Saudi Arabia và Nga đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục một số nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới tăng sản lượng dầu trước thềm cuộc họp OPEC vào ngày 22/6 tới.
Cuộc họp giữa các nước thành viên OPEC và một số quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn khác vào cuối tuần này được cho là một trong những cuộc họp gây nhiều tranh cãi nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tiết lộ rằng, OPEC và các nhà sản xuất ngoài khối này sẽ xem xét tăng sản lượng thêm 1,5 triệu thùng/ngày để bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung từ Venezuela và Iran theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Trong khi đó, Saudi Arabia dường như chỉ muốn tăng sản lượng khoảng từ 500.000 - 600.000 thùng/ngày.
Có thể bạn quan tâm
05:45, 15/03/2018
06:30, 25/02/2018
06:30, 22/01/2018
06:02, 28/11/2017
06:15, 13/07/2017
07:16, 14/06/2017
06:58, 28/05/2017
00:01, 05/04/2017
Tuy nhiên, Iran lại cho rằng mong muốn tăng sản lượng dầu mỏ của Saudi Arabia và Nga đang bị chi phối bởi các chính sách của Mỹ trong khu vực.
"Các thành viên OPEC có khả năng không đạt được thỏa thuận thống nhất nào về lộ trình chấm dứt chính sách cắt giảm sản lượng dầu mỏ của mình", Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh nhận định và chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng dầu mỏ như một "vũ khí" chính trị để gây khó khăn cho thị trường dầu mỏ thông qua các biện pháp trừng phạt Iran và Venezuela.
Triển vọng về một thỏa thuận giữa OPEC và một số nước ngoài khối này dường như sẽ phụ thuộc nhiều vào những nước thành viên OPEC hiện đang phản đối mạnh mẽ việc nới lỏng chính sách cắt giảm sản lượng dầu mỏ.
Ngoài Iran, Iraq, Venezuela và Algeria cũng đều đang phản đối lời kêu gọi tăng sản lượng của Saudi Arabia và Nga do lo sợ giá sẽ sụt giảm.
Trước đó, OPEC và một số quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn ngoài OPEC đã nhất trí cắt giảm sản lượng tổng cộng 1,8 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2017 đến hết năm 2018, nhằm giải quyết tình trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường. Sau gần 18 tháng thực hiện, thỏa thuận này đã góp phần đẩy giá dầu thô thế giới lên tới ngưỡng 80 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014.
"Nếu OPEC không làm điều gì đó, giá dầu thô thế giới có thể sẽ đạt 100 USD/thùng trong thời gian tới", ông Scott Sheffield, Giám đốc điều hành của Pioneer Natural Resources Company, cho biết.