Đối với ngành công nghiệp ô tô, chỉ có duy trì công suất ổn định và tăng trưởng đều đặn, mới tạo ra động lực cho sự phát triển. Sản lượng giảm thì động lực cho sự phát triển cũng không còn.
>> Sản lượng giảm, công nghiệp ô tô đã khó càng khó hơn
Tăng trưởng “giật lùi”
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 88.300 chiếc, con số này thấp hơn so với 109.500 chiếc của 4 tháng đầu năm 2023 và thấp hơn nữa so với 151.000 chiếc của 4 tháng đầu năm 2022. Như vậy cũng có nghĩa là sản xuất lắp ráp ô tô trong nước đang thụt lùi. So với 4 tháng đầu năm 2022, sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp 4 tháng đầu năm 2024 giảm hơn 60.000 chiếc.
Kinh tế khó khăn, cùng với sự cạnh tranh mạnh mẽ của ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, đã khiến sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp tăng trưởng “giật lùi”. Với đà này cả năm 2024 chưa chắc sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đã vượt qua con số 350.000 chiếc của năm 2023. Đối với ngành công nghiệp ô tô, chỉ có duy trì công suất ổn định và tăng trưởng đều đặn, mới tạo ra động lực cho sự phát triển. Sản xuất tăng trưởng “giật lùi” thì động lực cho sự phát triển cũng không còn.
Trước khó khăn này, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất, việc gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong tháng 5/2024. Với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, có thể ô tô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ tiếp tục được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ vào 6 tháng cuối năm 2024.
Từ năm 2020 đến năm 2023, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đã được Chính phủ hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ tới 3 lần, mỗi lần kéo dài 6 tháng. Sắp tới sẽ là lần thứ 4. Hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ, không làm giảm giá bán xe nhưng làm giảm chi phí lăn bánh. Với mức thu từ 10-12% giá trị xe, lệ phí trước bạ chiếm một phần không nhỏ trong chi phí lăn bánh của ô tô mới. Với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, khi được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ, khách hàng sẽ giảm được khoản chi từ 30-80, triệu đồng cho chi phí lăn bánh với xe bình dân và hàng trăm triệu đồng với 1 số mẫu xe sang. Vì vậy, sẽ kích cầu tiêu dùng. Qua đó giúp ô tô sản xuất lắp ráp trong nước tăng sản lượng.
Mất dần lợi thế
Nhưng giải pháp này chỉ mang tính tạm thời. Bởi sau khi kết thúc hỗ trợ, chi phí lại tăng lên, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước lại khó khăn.
Không những thế, thị trường ô tô sắp mở cửa hoàn toàn. Hiện tại, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về Việt Nam đã giảm xuống còn 0%. Còn thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Liên minh châu Âu, Anh quốc, Nhật Bản... đang giảm dần và sẽ về 0% vào năm 2023, khiến sản xuất lắp ráp trong nước mất dần lợi thế.
Giới chuyên môn nhận định rằng, sản lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước không còn cơ hội tăng trưởng cao trong những năm tới. Nếu cứ duy trì sản lượng thấp thì ngành công nghiệp ô tô Việt Nam không thể khắc phục hết bất lợi, để chuyển hóa thành lợi thế.
Hiện ô tô dưới 10 chỗ ngồi là sản phẩm chịu nhiều thuế phí nhất, gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, lệ phí trước bạ, phí cấp biển…Thuế, phí cao đẩy giá xe lên cao, trong khi thu nhập của người dân còn thấp, nên quy mô thị trường ô tô nhỏ bé, ngành ô tô thường xuyên gặp khó khăn.
Để ngành công nghiệp ô tô phát triển, yếu tố quan trọng nhất chính là sản lượng lớn. Sản lượng càng lớn sẽ càng hiệu quả. Trong khi thu nhập của người dân còn thấp, phải giảm các loại thuế phí, hỗ trợ người mua... Chỉ có các giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ, ổn định và lâu dài, mới tạo ra sức cạnh tranh cho xe trong nước.
Có thể bạn quan tâm
Ô tô tồn kho từ 2023 còn nhiều, “dọn kho”, “xả hàng” mãi chưa hết
04:43, 26/04/2024
Ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, sắp được hỗ trợ lệ phí trước bạ?
11:52, 22/04/2024
Thị trường ô tô chưa thoát khỏi suy thoái, giá xe tiếp tục giảm
04:03, 15/04/2024
Hàng loạt mẫu ô tô tiếp tục giảm giá, tăng khuyến mãi để “xả” hàng
04:17, 04/04/2024
Dư thừa gần 100.000 ô tô, giá xe còn giảm sâu hơn nữa
04:21, 30/03/2024