Ông Phạm Thanh Hà – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 14%, đồng thời thực hiện các biện pháp để ổn định mặt bằng lãi suất.
Nới lỏng tiền tệ?
Động thái cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN đang là tâm điểm chú ý của giới chuyên gia và thị trường. Mặc dù cho rằng đây là bước đi hợp lý, song các chuyên gia đang bị chia rẻ quan điểm khi đánh giá liệu đây có phải là động thái nới lỏng tiền tệ hay không.
TS. Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN có thể được coi là nới lỏng tiền tệ thực sự. Bởi giảm lãi suất đồng nghĩa với việc NHNN tăng cung tiền, góp phần đẩy tín dụng tăng cao hơn.
Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc cắt giảm lãi suất điều hành sẽ tạo ra áp lực đối với tỷ giá và lạm phát. Dù NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ “lỏng” hơn so với trước, song đây chưa phải là nới lỏng chính sách tiền tệ.
Có thể bạn quan tâm
06:01, 14/09/2019
10:27, 16/09/2019
04:00, 31/08/2019
06:01, 24/08/2019
11:05, 11/08/2019
06:10, 01/08/2019
14:41, 26/06/2019
Trên thực tế, NHNN điều hành chính sách tiền tệ theo hướng đặt mục tiêu trực tiếp về khối lượng cung tiền thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2), chứ không như FED hay ECB điều tiết cung tiền thông qua lãi suất. Hơn nữa, các loại lãi suất điều hành không được sử dụng thường xuyên, chỉ được áp dụng khi các ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản, không vay được trên thị trường liên ngân hàng. Bởi vậy, việc Việt Nam có thực sự nới lỏng hơn chính sách tiền tệ hay không thì phải chờ các số liệu thực tế về tăng trưởng tín dụng và M2 trong thời gian tới.
Chính sách tiền tệ vẫn thận trọng
Trước đây, khi lãi suất quốc tế tăng, NHNN đã điều hành đồng bộ các chính sách tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Nhưng gần đây, kinh tế thế giới diễn biến kém thuận lợi hơn, nhiều ngân hàng trung ương đã giảm lãi suất điều hành.
Ở trong nước, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 6,76%, CPI bình quân 8 tháng đầu năm 2019 tăng 2,57%, thị trường tiền tệ và ngoại hối diễn biến ổn định.
Từ diễn biến trên, ông Phạm Thanh Hà- Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ thuộc NHNN cho biết, NHNN đã thực hiện giảm lãi suất điều hành nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản cho các TCTD.
Cũng theo ông Hà, trong thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ để điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Về tín dụng, NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo định hướng cả năm khoảng 14%; đồng thời thực hiện đồng bộ các biện pháp để ổn định mặt bằng lãi suất. Đối với điều hành tỷ giá, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường trong nước và quốc tế, diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, để tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ.
Việc NHNN vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14% cho thấy, cơ quan này vẫn đang điều hành cung tiền thận trọng. Sự thận trọng của NHNN là hoàn toàn hợp lý bởi trong điều kiện tổng cầu chậm lại, tăng cung tiền sẽ làm tăng áp lực lạm phát, nhập siêu và bong bóng tài sản.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với sự thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, thì mặt bằng lãi suất sẽ chỉ ổn định, chứ khó giảm, nhất là khi các ngân hàng vẫn đua tăng lãi suất huy động vốn kỳ hạn dài để đáp ứng yêu cầu giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn dự kiến về 30% trong thời gian tới.