Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến gặp trực tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tháng này. Lãnh đạo hai cường quốc hàng đầu sẽ thảo luận gì trong vô vàn mâu thuẫn chồng chất?
>>Quan hệ Mỹ - Trung đang “tan băng”
Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sắp diễn ra nhưng sự chú ý đổ dồn về diễn biến mới trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc khi hai nhà lãnh đạo các nước này sẽ có cuộc gặp lịch sử.
Ngày 1/11, Nhà trắng chính thức xác nhận Tổng thống Joe Biden sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị Thượng đỉnh APEC diễn ra tại San Francisco trong tháng này.
Cuộc gặp mặt trực tiếp diễn ra sau các cuộc thảo luận của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, Giám đốc CIA Bill Burns, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Đặc phái viên Hoa Kỳ về Khí hậu John Kerry với các quan chức tại Bắc Kinh.
Dù Thư ký báo chí Tòa bạch ốc Karine Jean-Pierre từ chối cung cấp thông tin chi tiết về chương trình nghị sự, nhưng xâu chuỗi các chuyến đi lại, các nhân vật được cử đi trong gần 1 năm qua giữa hai cường quốc này cũng có thể dự đoán được phần nào nội dung mà hai nguyên thủ hàng đầu Mỹ- Trung sẽ thảo luận.
Thương mại là một trong những nút thắt cản trở quan hệ hai nước, xuất phát từ cuộc chiến thương mại và hiệu lực các gói thuế mà cựu Tổng thống Trump đã “đánh” vào hàng hóa Trung Quốc. Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Gina Raimondo đã làm việc với người đồng cấp Vương Văn Đào tại Bắc Kinh.
Khinh khí cầu Trung Quốc “lạc” vào lãnh thổ Mỹ là sự kiện an ninh biểu hiện một mối quan hệ trong tình trạng “hoàn toàn mất tin tưởng”; kèm thêm những vấn đề “nóng” trên eo biển Đài Loan, loạt hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông đẩy quan hệ Mỹ - Trung vào trạng thái nguy hiểm.
Giám đốc CIA Bill Burns, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan - những người phụ trách an ninh nội địa và ứng xử của lực lượng vũ trang Lầu Năm Góc ở bên ngoài lãnh thổ cũng đã có chuyến thăm đến Trung Quốc. Rõ ràng đây là lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm mà Bắc Kinh và Washington cần có tiếng nói thống nhất để quản lý căng thẳng.
Chống biến đổi khí hậu, mục tiêu giảm phát thải về 0 cũng là vấn đề rất quan trọng, Trung Quốc là tiền đề cho sự thành công của mục tiêu tại COP26, kéo theo đó là ngành kinh tế “xanh” liên quan đến xe điện, năng lượng sạch.
>>Quan hệ Mỹ - Trung nhìn từ Alaska
Điều bất ngờ là ông Henry Kissinger - nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ tuy đã hơn 100 tuổi nhưng vẫn đến đến Trung Quốc - phát đi thông điệp rất mạnh, rằng Nhà trắng muốn định hình lại quỹ đạo quan hệ với Trung Quốc bằng công cụ ngoại giao. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết trong cuộc họp báo: “Cạnh tranh khốc liệt có nghĩa là ngoại giao căng thẳng”.
Bên cạnh đó, cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Nhà Trắng nỗ lực gấp rút hỗ trợ an ninh và viện trợ nhân đạo cho Israel khi xung đột với Hamas ngày càng gia tăng. Đồng thời, Mỹ tiếp tục là nhà tài trợ chính cho Ukraine trong cuộc chiến kéo dài hơn 600 ngày với Nga.
Những thực tế này gây thêm căng thẳng cho mối quan hệ Mỹ-Trung, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề trong những năm gần đây bởi cuộc chiến thương mại bắt đầu từ thời chính quyền D. Trump.
Hãng tin Bloomberg cho hay, chương trình nghị sự của cuộc gặp này có thể bao gồm các nội dung liên quan tới kinh tế và công nghệ, vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), cũng như các vấn đề địa chính trị rộng hơn như chiến sự Nga - Ukraine, xung đột Israel - Hamas.
Có thể bạn quan tâm