Kinh tế thế giới

Ông Trump tung "quân bài mặc cả", chuỗi cung ứng "rúng động"

Cẩm Anh 07/02/2025 11:07

Thuế quan đang được coi như "quân bài mặc cả" của Tổng thống Trump, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu "rúng động".

anh.jpg
Nhiều quốc gia được hưởng lợi từ việc chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc đang đứng trước lo ngại sẽ bị áp thuế. Ảnh: Getty Images

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng áp thuế đối với các đồng minh của Mỹ đang gây ra "cơn đau đầu" lớn cho các nhà cung cấp cho Apple, Nvidia và những công ty khác đã chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc sang Đông Nam Á và Mexico để tránh thuế của Mỹ.

Với việc Tổng thống Mỹ đột nhiên áp đặt và tạm dừng thuế đối với Mexico và Canada, các giám đốc điều hành lo ngại rằng chiến lược chuyển sản xuất về các nước thân thiện của họ không còn đủ để giảm thiểu rủi ro địa chính trị nữa.

Một giám đốc điều hành của một nhà cung cấp cho Apple và Tesla có cơ sở sản xuất tại Mexico trao đổi với Nikkei rằng công ty của ông hiện chưa thể đưa ra bất kỳ quyết định nào. "Tôi thức dậy và phát hiện ra mức thuế mới đối với hàng hóa Mexico đã bị hoãn lại trong 30 ngày. Ai biết điều gì sẽ xảy ra sau cuộc gọi của ông Trump với Trung Quốc?", ông nói.

Nhà Trắng đã nói rằng cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Trung Quốc có thể diễn ra trong tuần này, nhưng sau đó ông Trump đã hạ thấp kỳ vọng như vậy. Việc ông Trump sẵn sàng sử dụng thuế quan để giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại là nguyên nhân gây lo ngại cho chuỗi cung ứng công nghệ.

Washington đã khuyến khích các công ty giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, vốn từ lâu là công xưởng của thế giới. Nhận thấy việc chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất sang Hoa Kỳ sẽ không khả thi, Washington đã đưa ra khái niệm friend-shoring hoặc chuyển năng lực sang các quốc gia có mối quan hệ thân thiện hơn với Hoa Kỳ.

Ví dụ, một phần sản phẩm của Apple hiện được sản xuất tại Việt Nam và công ty đang xây dựng chuỗi cung ứng iPhone tại Ấn Độ. HP và Dell đều đã yêu cầu các nhà cung cấp chuyển càng nhiều hoạt động của họ càng tốt từ Trung Quốc sang Thái Lan và Việt Nam. Mexico, từ lâu là nhà sản xuất TV và thiết bị gia dụng lớn cho thị trường Bắc Mỹ và Mỹ Latinh, đã trở thành trung tâm sản xuất máy chủ quan trọng khi Foxconn, Wistron, Inventec và Pegatron - nhà cung cấp chính cho Nvidia, Intel, AMD và các nhà cung cấp máy chủ Microsoft- đã xây dựng các cơ sở tại đó trong hai năm qua.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này đã làm tăng mạnh thâm hụt thương mại của Mỹ với các quốc gia này. Theo dữ liệu từ Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ, thâm hụt thương mại của Mỹ với Thái Lan và Mexico đã tăng gấp đôi từ năm 2018 đến năm 2023, trong khi thâm hụt thương mại của Mỹ với các nền kinh tế công nghệ quan trọng của châu Á là Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản cũng đã tăng đáng kể.

Với kết quả đàm phán vẫn chưa rõ ràng, một số nhà sản xuất TV, bao gồm Samsung và LG của Hàn Quốc và TCL của Trung Quốc, đã yêu cầu các nhà sản xuất có trụ sở tại Mỹ như Element Electronics hỗ trợ sản xuất một số sản phẩm nếu thuế quan đối với Mexico có hiệu lực.

"Dựa trên các chiến thuật trước đây, ông Trump có thể đình chỉ thuế quan một ngày trước khi chúng được thực hiện, vì vậy chúng linh hoạt và là một con bài mặc cả để đạt được mục tiêu", Jeff Lin, một nhà phân tích công nghệ của Omdia cho biết; đồng thời nói thêm rằng mục tiêu của Tổng thống Mỹ là định hình lại các quy tắc thương mại và an ninh toàn cầu để phù hợp với Mỹ.

"Tất cả sự không thể đoán trước của các chính sách này mang lại cho ông Trump đòn bẩy đàm phán, nhưng nó cũng làm tăng thêm sự không chắc chắn cho chuỗi cung ứng mà tất cả các nhà sản xuất cần phải chuẩn bị", ông Jeff Lin nói.

Đồng quan điểm, ông Kevin Wang, một giám đốc điều hành tại một nhà cung cấp của HP và là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Đài Loan tại Trung Quốc đại lục nhận định: "Bây giờ là Trung Quốc, Mexico và Canada, nhưng rất khó để dự đoán. Ai biết mục tiêu tiếp theo phải đối mặt với mức thuế quan cao hơn do Tổng thống Trump áp đặt là gì? Có thể là những nơi khác".

"Nếu có mức thuế quan lớn và được áp dụng rộng khắp đối với nhiều khu vực hơn nữa từ bây giờ, tất cả các nhà sản xuất thiết bị điện tử sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn nếu cuộc chiến thuế quan tiếp tục", ông Kevin Wang nói thêm.

anh1.jpg
Thâm hụt thương mại của Mỹ với các đối tác thương mại được chọn. Nguồn: Nikkei Asia Review

Trong khi đó, Matt Lekstutis, Giám đốc Efficio, một công ty tư vấn về chuỗi cung ứng và mua sắm toàn cầu có trụ sở tại Anh, cho biết ông tin rằng thuế quan sẽ đưa một số công việc sản xuất trở lại Hoa Kỳ, nhưng không rõ sự thay đổi này sẽ kéo dài bao lâu, vì cần có thời gian và vốn đầu tư lớn để những thay đổi trong chuỗi cung ứng có thể phát triển mạnh mẽ.

"Trong ngắn hạn, chi phí vật liệu sẽ tăng vì các công ty cũng sẽ chuyển chi phí cho khách hàng", Lekstutis cho biết.

Trong khi hầu hết các giám đốc điều hành được Nikkei Asia phỏng vấn cho biết hiện nay chuỗi cung ứng đa dạng hơn nhiều và đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự bất ổn địa chính trị so với năm 2018, thì cũng có những dấu hiệu cho thấy sự thất vọng ngày càng tăng.

Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ có một số ít quốc gia trên thế giới có đủ nguồn lao động và nền tảng công nghiệp đầy đủ để xây dựng chuỗi cung ứng mới bên ngoài Trung Quốc, chẳng hạn như Mexico và Việt Nam. Nếu những quốc gia này phải chịu mức thuế quan cao hơn, các doanh nghiệp sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ông Trump tung "quân bài mặc cả", chuỗi cung ứng "rúng động"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO