc bán dự án còn khiến cho thương hiệu bất động sản và du lịch khá nổi tiếng Ninh Vân Bay hiện chỉ còn sở hữu duy nhất 1 dự án là Six Senses Ninh Vân Bay. Đây cũng là dự án được coi là "ăn nên, làm ra" duy nhất của Công ty tính cho tới thời điểm hiện tại. Ngoài ra, Ninh Vân Bay cũng sở hữu một phần nhỏ tại dự án Emeralda Resort Ninh Bình (12,24%).

Sau nhiều năm vật lộn trong tình trạng tái cấu trúc do đầu tư dàn trải, sử dụng đòn bẩy tài chính cao, trong 2 năm qua, ngoài việc phải thanh lý khá nhiều tài sản để giảm nợ, cơ cấu lãnh đạo của NVT cũng được thay thế bởi hàng loạt nhân tố mới từ vị trí Chủ tịch HĐQT tới dàn nhân sự cấp cao, gồm các vị trí Giám đốc Chiến lược và Kinh doanh, Giám đốc Quản lý và Vận hành, Kế toán trưởng. 

Tuy nhiên, việc thanh lý các khoản đầu tư không hiệu quả khiến cho NVT chịu khoản lỗ lũy kế lớn kéo dài từ năm 2017 đến nay và phải rơi vào diện cảnh báo có nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc từ Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM ( HOSE).

Trong trao đổi trước thềm Đại hội cổ đông bất thường diễn ra hồi tháng 11/2019, ông Phạm Thành Thái Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Ninh Vân Bay cho biết, với hoạt động công suất phòng đang gia tăng hiện nay, Công ty kỳ vọng sẽ lấy nguồn thu nhập từ lãi cổ tức thu được đều đặn từ dự án Six Senses Ninh Vân Bay để giảm dần các khoản lỗ lũy kế.

Bên cạnh đó, trong ĐHCĐ sắp tới đây hoặc tại ĐHCĐ thường niên vào năm tới, Ninh Vân Bay sẽ công bố việc triển khai thêm một số dự án mới sau khi đã giảm được các khoản vay nợ tài chính.

Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động kinh doanh của NVT vẫn chưa thực sự có cải thiện nhiều cũng như quá trình đầu tư dự án mới vẫn chưa có nhiều động tĩnh.

Mới đây, vào trung tuần tháng 4/2020, HOSE đã buộc phải ra thông báo tiếp tục giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (NVT - sàn HOSE).

Cụ thể, HOSE cho biết mới đây đã nhận được Báo cáo tài chính năm 2019 của NVT. Trong đó, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2019 thể hiện con số âm hơn 660 tỷ đồng. Như vậy, NVT vẫn chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo. Do đó, HOSE tiếp tục giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu này, đồng thời sẽ xem xét hướng xử lý tiếp theo căn cứ vào Báo cáo tài chính soát xét năm 2020 của NVT.

Ninh Vân Bay còn lại gì?

Sau tái cấu trúc, tổng tài sản của công ty giảm từ 1.300 tỷ đồng giai đoạn 2016-2017 về 554 tỷ đồng. Hoạt động chính của công ty dồn vào công ty con nắm 51% vốn là Công ty Du lịch Hồng Hải – chủ đầu tư Six Senses Ninh Vân Bay (Nha Trang, Khánh Hòa). Ninh Vân Bay đầu tư 304 tỷ đồng (55% tổng tài sản) để sở hữu 4,59 triệu cổ phiếu Du lịch Hồng Hải.

Ngoài ra, công ty cũng sở hữu một phần nhỏ tại dự án Emeralda Resort Ninh Bình (12,24%).

Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất vừa công bố của NVT cho biết, kết thúc quý I/2020, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ ghi nhận đạt hơn 61,8 tỷ đồng, giảm hơn 20 tỷ đồng so với cùng kỳ của năm trước, tương đương mức giảm gần 25%, chủ yếu là do doanh thu của công ty con là CTCP Du lịch Hồng Hải giảm mạnh vì hoạt động kinh doanh chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Giá vốn hàng bán (giảm 24%) giảm ít hơn doanh thu nhưng lãi gộp thu về gần 32 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp theo đó cũng giảm từ 57% xuống còn 51%. Doanh thu tài chính của NVT chỉ ghi nhận khoản lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng mạnh (gấp 3 lần), lên mức 352 triệu đồng.

Trong kỳ, mặc dù chi phí quản lý doanh nghiệp đã được NVT cắt giảm khá mạnh khoảng 26% so với cùng kỳ, còn hơn 12 tỷ đồng, tuy nhiên, chi phí tài chính cùng chi phí bán hàng gia tăng, góp phần kéo lãi ròng của NVT giảm sút đáng kể xuống còn gần 3,5 tỷ đồng.

Ghi nhận từ NVT cho thấy, chi phí lãi vay trong kỳ của doanh nghiệp đã tăng gần gấp 3 lên hơn 1,32 tỷ đồng, trong khi đó Công ty cũng chịu lỗ từ chênh lệnh tỷ giá thêm hơn 127 triệu đồng.

Giảm lãi tới 44% so với cùng kỳ năm trước trong quý I/2020, ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài và chưa biết bao giờ mới có thể khôi phục lại hoạt động khai thác du lịch như cũ đang là bài toán đè nặng lên đôi vai dàn lãnh đạo mới của CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (Mã CK: NVT) trước thềm Đại hội cổ đông 2020 diễn ra vào ngày 28/5 sắp tới đây.

Có thể bạn quan tâm

  • Bài toán tái cấu trúc doanh nghiệp nhỏ và vừa hậu COVID-19

    Bài toán tái cấu trúc doanh nghiệp nhỏ và vừa hậu COVID-19

    11:00, 13/05/2020

  • Tái cấu trúc theo mô hình Holdings và thách thức với REE

    Tái cấu trúc theo mô hình Holdings và thách thức với REE

    11:00, 12/05/2020

  • Nhiều công ty quản lý quỹ lọt

    Nhiều công ty quản lý quỹ lọt "tầm ngắm" tái cấu trúc năm 2020

    04:00, 08/01/2020

  • Tái cấu trúc có giúp Tôn Hoa Sen lấy lại

    Tái cấu trúc có giúp Tôn Hoa Sen lấy lại "phong độ"?

    21:02, 14/02/2019

  • Tiếp tục tái cấu trúc thị trường bảo hiểm

    Tiếp tục tái cấu trúc thị trường bảo hiểm

    01:10, 18/11/2018

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
NVT vật lộn tái cấu trúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO