Trong một động thái chú ý, Apple đã đăng tuyển hàng loạt vị trí việc làm tại Hà Nội cũng như TP.HCM.
Từ tháng 2 đến cuối tháng 4 vừa qua, tại mục tuyển dụng trên trang chủ của Apple, Táo khuyết đã đăng tải hàng loạt thông tin đăng tuyển vị trí việc làm ở Hà Nội và TP.HCM.
Các vị trí được Apple tìm kiếm rất đa dạng từ: Giám đốc vận hành, quản lý cấp cao, Giám đốc kênh, trưởng nhóm bán lẻ… Đặc biệt, Táo khuyết tìm kiếm rất nhiều các ứng viên tại bộ phận chuỗi cung ứng và vận hành.
Apple đòi hỏi khá cao từ khi yêu cầu các ứng viên đăng tuyển phải kinh nghiệm, nói và viết tiếng Anh tốt, kỹ năng giao tiếp tốt, sẵn sàng đi công tác…
Hoạt động tuyển dụng này được cho là dấu hiệu Apple đang đẩy nhanh kế hoạch chuyển dần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam - kế hoạch đã được đồn đoàn rất nhiều trong thời gian qua.
Hướng về Việt Nam, Thái Lan
Đây không phải là lần đầu tiên người ta nghe thấy những thông tin về việc Apple hay những đại gia công nghệ có kế hoạch chuyển dần dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Vào đầu tháng 3, CNBC đã có biết viết rất đáng chú ý với tựa đề: "Apple, Microsoft, Google tìm cách chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc: Có thực sự dễ dàng?".
Với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vào năm ngoái, và sự bùng phát của đại dịch COVID-19 trong năm nay, theo CNBC, các công ty công nghệ Mỹ như Apple, Microsoft và Google đang tìm cách chuyển hoạt động các sản phẩm phần cứng ra khỏi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Theo Nikkei Asian Review, Google và Microsoft đang đẩy nhanh hoạt động này.
Dựa vào nguồn tin riêng của mình, Nikkei cho biết Google dường như đang chuẩn bị cho việc sản xuất mẫu smartphone giá rẻ, khả năng lớn là chiếc Pixel 4a ngay trong tháng Tư tại Việt Nam. Thậm chí, hai phiên bản cao cấp Pixel 5/5 XL được cho là cũng sẽ được sản xuất ở Việt Nam trong nửa cuối năm nay.
Ngoài Việt Nam, Google dường như cũng đang tìm cách chuyển hoạt động sản xuất phần cứng sang Thái Lan. Theo Nikkei, Google đã yêu cầu một đối tác ở Thái Lan sẵn sàng chuẩn bị dây chuyển để sản xuất các sản phẩm liên quan đến nhà thông minh, có thể là chiếc loa thông minh hỗ trợ trợ lý ảo Google Assistant.
Còn với Microsoft, theo Nikkei, công ty này đang đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất máy tính xách tay và máy tính để bàn Surface tại Việt Nam trong quý II tới.
Trong khi đó, với Apple, Nikkei cho biết Táo khuyết được cho là đang muốn thử nghiệm việc sản xuất AirPods tại Việt Nam. Đồng thời yêu cầu các nhà cung cấp xem xét việc chuyển 15 – 30% sản lượng từ Trung Quốc sang các khu vực khác ở Đông Nam Á.
Có dễ dàng "dứt tình" khỏi Trung Quốc?
"Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã ăn sâu vào chuỗi cung ứng của các công ty Mỹ và hiện gắn kết hơn bao giờ hết", ông Sean Maharaj, Giám đốc quản lý tại Công ty tư vấn quản lý toàn cầu AArete, nhận định.
Theo CNBC, việc chuyển hoạt động sản xuất linh kiện ra khỏi Trung Quốc sẽ vấp phải nhiều khó khăn vì hoạt động sản xuất đã cắm rễ sâu tại Trung Quốc và cần thời gian dài để xây dựng lại ở một quốc gia khác.
"Một số dây chuyền lắp ráp có thể di chuyển đến nơi khác nhưng các dây chuyền này cần có thời gian thiết lập, và hơn nữa không có quốc gia nào có nguồn lao động dồi dào như Trung Quốc", John Harmon, nhà phân tích cấp cao tại Coresight Research nói với CNBC.
Trên hết, các nhà cung ứng những linh kiện đều sản xuất tại Trung Quốc. Điều đó có thể khiến bất kỳ công ty công nghệ Mỹ nào muốn đa dạng hoá sẽ có một quy trình lâu hơn bình thường. Chiếc iPhone 11 của Apple có thể là ví dụ tiêu biểu cho điều này.
Vào đầu tháng 3 vừa qua, theo trang 9to5mac, Apple đã từ bỏ ý định sản xuất iPhone 11 tại Ấn Độ.
Trước đó, vào tháng 10/2019, đã có thông tin cho rằng Apple có kế hoạch sản xuất iPhone 11 ở Ấn Độ. Nếu điều này trở thành hiện thực đây sẽ là bước ngoặt lớn trong chuỗi cung ứng của Apple khi 1 một iPhone cao cấp được sản xuất bên ngoài Trung Quốc.
Tiền đề để Ấn Độ làm điều này là rất lớn khi Wistron đã từng có kinh nghiệm lắp ráp các mẫu iPhone 6S và iPhone 7 tại đây. Tuy nhiên, lắp ráp các mẫu iPhone đời cũ là một chuyện, song với thế hệ iPhone mới lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
"Ấn Độ không sẵn sàng cung cấp lao động lành nghề hoặc cơ sở hạ tầng mạnh mẽ mà Apple mong đợi", 9to5mac cho biết.
"Apple không đủ khả năng chuyển bất kỳ hoạt động sản xuất các mẫu iPhone cao cấp sang Ấn Độ ít nhất vào cuối năm nay. Mô hình chuỗi cung ứng vẫn chưa hoàn chỉnh, công nhân tại Ấn độ vẫn chưa sẵn sàng để sản xuất ra các sản phẩm cao cấp", một người có kinh nghiệm với chuỗi cung ứng của Foxconn ở nước ngoài cho biết thêm.
Chậm rãi như một chiếc máy bay quay đầu
Aarete’s Maharaj cho biết, việc đa dạng hoá chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc có thể thực hiện, mặc dù quá trình này sẽ là chậm chạp.
"Điều này giống như quay đầu một chiếc máy bay một cách chậm rãi. Tôi nghĩ rằng có nhiều công ty đã nghiêm túc tìm hiểu các chiến lược giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng.
Khi các tập đoàn muốn chuyển đổi nhanh chóng và bắt đầu đầu tư, họ có thể làm điều đó. Và họ hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương và các doanh nghiệp địa thương để thực hiện điều này", Aarete’s Maharaj nói với CNBC.
"Các ví dụ điển hình như ở Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam… cho thấy tất cả đều có thể diễn ra nhanh hơn chúng ta dự kiến ban đầu", ông Aarete’s Maharaj nhấn mạnh.
Cuối cùng, việc chuyển một số sản phẩm ra khỏi Trung Quốc có thể không phải là điều làm giảm đáng kể rủi ro cho các công ty.
"Thay đổi địa điểm sản xuất giúp đa dạng hóa rủi ro nhưng không phải là cách làm triệt để, trên thực tế có thể trở thành một trò chơi may rủi", Bryan Ma, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu thiết bị tại IDC nói với CNBC.
"Coronavirus đã lan sang các nước khác, trong khi thuế quan nhập khẩu hoàn toàn có thể nhắm vào các quốc gia khác theo thời gian", Bryan Ma khẳng định.